Bình an của Đức Kitô Phục Sinh

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

(Ga 20, 19-31)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi tình thầy trò chưa cạn, ngày mà các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ người Do Thái như Tin Mừng Gioan mô tả. Bỗng Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã phục sinh! Người đứng giữa những người đang thương tiếc Người, đang khóa mình sau những cánh cửa đóng kín, đầy sợ hãi, đau khổ và nói : "Bình an cho các con!" (Ga 20, 19-21). Người chỉ ra những vết thương ở đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi sống lại. Người không phải là ma; nhưng thực sự là Thầy của các ông đã chết treo trên thập tự giá và được an táng trong mồ. Trước con mắt ngờ vực của các môn đệ, Chúa lặp lại : "Bình an cho các con!".  

"Bình an cho các con!" (Ga 20, 19-21). Ðây không phải là một lời chào, cũng không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là ơn quí trọng Chúa Kitô Phục Sinh cống hiến cho các mộn đệ sau khi đã trải qua cái chết thương đau. "Bình an cho các con!" (Ga 20, 19-21). Đây là hồng ân phát sinh từ những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Người trao ban bình an cho các môn đệ như lời Người đã hứa: "Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban" (Ga 14,27). Bình an này là chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh, hoa trái tình yêu của Thiên Chúa trên sự dữ và tha thứ. Các môn đệ hết sức vui mừng khi Chúa trao ban bình an. Sợ hãi cũng biến mất nơi các ông. Đúng thế, đây là bình an đích thực, bình an sâu thẳm đến từ trái tim xót thương của Thiên Chúa. Cùng với sự trao ban ơn bình an, Đức Kitô Phục Sinh cũng trao Thánh Thần cho các Tông Ðồ để các ngài chuyển cho thế giới ơn tha thứ tội lỗi, ơn mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban, vì nó đã được trả bằng giá Máu của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa (x. Ga 20,21-23). Bình an mang lại sự tha thứ cho các ông và qua các ông, người khác cảm nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi. Tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an.

Không hiểu sao buổi chiều hôm ấy, Tôma đi đâu mà vắng mặt lúc Thầy viếng thăm, dẫn đến lời tuyên bố trước anh em rằng : "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin" (Ga 20,25). Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các ông, có Tôma ở đó. Chúa Giêsu nói với Tôma , mời ông nhìn các vết thương của Ngài và sờ vào chúng, Tôma kêu lên: "Lậy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" (Ga 20,28). Chúa Giêsu nói : "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" (Ga 20,29). Chúng ta có thể gọi là mối phúc của lòng tin.

Những người đã không trông thấy nhưng đã tin đó là là các môn đệ, các người nam nữ khác của thành Giêsusalem, dù đã không gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, nhưng đã tin vào chứng tá của các Tông Ðồ và các phụ nữ.

Chúa nhật hôm nay, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới  ngày 18-10-2014).

Chúng ta tự hỏi : Thế giới đang cần gì ? Nước Việt nam cần gì ? Bản thân chúng ta cần gì ? Thưa : Lòng thương xót !

Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông báo chíchúng ta vẫn nghe chiến tranh tại Ucraina. Vậy nhân loại cần gì? Thưa: Lòng thương xót, chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới cứu con người khỏi chiến tranh. Và lòng thương xót Chúa phải đi đôi với lòng thương xót của chúng ta. Tình yêu là tên gọi thứ hai của lòng thương xót. Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người mới xứng đáng lãnh được lòng thương xót của Chúa, và chiến tranh  mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi. Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể thể hiện được lòng thương xót của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin thương xót chúng con và ban bình an cho thế giới. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C