CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Tiệc Cưới của Triều Đại Thiên Chúa mở đầu

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 40:1-5, 9-11;  Tt 2:11-14; 3:4-7; Lc 3:15-16, 21-22)

        Màn thứ ba của biến cố Hiển Linh tiếp tục hôm nay với phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na.  Có khi nào bạn thắc mắc tại sao thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II lại đưa biến cố phép lạ Ca-na này vào trong Năm Sự Sáng của chuỗi Mân-côi không?  Hoặc có bao giờ bạn tìm hiểu tại sao thánh sử Gio-an lại gọi phép lạ này là “dấu lạ đầu tiên” ngay sau phần mở đầu sách Tin Mừng của ngài không?  Câu trả lời nằm ngay trong câu Tin Mừng đó:  “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.  Các môn đệ đã tin vào Người”.  Bày tỏ vinh quang cũng chính là cách “hiển linh”.  Cho nên Giáo Hội thường gọi phép lạ Ca-na là cuộc Hiển Linh màn thứ ba sau màn Hiển Linh thứ nhất tại Bê-lem và màn thứ hai tại sông Gio-đan.  Vậy Thiên Chúa tỏ ra vinh quang của Người như thế nào qua một tiệc cưới?  Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a nói với chúng ta về đám cưới giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en dân Người.  Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su dự tiệc cưới Ca-na và đã biến nước thành rượu để bày tỏ vinh quang của Người cũng như làm cho các môn đệ tin vào Người.  Riêng bài trích thư I của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần và các ơn đoàn sủng Người ban cho chúng ta để xây dựng Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Ki-tô, được mỗi ngày một xinh đẹp hơn.

 

        1.  “Cô dâu” Ít-ra-en là niềm vui cho “Chú Rể” Thiên Chúa.  Mối tương quan giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en, dân Người tuyển chọn, được mô tả trong Kinh Thánh Cựu Ước như một cuộc hôn nhân đầy sóng gió và vui ít buồn nhiều vì sự bất trung của “cô dâu”.  Tuy nhiên “Chú Rể” Thiên Chúa thì luôn trung thành và luôn mở rộng vòng tay đón Ít-ra-en hối lỗi trở về!  Hôm nay qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa kể lể tâm sự về cuộc hôn nhân thiêng liêng của Người với Ít-ra-en.  Người không ngại bày tỏ “lòng mến Xi-on” và “lòng mến Giê-ru-sa-lem”.  Vì tình yêu này mà Thiên Chúa đứng ngồi không yên cho đến khi nào Vị Cứu Tinh của thành đến để phục hồi đức công chính cho thành.  Xi-on hay Giê-ru-sa-lem là cái tên của dân Ít-ra-en, nhưng lại là cái tên nói lên những bất trung của họ khi họ bỏ đường lối Thiên Chúa mà sống theo lối sống dân ngoại.  Chính những bất trung này đã làm tổn thương trầm trọng mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, để rồi họ phải chịu số phận lọt vào tay ngoại bang và sống kiếp lưu đày!  Tuy nhiên với sự xuất hiện của Vị Cứu Tinh, cục diện Ít-ra-en đã hoàn toàn đổi mới và vinh quang của dân Chúa lại sáng ngời trước muôn dân.  Bao nhiêu tội lỗi và bất trung của Ít-ra-en đã được Thiên Chúa tha thứ.  Để gột rửa quá khứ ô nhục, Thiên Chúa đã đặt “tên mới” cho Ít-ra-en.  Những cái tên xấu xí của Ít-ra-en thời lưu đày như “Đồ bị ruồng bỏ!” và “Phận bạc duyên đơn” nay đã được thay thế bằng cái tên mới là “Ái khanh lòng Ta hỡi!” và “Duyên thắm chỉ hồng”.  Chú Rể Thiên Chúa muốn làm lại từ đầu và thiết lập một cuộc Hôn Nhân Mới với Ít-ra-en.  Đấy, ai bảo là Thiên Chúa không có tình cảm ướt át khiến cho con dân Ít-ra-en phải đồng thanh lên tiếng:  “Vì tình Chúa thương ta bền vững tới muôn đời!”?

        Quả thực ngôn sứ I-sai-a đã khéo léo diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en.  Nhưng chắc chắn câu chuyện “hôn nhân” của Thiên Chúa không dừng lại ở những trang tình sử của Ít-ra-en, mà là đưa chúng ta tới một cuộc hôn nhân rộng lớn hơn giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Bất trung và tội lỗi của Ít-ra-en biểu tượng cho một nhân loại ngụp lặn trong tội lỗi.  Nhân loại đã biến thành “Đồ bị ruồng bỏ” và “Phận bạc duyên đơn” trước mặt Thiên Chúa rồi!  Nếu là một cuộc hôn nhân của loài người thì chú rể kia đã thẳng tay dứt bỏ cô dâu.  Nhưng với Thiên Chúa thì khác.  Người không nỡ bỏ rơi chúng ta.  Tình yêu ép buộc Người phải cứu, phải sai Đấng Cứu Độ đến để thực hiện một cuộc hôn nhân mới và nối lại tình xưa.  Tại sao Thiên Chúa có thể yêu thương chúng ta “vô điều kiện” như vậy được?  Vì:  “Ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.  Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về”.  Trước tâm tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta như vậy mà mỗi người chúng ta không một chút động lòng, thì quả thực chúng ta hết thuốc chữa rồi!

 

        2.  Qua câu chuyện tiệc cưới Ca-na, Thiên Chúa mở đầu cho Tiệc Cưới của Nước Trời.  Phụng vụ Lời Chúa đã khéo ráp câu chuyện hôn nhân giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en trong Cựu Ước với tiệc cưới Ca-na trong Tân Ước lại với nhau để trình bày mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.  Cô dâu Ít-ra-en bất trung và phản bội chú rể Thiên Chúa, còn tiệc cưới Ca-na thì lại hết rượu.  Giống như Vị Cứu Tinh xuất hiện để phục hồi vinh quang cho Ít-ra-en, Chúa Giê-su cũng xuất hiện trong tiệc cưới Ca-na để cứu vãn tình thế bối rối và xấu hổ bởi thiếu rượu.  Rượu là biểu tượng của tình yêu hôn nhân, nên thiếu rượu là điều không thể chấp nhận.  Rượu càng ngon, tình yêu càng tha thiết đậm đà.  Rượu tình yêu Thiên Chúa thì khỏi phải nói, vì ta không thể lấy gì so sánh được, dù ngọn Thái sơn cao vút hay biển Thái bình bao la cũng chưa đủ để sánh với tình yêu Thiên Chúa.  Vậy mà Thiên Chúa vẫn giữ lại tình yêu ấy cho đến khi sai Con Một giáng trần.  Trong tiệc cưới Ca-na, ông quản tiệc đã trách chú rể:  “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn”.  Nhưng Thiên Chúa đâu có hành động lập lờ như lời ông quản tiệc nói đâu!  Người giữ rượu ngon là Đức Ki-tô lại trong bao nhiêu thế hệ là để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch cứu độ của Người.  Với chúng ta, thời gian đếm bằng giây phút ngày tháng và năm (chronos).  Còn Thiên Chúa, thời gian là cơ hội (kairos).  Khi cơ hội đến thì chính là lúc “thời gian tới hồi viên mãn” (Ê-phê-xô 1:10).  Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ qua nhiều thế kỷ tới để loan báo, kêu gọi và chuẩn bị tâm hồn người ta đón nhận Đấng Cứu Độ và vương quốc của Người.

        Thánh Gio-an không nhắc tới thời gian từ sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa cho đến thời điểm Người làm dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na, ngoài việc ông Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ vụ tại bờ sông Gio-đan và việc Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên.  Như vậy chúng ta hiểu Gio-an đã ngầm nói rằng Chúa Giê-su đã bắt đầu rao giảng rồi.  Sau đó đột nhiên ngài kể ngay đến “dấu lạ đầu tiên” của Chúa Giê-su tại tiệc cưới Ca-na.  Chúng ta đã biết lời giảng và “dấu lạ” là hai công việc chính của sứ vụ Chúa Giê-su.  Cho nên dấu lạ Ca-na là quan trọng vì nó khởi đầu cho các phép lạ tiếp theo khi Chúa thi hành sứ vụ.  Nhưng Ca-na còn quan trọng vì nó biểu tượng cho tất cả những gì nằm trong sứ vụ của Chúa Giê-su.  Người được sai đến để thiết lập một Hôn Nhân Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Người là Chàng Rể và Giáo Hội Người là Tân Nương.  Cuộc hôn nhân mầu nhiệm này sẽ sinh ra cho Thiên Chúa một nhân loại mới là những người con có khả năng đón nhận ơn cứu độ và sự sống đời đời.  Đó chính là cách Người bày tỏ vinh quang của Người là ơn cứu độ và bày tỏ vinh quang Thiên Chúa là kế hoạch yêu thương (Ê-phê-xô 1:9).  Các khách mời của tiệc cưới Ca-na hôm nay chắc chắn đã được nếm rượu ngon nhất chưa khi nào họ được thưởng thức.  Còn các người cùng đi với Chúa hôm nay đến tiệc cười thì sao?  Trước hết phải là Mẹ Ma-ri-a;  Mẹ cảm tạ Chúa Giê-su đã cứu cô dâu chú rể và gia đình họ khỏi thảm kịch bị chê cười.  Nhưng Mẹ cảm tạ Chúa Giê-su hơn cả là vì Chúa đang biến nước lã là nhân loại này trở thành rượu ngon khi Người thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao phó, để tình yêu của nhân loại đối với Thiên Chúa mỗi ngày một thắm thiết hơn cho đến khi mọi sự được hoàn tất trong Con của Mẹ.  Tiếp đến là “các môn đệ đã tin vào Người”.  Họ là những hoa trái đầu tiên do sứ mệnh Chúa Giê-su mang lại và cũng là hình ảnh đầy hy vọng cho cuộc Hôn Nhân Mới của Thiên Chúa!  Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Gio-an 1:12).

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Chúng ta là con cái được sinh ra từ cuộc Hôn Nhân Mới giữa Chúa Giê-su và Giáo Hội là Hiền Thê của Người.  Vậy chúng ta phải làm gì để xây dựng Giáo Hội?  Thánh Phao-lô trả lời:  đó là việc chúng ta phải cộng tác với Chúa Thánh Thần để sử dụng mọi tài năng của chúng ta mà mưu ích cho Giáo Hội.  Trước hết thánh Phao-lô mô tả phân công sinh hoạt của Ba Ngôi Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ:  Thánh Thần và các đặc sủng khác nhau;  Chúa K-tô và những việc phục vụ;  Chúa Cha và việc chỉ đạo làm mọi sự trong mọi người.  Tuy nhiên, thánh Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần và các đặc sủng Người ban.  Vì những đặc sủng ấy nhắm cùng một mục đích là để xây dựng cộng đoàn, nên sách Giáo lý thường gọi đó là “đoàn sủng”.  Ơn khôn ngoan cần thiết cho việc giảng dạy, ơn hiểu biết thì cần cho việc trình bày vấn đề, và rất nhiều ơn khác, thí dụ ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn nói các thứ tiếng lạ… Đến đây nhiều người chúng ta sẽ nói:  Tôi chẳng thấy mình có ơn đoàn sủng nào cả!  Đừng vội bi quan như vậy.  Đừng mơ ước những ơn lớn lao như thánh Phao-lô kể ra, mà hãy nhìn nhận nơi bạn những ơn có vẻ nhỏ bé và không mạnh mẽ, nhưng lại rất độc đáo chỉ bạn mới có mà thôi.  Ơn đoàn sủng của bạn chỉ là khí cụ, còn Đấng sử dụng khí cụ ấy chính là Thánh Thần.  Một khi đã vào tay Thánh Thần rồi, thì dù một cái chổi quét nhà cũng trở thành cây kiếm vô song trong bàn tay độc cô cầu bại là Chúa Thánh Thần!  Lạy Chúa, xin tha con con cái tội mê truyện kiếm hiệp.  Nhưng xin Chúa cứ dùng con và ơn đoàn sủng của con tùy ý để xây dựng Giáo Hội Chúa Ki-tô!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C