CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Những vị ngôn sứ bất khuất

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 1:4-5, 17-19;  1 Cr 12:31 – 13:13;  Lc 4:21-30)

        Sau vài tuần lễ giới thiệu Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta bước theo Chúa đi tới bất cứ nơi nào Người đi, để lắng nghe lời giảng của Người và suy nghĩ về những phép lạ Người làm.  Hôm nay Lời Chúa trình bày cho chúng ta hai gương mẫu ngôn sứ, một vị trong Cựu Ước là Giê-rê-mi-a và một vị trong Tân Ước là Chúa Giê-su.  Cả hai vị đều đã thi hành sứ vụ, nhưng đồng thời phải đối phó với sự chống đối và bách hại do những kẻ các ngài được sai đến với họ.  Tuy nhiên các ngài đều can đảm và trung thành trong sứ vụ, vì có Thiên Chúa luôn bênh đỡ và bảo vệ các ngài.  Tinh thần bất khuất trước khó khăn và chống đối là điểm nổi bật của các ngài.  Nhờ bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta được chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giê-su, nên cũng như Người, chúng ta sẽ được Chúa Cha phù hộ nếu chúng ta đi theo con đường trổi vượt hơn cả là đức mến, con đường thánh Phao-lô đã đi khi ngài rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân ngoại.

 

        1.  Giê-rê-mi-a là vị ngôn sứ bất khuất thời Cựu Ước vì ông là “con người của Lời Chúa”.  Giê-rê-mi-a chào đời khoảng năm 650 trước công nguyên và được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ năm 626 khi mới được hai mươi bốn tuổi.  Năm 621 sau khi người ta tìm thấy “Sách luật” tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, vua Giô-si-gia-hu phát động phong trào cải cách tôn giáo và chấn hưng đất nước, ngôn sứ Giê-rê-mi-a tích cực cộng tác vào công cuộc cải tổ này.  Mặc dù Giê-rê-mi-a bị lôi cuốn vào tình hình chính trị trong thái độ đối phó với đế quốc Ba-by-lon, ông vẫn luôn là “con người của Lời Chúa”.  Lý tưởng sống của Giê-rê-mi-a là để cho Lời Chúa điều khiển mình.  Là con người dịu dàng nhạy cảm, nhưng ông lại được Chúa kêu gọi “để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (1:10).  Dù yêu quê hương, nhưng ông cứ phải cổ võ người ta hãy thần phục ngoại bang nên ông bị lên án là phản quốc.  Ông không thể sống hòa đồng với người khác.  Tóm lại, Giê-rê-mi-a phải sống như một kẻ cô độc trên đời.  Tất cả như vậy chỉ vì Lời Chúa đã chi phối ông hoàn toàn, đòi ông phải gắn bó với ý định của Thiên Chúa, nghĩa là ông phải sống thảm kịch cuộc đời mình như phương tiện để Chúa hành động giữa lòng dân tộc ông.  Ở mặt tích cực thì “gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con” (15:16), nhưng ở mặt tiêu cực thì “tâm can tôi tan nát, xương cốt tôi rã rời.  Tôi nên như người say, nên như kẻ bứ rượu, cũng chỉ vì Đức Chúa, vì thánh ngôn của Người” (23:9).  Hơn các ngôn sứ khác, Giê-rê-mi-a đã phải hết sức cố gắng để chấp nhận Lời Chúa và chấp nhận chính con người mình trong tương quan với Lời Chúa.  Ông thổ lộ tâm tình với Chúa:  “Tại sao con cứ phải đau khổ hoài?” (15:18).  Hơn thế nữa, ông còn dám phàn nàn với Chúa về sự cô đơn và kiếp sống phù du của ông nữa.  Tuy nhiên tất cả những cuộc đối thoại nội tâm này chỉ là để cho thấy cuộc đời ông bị xâu xé bởi sứ mệnh ngôn sứ mà ông không thoái thác được.

        Nhưng đặc biệt trong bài đọc 1 trích sách Giê-rê-mi-a hôm nay, Giê-rê-mi-a kể lại việc Thiên Chúa gọi ông làm ngôn sứ.  Ông thưa với Chúa và nêu lý do để từ chối là vì ông còn quá trẻ (mới hai mươi bốn tuổi).  Nhưng Chúa không xét sự trưởng thành bằng số tuổi mà bằng tâm hồn và lòng quảng đại.  Hơn nữa, khi trao trách nhiệm cho ai, Thiên Chúa luôn hứa rằng Người sẽ ở cùng kẻ ấy.  Thí dụ với I-xa-ác:  Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, cha ngươi.  Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi” (St 26:24), với Mô-sê:  Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3:12), với dân Ít-ra-en:  Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.  Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.   Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta” (Is 41:10), với các tông đồ:  Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).  Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, nên ngài thách thức: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?  (Rm 8:31).  Hôm nay khi gọi Giê-rê-mi-a, Chúa cũng hứa sẽ bảo vệ ông, vì Người đã “biết” ông trước khi ông ra đời.  Người sẽ làm cho ông “nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ”.  Dù mọi người chống đối ông, nhưng họ “sẽ không làm gì được”. Tại sao vậy?  Vì “có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

 

        2.  Chúa Giê-su là vị Ngôn Sứ bất khuất của Tân Ước khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Hẳn chúng ta không quên khi Đức Mẹ dâng Con vào Đền Thờ, ông Si-mê-ôn đã nói tiên tri về Hài Nhi rằng:  Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2:34).  Giờ đây những lời ấy được ứng nghiệm ngay tại quê nhà của Chúa Giê-su.  Sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a tại hội đường Na-da-rét, Người bắt đầu chia sẻ Lời Chúa bằng câu mở đầu:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”.  Mọi người đều khâm phục Người, nhưng nghĩ đến xuất xứ của Người cũng từ chính nơi Na-da-rét mà ra, nên họ đổi sang thái độ khinh thường.  Họ không sao quên được Người là ai ngay tại nơi này:  “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”  ‘Con ông Giu-se’ là hình ảnh duy nhất của họ về Chúa Giê-su.  Rồi họ thách thức Chúa:  “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm lại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nảo!”  Rồi Chúa nói thẳng với họ:  “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.  Và để chứng minh sự thật này, Chúa đã đan cử trường hợp ngôn sứ Ê-li-a cứu giúp bà góa Xa-rép-ta miền Xi-đôn thay vì cứu giúp bao nhiêu bà góa khác trong nước Ít-ra-en, bởi họ coi thường ông Ê-li-a.  Trường hợp thứ hai là ngôn sứ Ê-li-sa đã chữa lành ông Na-a-man người xứ Xi-ri, chứ không chữa lành bao nhiêu người phong cùi tại Ít-ra-en, bởi họ coi thường ông Ê-li-sa.  Chúa Giê-su chỉ nói vậy thôi, thế mà “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”.  Rồi họ lôi Người lên đỉnh núi , định xô Người xuống vực để giết Người.  Tất cả chỉ vì Chúa vạch trần sự cứng lòng và kiêu căng của họ mà thôi.  Còn lý do nào khác khiến họ thù ghét Người nữa không?  Có thể họ thấy danh tiếng Người nổi lên khắp nơi nên sinh lòng ghen tương.  Có thể họ bực tức vì Người không làm phép lạ nào ngay tại quê hương mình.  Nhìn vào thái độ của Người lúc này, chúng ta vô cùng cảm phục, vì Người không chút tỏ ra giận dữ, nhưng chắc chắn có buồn phiền trong lòng.  Đáp lại đám người hùng hổ muốn giết Người, Người chỉ lẳng lặng “băng qua giữa họ mà đi”, vì có Thiên Chúa ở cùng Người!  Đây chỉ là một trong những trường hợp Chúa Giê-su bị chống đối.  Ngoài ra sách Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta rất nhiều hoàn cảnh chống đối Chúa của đủ hạng người, từ những nhà lãnh đạo tôn giáo, nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Xa-đu-kêu và chính quyền, nhất là đám Pha-ri-sêu và các kinh sư luôn tìm trăm phương nghìn kế để bắt bẻ và làm cho Người mất uy thế trước mặt dân chúng.  Thánh Gio-an đã dùng một thuật ngữ là “người Do-thái” để ám chỉ các kẻ thù của Chúa Giê-su.  Sự chống đối và thiếu lòng tin do các đồng bào của Chúa Giê-su quả thực là một sự mỉa mai trong khi nhiều người dân ngoại đã làm cho Chúa ngạc nhiên và khen ngợi lòng tin của họ.  Thí dụ Chúa nói với những kẻ theo Người về đức tin của ông đại đội trưởng người Rô-ma:  Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế” (Mt 8:10).  Hoặc Chúa nói với người đàn bà xứ Ca-na-an:  Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15:28).  Sự chống đối đã đi tới tận cùng khi “người Do-thái” gây áp lực với tổng trấn Phi-la-tô để kết án đóng đinh Chúa vào thập giá.

        Vậy Chúa Giê-su đã làm gì khi bị chống đối?  Chúng ta có thể nghĩ ngay tới việc Người cầu nguyện.  Đã bao lần Người đi lên núi hoặc tới nơi thanh vắng để cầu nguyện với Cha Người, có khi suốt đêm.  Cầu nguyện là sống mối tương quan với Chúa Cha và nhờ đó Người được củng cố lòng yêu mến và trung thành.  Người đã sống những điều Người giảng dạy, nhất là việc yêu thương kẻ thù.  Người thẳng thắn đối thoại với kẻ thù và sẵn sàng tha thứ.  Nếu theo Người vào cuộc Thương Khó, chúng ta sẽ thấy được Người đã làm gì đối với những kẻ hành hạ và giết Người.  Hành vi cuối cùng và cao cả nhất, đó là cầu nguyện và tha thứ cho kẻ thù.  Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta thấy rõ lòng yêu mến Thiên Chúa là động lực chính đã giúp ngôn sứ Giê-rê-mi-a gắn bó với Lời Chúa và trung thành thi hành sứ vụ, mặc dù ngài bị chống đối và bách hại.  Chúng ta cũng ngưỡng mộ Chúa Giê-su đã đối phó với những kẻ chống đối và kẻ thù của Người bằng thái độ yêu thương kẻ thù và tha thứ.  Các ngài là những vị ngôn sứ bất khuất, không vì bị chống đối mà thay đổi lòng yêu mến và quảng đại.  Nhận thức được tầm quan trọng của đức mến, thánh Phao-lô trong bài đọc hôm nay đã tôn vinh đức mến và người ta không ngại gọi những suy nghĩ của ngài về đức mến là “bài ca đức mến”.  Ngài kết luận bài ca bằng một khẳng định tuyệt vời:  “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.  Đúng vậy, đang khi sống trên trần gian này, chúng ta cần thực hành ba nhân đức kể trên    và ba nhân đức này phải “tồn tại” trong cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta.  Nhưng sau khi lìa bỏ trần gian này, chỉ còn lại đức mến là theo chúng ta mà thôi.  Là những ngôn sứ ngày nay, chúng ta cần ba nhân đức ấy để giữ vững đức tin, nhất là cần đức mến để chúng ta noi gương Chúa Giê-su mà yêu thương và tha thứ cho những kẻ thù của chúng ta.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C