CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN

Nhân từ trong lời ăn tiếng nói

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Hc 27:4-7;  1 Cr 15:54-58;  Lc 6:39-45)

      Trước hết chúng ta có cảm tưởng như Phụng vụ Lời Chúa tiếp tục quảng diễn chủ đề lòng nhân từ đã được trình bày ở tuần trước, nhưng dưới góc độ áp dụng lòng nhân từ vào cuộc sống.  Một khi chúng ta học sống nhân từ theo mẫu gương Chúa Cha và Chúa Giê-su, thì chúng ta sẽ nhận ra kết quả trong lối sống chúng ta.  Nói theo tư tưởng sách Huấn ca và nhất là theo bài giảng của Chúa Giê-su, qui tắc để nhận biết chúng ta có sống nhân từ hay không chính là “xem quả biết cây”.  Sách Huấn ca cho chúng ta bí quyết rất thực tế để nhận ra người có lòng nhân từ là “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người”.  Nói khác đi, cứ nghe một người nói năng là ta biết được người ấy có lòng nhân từ hay không.  Trong bài Tin Mừng, lời giảng của Chúa Giê-su đã diễn ý tác giả sách Huấn ca một cách cụ thể hơn khi Người kể dụ ngôn cái rác và cái xà.  Trước hết, muốn sống nhân từ thì đừng vội xét đoán người khác;  trước hết ta hãy lấy đi cái xà trong con mắt mình trước rồi mới nhìn thấy cái rác trong mắt anh em.  Tiếp đến, Chúa cũng giải thích thêm qui tắc “cây tốt sinh trái tốt” để kết luận rằng:  Lòng có đầy, miệng mới nói ra!  Có lòng nhân từ thì mới thốt ra những lời nhân từ!  Cuối cùng, thánh Phao-lô cũng giới thiệu với chúng ta một cách biểu lộ lòng nhân từ qua lời khuyên:  Anh em hãy kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa.

 

      1.  “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người”.  Lời ăn tiếng nói thường là dấu hiệu để chúng ta dễ dàng nhận ra con người.  Lời nói là thứ ngôn ngữ chuyển tải tư tưởng chúng ta, thậm chí còn biểu lộ cá tính của chúng ta nữa.  Đó là kinh nghiệm chung của người đời và được tác giả sách Huấn ca thu thập vào cuốn sách của mình.  Bài đọc 1 trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tuy là những tư tưởng rất bình dân, nhưng lại là những lời khuyên thật tế nhị.  Những hình ảnh thực tế được sử dụng.  Giống như trấu ở lại trên mặt sàng khi người ta sàng gạo, cái dở sẽ lộ ra khi người ta nói năng.  Giống như lửa thử bình thợ gốm, chúng ta cứ nghe người khác nói chuyện là biết được ai tốt ai xấu.  Giống như xem quả thì biết vườn cây, chúng ta cứ nghe những lời người khác nói là có thể biết được lòng dạ họ.  Kết luận là muốn biết người khác, ta phải nghe miệng họ nói năng đã!

      Tất cả những nhận định trên đều nhắm tới lời nói của chúng ta.  Dĩ nhiên những nhận định này không nhắm mục đích khuyên chúng ta cứ giữ thái độ im lặng là vàng, để khỏi ai biết rõ con người chúng ta.  Nhưng đây là những lời nhắn nhủ chúng ta hãy thận trọng trong lời nói.  Để giúp chúng ta “giữ mồm giữ miệng”, thánh Gia-cô-bê tông đồ có một đoạn thư tuyệt vời nói về “cái lưỡi” mà chúng ta đã nghe hai tuần trước vào ngày Thứ Bảy tuần 6 Thường niên.  Xin trích một số câu sau đây.  “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân… Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác.  Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy.  Thật thế, mọi loài thú vật… thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được.  Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được:  nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3:2, 6-8).

      Vậy có sự liên quan nào giữa việc giữ gìn lời nói với lòng nhân từ?  Nếu là một người có lòng nhân từ thì lòng nhân từ ấy sẽ được biểu lộ qua việc nói năng của họ.  Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những trường hợp Chúa Giê-su đã đối xử nhân từ với kẻ tội lỗi như thế nào.  Thí dụ khi nói với người phụ nữ bị tố cáo phạm tội ngoại tình, Chúa bảo chị ta:  Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11).  Câu nói của Chúa đã nói lên trái tim nhân từ của Người, đến nỗi có nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đã nhìn cảnh mọi người bỏ đi, chỉ còn lại Chúa Giê-su và người phụ nữ bị tố cáo, là hình ảnh tượng trưng cho nhân loại đứng trước một Đấng Thiên Chúa đầy lòng thương xót.  Đúng là “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người!”

 

      2.  Hãy lấy lòng nhân từ mà đối xử với người khác.  Đó là ý nghĩa lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su khi Người đưa ra hai lời khuyên:  “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”, và “người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình… vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”.  Trước hết Chúa Giê-su nói chuyện cái xà và cái rác.  Chúng ta ai mà chẳng có khuyết điểm.  Nhưng tốt hơn hết là đừng quên những cái xấu của mình mà phê bình nói xấu người khác.  Chính vì chúng ta vô tình hoặc cố tình quên đi những cái xấu của mình nên chúng ta dễ dàng để ý đến khuyết điểm của người khác.  Ca dao Việt Nam nói nhiều về điều này:  Lươn ngắn lại chê trạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.  Hoặc:  chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người!  Khi dùng hình ảnh cái xà và cái rác, Chúa Giê-su muốn chúng ta trước hết phải nhận biết những khuyết điểm và tội lỗi của mình trước.  Cái xà thật là to lớn và dễ nhìn thấy, còn cái rác thì nhỏ xíu khó mà nhận ra.  Vậy mà chúng ta lại thường làm ngược lại, nghĩa là vật to đùng là cái xà trong mắt mình thì chúng ta không để ý tới và không nhìn lại chính mình.  Nhưng tính kiêu căng lại xúi giục chúng ta để ý tới cái rác trong mắt anh em và xét đoán người anh em.  Lên án người khác là chuyện của Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ có bổn phận nhìn nhận thân phận mình là tội lỗi và cần được lòng Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta.  Đối với hạng người không nhận biết những cái xấu của mình và dễ lên án người khác, Chúa Giê-su thẳng thắn gọi họ là “kẻ đạo đức giả”.  Đã nhiều lần Chúa Giê-su nói về tính đạo đức giả của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.  Họ chỉ lo xét nét bắt lỗi người khác và lên án người ta là lỗi phạm lề luật.  Trong khi đó chính họ là những kẻ tham lam nuốt trửng gia tài của các bà góa và khinh dể những người bần cùng khốn khổ trong xã hội!  Chúng ta nhìn thấy rõ rệt sự đối nghịch giữa hai lối sống của Chúa Giê-su và của họ.  Lòng nhân từ đưa Chúa đến với những kẻ tội lỗi, thu thuế, sống bên lề xã hội.  Trái lại tính kiêu căng tự phụ của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư là động lực khiến họ khinh thường và xa lánh kẻ khác.  Vậy ở đây, bài học về cái xà và cái rác là hãy lấy lòng nhân từ mà đối xử với người khác.

      Hình ảnh thứ hai được Chúa Giê-su sử dụng là lòng có đầy, miệng mới nói ra.  Cây tốt thì sinh trái tốt là lẽ đương nhiên.  Ở nơi con người cũng vậy, khi chúng ta có những đức tính tốt thì lối sống chúng ta sẽ phát sinh hoa trái tốt là những việc làm tốt.  Đặc biệt hơn nữa, những hoa trái tốt ấy được thể hiện trong việc nói năng của chúng ta, vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.  Nếu chúng ta đầy lòng nhân từ thì những lời nói của chúng ta cũng chứa đầy và biểu hiện lòng nhân từ ấy.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

      Làm sao chúng ta sống lòng nhân từ qua lời ăn tiếng nói đây?  Thánh Gia-cô-bê bảo rằng con người có thể làm chủ được dã thú muông chim, nhưng không làm chủ được miệng lưỡi.  Dễ có ác tâm đối với người khác và dễ nói xấu người khác giống như căn bệnh ung thư âm thầm hủy hoại con người chúng ta.  Nhiều khi chúng ta cảm thấy như bất lực trước sức mạnh của tội lỗi.  Nhưng thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta đừng nản lòng, mà phải sống trong niềm hy vọng vào Chúa Ki-tô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và tử thần.  Tin tưởng như thế, thánh Phao-lô dám thách thức tội lỗi và tử thần:  “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?  Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?”  Ngay sau đó, thánh tông đồ đã công bố chiến thắng của chúng ta nhờ chiến thắng của Chúa Ki-tô:  “Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.  Vì thế nhờ ơn Chúa và cố gắng của chúng ta, chúng ta sẽ chế ngự được miệng lưỡi và việc nói năng.  Chúng ta sẽ lấy được “cái xà” ra khỏi mắt mình để nhận biết mình là kẻ tội lỗi cần đến lòng Chúa nhân từ.  Chúng ta sẽ chiến thắng trong cố gắng sống nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ!  Nhưng tích cực hơn nữa, thánh Phao-lô còn khuyên nhủ chúng ta hãy biểu lộ lòng nhân từ một cách tích cực hơn, đó là hãy “kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa”.  Nhân từ không phải là thụ động ngồi lỳ ra đó, nhưng là nghĩ đến người khác và nghĩ đến việc xây dựng cộng đoàn và xã hội, để cải thiện cộng đoàn và xã hội khiến  cho lòng độc ác biến dần đi và lòng nhân từ được ngày càng phát triển.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C