Chúa Nhật 25 Thường Niên, C – Ngày 18 Tháng 9, 2022

Lm. Matthew Gonzalez

Các bài đọc: Am 8:4–7 • Ps 113:1–2, 4–6, 7–8 • 1 Tm 2:1–8 • Lk 16:1–13   

 bible.usccb.org/bible/readings/091822.cfm

 

Trong phần kết thúc bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nói rõ ràng và ra lệnh: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”(Lu-ca 16:13). Mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn trước mắt. Chúng ta sẽ phục vụ ông chủ nào, Thiên Chúa hay tiền của? Đó là quyết định cơ bản mà mỗi môn đệ Chúa Kytô phải lựa chọn. Cuối cùng, người chủ mà chúng ta quyết định phục vụ sẽ xác định đường lối chúng ta phải nhìn thế gian và thực thi những hành động của mình. Vì vậy, điều Chúa Giê-su dạy trong Chúa Nhật này có tầm quan trọng không nhỏ.

Thánh Inhaxiô Loyola cho chúng ta một bài suy gẫm trong sách Linh Thao của ngài, cung cấp một chỉ dẫn hữu ích để thẩm định chỗ đứng của chúng ta trên hành trình thiêng liêng nghĩa là để nhận định xem ông chủ nào đang ngự trị tâm hồn chúng ta. Khoảng nửa đường hành trình Linh Thao, thánh Inhaxiô mời người tĩnh tâm bước vào cuộc suy gẫm về Hai Bóng Cờ. Trong bài suy gẫm, chúng ta phải ý thức có hai sức mạnh tức là hai ông chủ đang tranh đua chiếm lấy tâm trí và tâm hồn chúng ta… Chúa Giêsu Kytô và Sa-tan. Cả hai đều muốn giành lấy sự chú ý và lòng trung thành của chúng ta. Trong khi Sa-tan đưa ra trước chúng ta sự quyến rũ của giàu sang, của cải và quyền lực như mục tiêu và cùng đích cuộc đời chúng ta, thì Chúa Giêsu Kytô lại đưa ra trước chúng ta con đường tinh thần nghèo khó và khiêm nhường.

Dưới sự dạy dỗ của ông chủ thứ nhất đại diện cho tinh thần thế gian, chúng ta được dẫn dắt để tin rằng của cải vật chất "là tất cả và cùng đích" trong đời. Mọi thứ khác đều nhằm mục đích tích lũy thêm sự giàu sang, của cải và quyền lực. Ngược lại, nếu chúng ta hiến dâng tâm hồn mình cho Chúa Kytô, chúng ta được Người ban cho một nhãn quan khác mang lại sự sống. Khi Chúa Kytô là chủ tâm hồn chúng ta, chúng ta nhận ra rằng tất cả điều đó hồng ân. Mọi điều tốt lành được ban cho chúng ta, dù là vật chất hay tinh thần, đều trở thành lý do để tạ ơn Chúa chứ không phải để tham lam. Khi ấy chúng ta có thể sử dụng của cải chúng ta có để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho người khác. Khi ấy chúng ta trở thành những người quản lý “đáng tin cậy” trông coi của cải đã được Chúa ban và giao cho chúng ta.

Chúng ta có thể nghĩ đến lời Chúa Giêsu công bố sứ mệnh của Người ở phần đầu Phúc âm Lu-ca:Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lu-ca 4:18). Khi Chúa Giêsu là ông chủ chúng ta, Người giải thoát chúng ta và cho chúng ta lại nhìn thấy được. Một khi chúng ta phó thác mình cho Chúa Giêsu là chủ duy nhất của mình, chúng ta sẽ không còn bị tội lỗi làm chủ mình nữa và mắt chúng ta được mở ra. Sự giầu sang và của cải vật chất không còn là sức mạnh chi phối chúng ta và chúng ta có thể sử dụng chúng như phương tiện để biểu lộ lòng quảng đại và mở mang Nước Thiên Chúa.

Ông Chủ là Chúa Giêsu Kytô mời gọi chúng ta hãy đứng dướibóng cờ” của Ngườiđể chọn lấy “sự tự do của con cái Thiên Chúa” (Rô-ma 8:21). Xin cho chúng ta chọn Chúa Kytô làm chủ và biết sử dụng tài sản cũng như của cải, không phải cho những mục đích riêng chúng ta, nhưng cho vinh quang của Người.


Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C