CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

(Gio-an 20: 19-31)

 

        Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến việc Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ.  Dàn bài của đoạn Tin Mừng tuy phối hợp ba phân đoạn khác nhau:  Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các môn đệ, ông Tô-ma tuyên xưng đức tin và kết luận về sách Tin Mừng Gio-an, nhưng lại giúp chúng ta có một đề tài suy niệm về truyền giáo thật phong phú.  Truyền giáo là được sai đi để rao giảng Tin Mừng.  Nhưng để rao giảng, ta phải tin vào Tin Mừng ấy.  Hoa trái của việc rao giảng ấy sẽ là những dấu lạ Chúa Thánh Thần tiếp tục thực hiện qua những kẻ rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay để người ta “tin mà được sự sống nhờ danh Người.”

 

a)  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”     

 

        Thiên Chúa Cha đã sai Con Một Người đến thế gian để thi hành kế hoạch cứu rỗi Người đã tiền định từ muôn thuở.  Khẳng định “được Chúa Cha sai đến” ta thường thấy lập đi lập lại trong Tin Mừng Gio-an.  Chúa Giê-su nói nhiều về sứ mệnh của Người, nhưng thường Người lại bị hiểu lầm, không phải vì người ta không hiểu được, mà vì người ta không muốn hiểu hoặc chỉ muốn hiểu theo ý của họ và tham vọng của họ. 

Đấng được sai xuống từ trời trước hết để tỏ ra cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa:  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3:16).  Vì yêu thế gian, Thiên Chúa không muốn để cho loài người mất đi vì tội lỗi, nhưng muốn họ được cứu độ (Ga 3:17).  Cuộc sai đi, hoặc nói đúng hơn, cuộc truyền giáo của Thiên Chúa là một cuộc truyền giáo vượt thời gian và không gian.  Từ vĩnh cửu, Ngôi Lời Nhập Thể đã đi vào thời gian của nhân loại.  Từ vô biên, Ngôi Lời đã đến giam mình trong một không gian nhỏ bé là thân xác một con người, một nơi chốn tầm thường là Na-da-rét.  Từ quyền năng siêu phàm, Thiên Chúa đã trở thành một tạo vật yếu đuối, cần nương tựa vào người khác.  Nói tóm lại, để chấp nhận được sai đi, Ngôi Lời đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2:7) của địa vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi loài người.

Sau khi đã chuẩn bị cho sứ mệnh, Chúa Giê-su, vị Thừa Sai tiên khởi, đã lên đường thi hành những điều các ngôn sứ đã nói trước, nhất là I-sai-a (Lc 4:18-19).  Từ nay, sứ mệnh truyền giáo không bao giờ ngừng nghỉ.  Trả lời cho những người muốn giữ Người lại với họ, Chúa Giê-su nói:  “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 5:43).  Trải qua bao thăng trầm, lý tưởng truyền giáo của Chúa Giê-su vẫn vững như bàn thạch.  Lúc nào ý của Chúa Cha cũng là trên hết, là lương thực của Người (Ga 4:34).  “Điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5:19).  Nói những gì Chúa Cha muốn nói (Ga 8:28), yêu mến như Chúa Cha yêu mến (Ga 15:9).  Sự vâng phục của vị Thừa Sai đạt tới cao độ khi Chúa Cha quyết định:  “Ta phải làm gì đây?  Ta sẽ phái người con yêu dấu của ta, biết đâu chúng sẽ nể con ta” (Lc 20:13).  Tới đây, con đường truyền giáo trở thành đường thập giá dẫn tới đồi Can-vê.

Đó là một vài nét về vị Thừa Sai nguyên thủy, Chúa Giê-su, Đấng đang nói với ta:  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”  Trước khi sai ta đi, Chúa Giê-su muốn chúng ta được đào tạo thành tông đồ của Người.  Tin Mừng Mát-thêu dành nguyên cả chương 10 để ghi lại những căn dặn của vị Thầy đang dạy bảo môn đệ phải chuẩn bị thế nào cho sứ mệnh truyền giáo.  Huấn luyện xong, Người sai họ đi, bắt đầu là thực tập, rồi trở về kiểm điểm, rút tỉa kinh nghiệm, học hỏi thêm.  Người không ngần ngại mời gọi ta hãy rập theo gương mẫu của Người.  Như Người đã được sai đi và thi hành sứ mệnh ra sao, ta cũng được Người sai đi và thi hành y như thế.

 

b)  “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”       

 

        Lời tuyên xưng của ông Tô-ma là điều kiện cốt yếu để thi hành sứ mệnh truyền giáo.  Ta không thể hiểu được một người ra đi làm chứng cho Chúa Giê-su mà lại không biết Chúa là ai và không có quan hệ gì với Người.  Lời tuyên xưng của ông Tô-ma cho ta thấy hai khía cạnh.  (1) Về phía Chúa Giê-su, nó nói lên hai danh hiệu quan trọng nhất của Người:  Chúa và Thiên Chúa.  Chúa Giê-su là Chúa, Đấng có chủ quyền trên mọi tạo vật và sẽ quy tụ muôn loài muôn vật để đưa về với Đấng Tạo Dựng.  Chúa Giê-su là Thiên Chúa, điều mà Tin Mừng Gio-an đã nêu ra ngay trong câu đầu tiên sách Tin Mừng của ngài, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1).  Tất cả sách Tin Mừng của ngài là một suy niệm về sự thật trên, qua bảy dấu lạ và các diễn từ của Chúa Giê-su cũng như qua cuộc vinh hiển từ thập giá đến vinh quang Phục Sinh của Người.  (2) Về phía Tô-ma, nó biểu lộ mối quan hệ giữa ông với Chúa.  Không phải chỉ là Chúa như một Đấng xa lạ, nhưng là “Chúa của con”, “Thiên Chúa của con”.  Nghĩa là một Chúa có quan hệ cá nhân với ta, Chúa mà ta yêu mến hết lòng và muốn dấn thân cho Người để được Người sai đi làm chứng cho Người.

 

c)  “Còn nhiều dấu lạ khác nữa không được ghi chép trong sách này”

          Ở kết luận thứ hai, Tin Mừng Gio-an khẳng định:  Còn nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm;  nếu viết lại từng điều, thi tôi thiết nghĩ:  cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra (Ga 21:25).  Điều thánh Gio-an nói quả không sai đâu.  Những gì không được ghi chép trong sách thì sẽ được ghi chép nơi những người qua muôn thế hệ sẽ đáp lại tiếng gọi truyền giáo.  Những điều ta làm, những cách sống Ki-tô hữu gương mẫu của ta, những yêu thương, chăm sóc ta dành cho anh chị em, tất cả đều là những dấu lạ Chúa Giê-su muốn thực hiện qua ta.  Người không biết chữ cũng có thể đọc được.  Ngoài cuốn sách Tin Mừng của Gio-an đã viết, sẽ có bao nhiêu là cuốn sách Tin Mừng khác, đó là mỗi con người Ki-tô hữu.  Ta được Chúa Giê-su sai đi để làm cho những dấu lạ Người đã làm lại được tiếp diễn bất cứ nơi nào ta có mặt.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Sau khi sống lại, mỗi lần Chúa Giê-su hiện ra là đem lại bình an và niềm vui cho các môn đệ Người.  Vậy khi đến với anh chị em, tôi có thực hiện được điều ấy không?  Hay là vừa thấy tôi “hiện ra” là anh chị em kêu trời, muốn trốn chạy?  Tôi phải làm sao đây?

        Ý thức truyền giáo thực sự có nơi tôi hay không?  Hoặc không bao giờ tôi nghĩ tới sứ mệnh ấy?  Công đồng Vatican II khẳng định:  Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành đã mang đặc tính truyền giáo.  Tôi thuộc về Giáo Hội, nhưng có khi nào tham gia vào công cuộc truyền giáo không?  Bằng cách nào?

        Giáo Hội Việt Nam đã chọn năm nay làm Năm Thánh Truyền Giáo.  Tôi có hướng về quê nhà để cùng anh chị em học hỏi, tích cực tham gia việc truyền giáo bằng cầu nguyện, hy sinh vật chất, tài năng... để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam không?

        Trong cuốn sách đời tôi, tôi đã ghi được dấu lạ nào của Chúa Giê-su do tôi thực hiện chưa?  Nếu chưa, có lẽ tại tôi chưa nói lên được như thánh Tô-ma:  Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!  Vậy làm sao nói được như vậy?

 

Lời nguyện:

 

        Lạy Chúa Giê-su phục sinh,

        lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con

        như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc bên mộ.

        Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,

        xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài

        như Chúa cùng đi với hai môn đệ Emmau.

        Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,

        xin hãy đến và đứng giữa chúng con

        như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

        Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,

        xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con

        như Chúa không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

        Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì,

        xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,

        như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

        Lạy Chúa Giê-su phục sinh,

        xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,

        để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,

        và đang ở thật gần bên chúng con.  A-men.

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 86)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà