CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, năm C

Ga 21, 1-19

 

CHÚA ĐÓ

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Biến cố chúa Giêsu phục sinh vẫn hiển hiện rõ ràng nơi tâm trí các tông đồ. Các Ngài vẫn chưa ra khỏi nỗi bàng hoàng của sự việc Chúa Giêsu, một người tiếng tăm lừng lẫy nhưng lại chịu để người đời bắt, lên án và giết chết. Nỗi băn khoăn, lo lắng và bối rối trước sự kiện Chúa Giêsu sống lại được các Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng của 

 

Thánh Gioan tường thuật một cách tường tận, tỉ mỉ vẫn là những chứng cớ cốt cán diễn tả Chúa đã phục sinh khải hoàn.

 

VẪN NHỮNG CỬ CHỈ QUEN THUỘC CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH: Các tông đồ đã đi theo Chúa suốt ba năm trường. Chúa đã uấn nắn, chỉ bảo, hướng dẫn các ông. Từng lời nói, việc làm, từng cử chỉ của Chúa Giêsu trong thời gian Người sống với các tông đồ, đã ghi đậm tâm khảm của các Ngài. Do đó, những hành vi, cử chỉ, thái độ của Chúa Giêsu luôn đánh động tâm hồn các tông đồ. Chúa đã hiểu thấu tính khí, cách sống của từng tông đồ một. Nên, khi Chúa từ trong kẻ chết sống lại, việc đầu tiên Người làm là để lại ngôi mộ trống với những cuộn băng, với vải áo tang để gọn gàng một bên. Đây là một bằng chứng Chúa Giêsu không còn ở trong nấm mồ nữa. Việc gọi tên Maria Magđala là một bằng chứng hùng hồn về sự thân mật, quen thân của Chúa Giiêsu đối với người phụ nữ mà Chúa Giêsu đã tha thứ nhiều. Rồi  ba lần Chúa hiện ra với các tông đồ, một lần thiếu Toma và một lần sau đó tám ngày khi Chúa phục sinh, có cả Toma nữa, Chúa đã trao ban bình an và nói với Toma hãy xỏ tay vào cạnh sườn và thọc ngón tay vào lỗ đinh trên tay, trên chân của Chúa. Đây cũng là bằng chứng hiển nhiên chứng tỏ Chúa sống lại đang ở giữa các ông. Lần thứ ba, Chúa phục sinh hiện ra với các tông đồ trên bờ biển với những cử chỉ thật thân thương mà các tông đồ nhiều năm đã quá quen thuộc với các ông. Chúa nói:” Lại đây

 

Mà lót lòng, mà ăn đi “. Giọng nói của Chúa, thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn quen thuộc như Chúa Giêsu phục sinh lúc trước. Những việc làm quen thuộc, những lời nói quá thân thiết của Chúa Giêsu phục sinh trong Tin Mừng nhất lãm và trong Tin Mừng của thánh Gioan muốn nói lên rằng Chúa đã sống lại thật như lời Thánh Kinh và lời của Chúa đã nói trước. Nhân loại chỉ có thể nhận ra những cử chỉ, hành động, lời nói của Chúa phục sinh nhờ Sách Thánh, nhờ lời của Chúa soi dẫn, chỉ đường. Từ những sự kiện ấy, các tông đồ đã nhận ra những lời Kinh Thánh Cựu Ước đã được thực hiện trong thời Tân ước, qua cả cuộc sống của Chúa và qua đó, các tông đồ được củng cố lòng tin cách mãnh liệt. Các tông đồ tin nhận vào Chúa là Đấng đã dựng nên mọi sự, Ngài là chủ và trung tâm của lịch sử cứu độ.

CHÚA ĐÓ: Lời nói của Gioan như  tóm gọn tất cả Tin Mừng của thánh sử vì nghe tiếng Chúa đó, Phêrô đã vội khoác áo vào và nhảy xuống biển. Các tông đồ khác cũng tới vì họ ở sát đó và kéo vào bờ đầy cá. Ở đây, chúng ta ghi nhận sự kiện là trên bờ đã có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa( Ga 21, 9 ) và Chúa nói:” Đưa ít cá mới bắt được tới đây”( Ga 21, 10 ). Những sự việc ấy nói lên tính cách thân mật, quen thuộc của Chúa Giêsu đối với các tông đồ và diễn tả con người thực của Chúa Giêsu phục sinh. Phêrô, được Chúa tuyển chọn đặc biệt, đã vâng nghe lời Chúa:” Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy”( Ga 21, 17 ). Cả Phêrô, cả Gioan đã choáng ngợp trong những cử chỉ thân quen của Chúa Giêsu. Cả Phêrô, Gioan và cả các môn đệ khác đã nghe theo lời Chúa Giêsu phục sinh:” Hãy đi theo Thầy”( Ga 21, 19 ). Gioan, người đã viết đoạn tường thuật này, đã tin Chúa Giêsu khi ông bước vào ngôi mộ trống và cũng chính ông đã được Thánh Thần thúc đẩy, đã mách bảo cho Phêrô: “ Chúa đó “. Chúa đó, nhận ra Ngài là cả một quá trình của lòng tin…

 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho mọi người hiểu được lời của thánh Gioan viết:” Các điều viết đây là để anh em tin rằng: Đức Giêsu, chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ danh Ngài” ( Ga 20, 31 ).

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

 

1.      Tại sao các tông đồ lại thả lưới ở bên mạn phải thuyền sau cả một đêm vất vả mà không có con cá nào ?

2.      Tại sao Gioan lại thốt lên với Phêrô:” Chúa đó “?.

3.      Các tông đồ đã có những kinh nghiệm nào về Chúa Giêsu phục sinh ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà