CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

(Gio-an 10: 27-30)

 

        Bài Tin Mừng Chúa Nhật III đã giúp ta nhìn ngắm những hành động yêu thương của Chúa Giê-su phục sinh, vị Mục Tử nhân lành, chăm sóc cho đoàn môn đệ đang cần lấy lại sức lực và tin tưởng khi Người hiện ra với họ bên bờ hồ Ti-bê-ri-a.  Nhưng hôm nay, trả lời cho những người Do-thái thắc mắc về chân tính của Người, chính Chúa Giê-su đã khẳng định với họ Người là Mục Tử nhân lành và câu trả lời của Người đưa nhân loại tới một thực tại làm cho ta cảm thấy được an ủi vô cùng, tức là lòng yêu thương và chăm sóc của Thiên Chúa dành cho ta luôn vững bền.  Đồng thời Chúa Giê-su cũng hé mở cho ta thấy chân lý về quan hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha:  “Tôi và Chúa Cha là một.”  Vậy Chúa Giê-su sẽ nói gì với ta qua sứ vụ của Người là chăm sóc đàn chiên Chúa Cha đã trao phó cho Người?

 

a)  Quan hệ giữa mục tử với chiên

 

        Trước đây trong bài diễn từ về vị Mục Tử nhân lành (Ga 10:1-18), Chúa Giê-su đã nói đến tác phong của Mục Tử nhân lành, mà cao điểm là “tự ý hy sinh mạng sống mình” cho đoàn chiên.  Nhưng sau đó, khi trả lời chất vấn của người Do-thái về chân tính của Người, Chúa Giê-su lại cho họ thấy một hình ảnh sống động về Giáo Hội đang trên đà phát triển trong quan hệ ba chiều:  Chúa Cha – vị Mục Tử nhân lành là Chúa Giê-su – và đàn chiên là các tín hữu.

        Có lẽ nhắc lại một chút hoàn cảnh lịch sử sẽ giúp ta hiểu rõ hơn tại sao Chúa Giê-su lại cứng rắn nói về Giáo Hội của Người như thế.  Trong Tin Mừng Gio-an, những từ  “người Do-thái” được hiểu là kẻ thù của Chúa Giê-su và Giáo Hội Người.  Ghi lại hình ảnh “người Do-thái vây quanh Đức Giê-su” (Ga 10:24), thánh Gio-an muốn ngầm nói lên hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội trước sự kiện Do-thái giáo khai trừ Ki-tô hữu và đuổi họ ra khỏi cộng đồng Do-thái, hoặc cố gắng lôi kéo Ki-tô hữu trở về với họ (“ăn trộm” chiên của Chúa Giê-su).  Do đó, khi lập lại những lời đanh thép của Chúa Giê-su, Gio-an muốn nói với các tín hữu rằng họ có Chúa Giê-su là vị Mục Tử nhân lành, nên họ cứ vững tâm và hãy đặt tất cả lòng tin nơi Người và sống mối quan hệ mật thiết với Người.

        Mối quan hệ mật thiết ấy bắt nguồn từ Chúa Cha, Đấng đã ban Giáo Hội cho Chúa Giê-su.  Xưa chính Người đã trao đàn chiên là dân Người tuyển chọn vào tay Đa-vít tôi tớ Người thế nào (2 Sm 5:2), thì nay Người cũng trao Hội Thánh là Dân Mới của Người cho Chúa Giê-su dẫn dắt như vậy.  Nhiều lần Chúa Giê-su đã xác nhận:  “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:39; xem 17:1-12; 18:9).  Động lực khiến Chúa Cha ban cho Chúa Giê-su tất cả, đó là do lòng yêu mến (Ga 3:35).  Vì đàn chiên là quà tặng do Chúa Cha ban, nên nó có giá trị cao cả và bởi đó Chúa Giê-su đã trân trọng yêu mến giữ gìn để không ai cướp được chúng khỏi tay Người.  Đàn chiên ấy được Chúa Cha ban cho một mình Chúa Giê-su mà thôi, chứ không ban cho ai khác (tức là những nhà lãnh đạo Do-thái giáo).  Nói tóm lại, mối quan hệ giữa Chúa Cha, Chúa Giê-su và Giáo Hội là mối quan hệ yêu thương, lấy yêu thương làm động lực để trao ban, để gìn giữ, để tôn vinh và cuối cùng để “ở lại” trong nhau.

 

b)  Niềm hãnh diện của vị Mục Tử

 

        Ta cảm nhận như nhìn thấy hình ảnh vị Mục Tử chỉ tay vào đàn chiên của mình và thách thức nói với kẻ thù:  “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.  Tôi ban cho chúng sự sống đời đời;  không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10:27-28).  Chắc chắn những lời tuyên bố này vô cùng cần thiết cho Giáo Hội đang bị kẻ thù vây quanh và bách hại.  Những lời đầy an ủi và khích lệ này sẽ giúp cho Ki-tô hữu thêm phấn khởi mà theo Chúa và không khiếp đảm trước đe dọa của kẻ thù.  Vị Mục Tử của ta hãnh diện vì ta là những Ki-tô hữu đích thực.  Nghe tiếng, biết và theo là những động tác chính của một mối quan hệ.  Không chỉ nghe bằng đôi tai, nhưng nghe với tất cả trái tim.  Không chỉ biết bằng óc não, nhưng là “biết cả đường đi lối về”, cái biết sống động được biểu lộ qua những trao đổi yêu thương.  Không chỉ theo khi nào có lợi và thích, nhưng là theo mà đánh đổi mọi sự, theo mà dám liều mất mạng sống (Mc 8:34-35).

        Chính vị Mục Tử của ta đã làm gương mẫu cho lối sống quan hệ yêu thương ấy.  Người đã chết cho ta, chỉ vì Người nhắm đến tương lai của ta là sự sống đời đời.  Để giúp cho ta được sống đời đời, Người phải chấp nhận cái chết.  Người hãnh diện vì ta được bảo đảm có sự sống vĩnh cửu và sẽ không bao giờ bị diệt vong.

 

c)  Đáp lại tình thương của vị Mục Tử

 

        “Tôi và Chúa Cha là một.”  Lời tuyên bố không chỉ nói về bản tính Thiên Chúa của Chúa Giê-su, mà còn cho ta biết những gì Người làm cho chúng ta với tính cách là Thiên Chúa.  Người Do-thái nghe những lời ấy liền phản ứng mãnh liệt:  họ lấy đá để ném Chúa Giê-su cho chết.  Nhưng Người tránh đi.  Còn đối với ta, những lời ấy lại rất an ủi và hiện thực, vì tình Thiên Chúa yêu ta không còn trừu tượng nữa, nhưng đã được cảm nghiệm qua con người bằng xương thịt của Chúa Giê-su, y hệt như ta cảm nghiệm được tình yêu thương nơi cha mẹ hoặc nơi những người yêu thương ta.

        “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”  Đón nhận tình thương của vị Mục Tử là đón nhận sự sống, trái lại, “kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3:14).  Nhưng nếu ta không sống trong mối quan hệ với Người thì ta không thể đón nhận tình thương của Người.  Sống mối quan hệ với Chúa, ta sẽ “nghe, biết và theo” Người.  Nghe Người nói với ta qua Kinh Thánh và trong cầu nguyện.  Biết Người khi ta nhận thức Người yêu ta và ta cố gắng đáp lại tình yêu của Người.  Theo Người khi ta gắn bó với lối sống của Người và chống lại tất cả những cám dỗ lôi kéo ta xa Người.

        Giáo Hội là môi trường thuận tiện nhất để ta sống mối quan hệ yêu thương, đối với vị Mục Tử cũng như đối với những con chiên khác.  Hình ảnh Giáo Hội không thể bị phai nhòa vì khía cạnh loài người.  Nhưng niềm hãnh diện của vị Mục Tử nhân lành đã trở nên nguồn khích lệ nâng đỡ Giáo Hội và các tín hữu mỗi ngày một trở nên tinh tuyền hơn, để lời cầu nguyện của vị Mục Tử được thể hiện:  “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.”

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

Sống trong lòng Giáo Hội từ lâu rồi, nhưng tôi có thực sự ý thức vai trò của Chúa Giê-su là vị Mục Tử nhân lành không?  Hay hình ảnh tôi có về Giáo Hội cũng giống như một tổ chức trần gian với những bầu bán, tranh dành chức vị, đến để khoe khoang...?

        Giả như Chúa Giê-su chỉ vào tôi và nói:  “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi...”, tôi sẽ cảm thấy như thế nào?  Có thực sự như Chúa nói không?  Và tôi có là sự hãnh diện của Người không?  Tôi phải xét lại quan hệ với Người như thế nào và làm sao cho quan hệ ấy tốt đẹp hơn?

        Tôi sẽ biểu lộ với Người tâm tình nào trước việc Người tự ý hy sinh mạng sống cho tôi?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Chúa Giê-su, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.

        Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,

        để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

        Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

        Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

        đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

        Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người

        để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

        Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

        để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

        Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

        nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

        Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

        nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

        Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

        nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên.  A-men.”

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 61)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình  Nhi

30-4-2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà