Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh

(9-5-2004)

Tình yêu đối với tha nhân là thước đo
của tình yêu đối với Thiên Chúa

 

ĐỌC LỜI CHÚA

·    Cv 14,21b-27: (22) «Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa».

·    Kh 21,1-5a: (1) Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển không còn nữa. (2) Tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới. (5) Rồi Đấng ngự trên ngai phán: «Này đây Ta đổi mới mọi sự».

·    TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35

Những lời cáo biệt

(31) Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: «Nơi tôi đi, các người không thể đến được», bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau».

 

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Tại sao khi sắp lên đường chịu khổ hình, Đức Giêsu lại nói: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh»? Phải chăng chịu khổ hình chính là được tôn vinh? Sao lại ngược đời thế? Hay đó là hai mặt của cùng một thực tại?

2. Tại sao giới răn duy nhất của Đức Giêsu lại chỉ nói đến tình yêu đối với tha nhân, mà không nói gì đến tình yêu đối với Thiên Chúa? Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân có phải là hai tình yêu tách biệt nhau? Hay đó cũng là hai mặt của một tình yêu duy nhất?

3.  Có thể yêu Thiên Chúa mà không yêu tha nhân, hay yêu tha nhân mà không yêu Thiên Chúa không?

 

Suy tư gợi ý:

1. Đau khổ và vinh quang là hai mặt của một thực tại duy nhất

Khi sắp phải lên đường chịu khổ hình, Đức Giêsu nói một câu nghe rất là phấn khởi: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh». Như vậy phải chăng chịu đau khổ và được tôn vinh đồng nghĩa với nhau? – Theo quan niệm của người bình thường trong thế gian thì đó là hai điều nghịch nghĩa nhau. Nhưng theo quan niệm của Đức Giêsu thì hai điều nghịch nhau ấy tương tự như hai mặt liền nhau của một tờ giấy duy nhất. Nghĩa là chịu đau khổ và được tôn vinh là hai mặt khác nhau của một thực tại duy nhất, và điều này là nguyên nhân dẫn tới điều kia. Thật vậy, trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Tin Mừng, ta thấy có nhiều câu nói lên sự nghịch lý ấy và tương quan chặt chẽ giữa hay mặt nghịch nhau ấy. Chẳng hạn: «Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25); «Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người; nếu ta cùng đau khổ với Người, ta sẽ thống trị với Người» (2Tm 2,11-12; x. Rm 6,8); «Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng; đi khóc lóc u sầu sẽ về giữa muôn lời ca» (Tv 126,5-6).

Trong đời sống thực tế cũng như trong đời sống tâm linh, có vô số thực tại có hai mặt như thế. Trong đó, có một thực tại được Đức Giêsu đề cập đến trong giờ phút chót bên các tông đồ trước khi chia tay các ông để ra đi chịu khổ hình: «Thầy chỉ còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi». Có thể nói đây chính là lời trăn trối hay sứ điệp cuối cùng của Ngài. Vì thế, nó hết sức quan trọng, thậm chí có thể nói nó tóm gọn lại tất cả những gì Ngài nói trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng của Ngài. Lời trăn trối đó chính là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau».

2.  Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân là hai mặt của một tình yêu duy nhất

Hai điều quan trọng nhất của Cựu ước được nói tới ở hai quyển sách khác nhau: Đệ Nhị Luật và Lêvi: «Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức anh em» (Đnl 6,5) và «Hãy yêu thương đồng loại như chính mình» (Lv 19,18). Từ đó, người Do Thái phân biệt và cũng tách biệt hai thứ tình yêu: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Đức Giêsu cũng xác nhận và tóm gọn toàn bộ Cựu ước vào hai lề luật có vẻ như tách rời nhau ấy: «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40).

Nhưng trong những lời trăn trối của Đức Giêsu, Ngài chỉ nói tới tình yêu đối với tha nhân như giới răn duy nhất của Ngài. Giới răn ấy không hề nói tới việc yêu mến Thiên Chúa. Như vậy, có phải Ngài đã bỏ đi giới răn yêu mến Thiên Chúa chăng? Ngài coi việc yêu mến Thiên Chúa là không quan trọng sao? Phải chăng Ngài chỉ chú trọng tới con người mà quên Thiên Chúa, Cha của Ngài? – Chắc chắn không phải vậy. Không ai yêu mến Thiên Chúa bằng Ngài, và cũng không ai yêu tha nhân bằng Ngài. Nhưng Ngài nhận thấy hai tình yêu ấy chỉ là hai mặt khác nhau của một tình yêu duy nhất. Không thể có mặt này mà không có mặt kia, và mặt này luôn luôn dính liền với mặt kia. Nghĩa là: tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa thì mặc nhiên bao hàm tình yêu đối với tha nhân; và ngược lại. Hai tình yêu ấy chỉ có thể phân biệt trên lý thuyết hay theo lý trí, chứ không thể tách biệt trong thực tế của đời sống. Vì thế, ai yêu Thiên Chúa đích thực thì tự nhiên người ấy cũng sẽ yêu thương tha nhân đích thực, và ngược lại. Do đó, ai không yêu mến Thiên Chúa thì tự nhiên người ấy cũng sẽ không yêu tha nhân, và ngược lại.

3.  Tại sao Ngài nhấn mạnh yêu người thay vì yêu Thiên Chúa?

Nếu hai giới răn ấy chỉ là một giới răn duy nhất, tại sao Đức Giêsu không diễn tả giới răn ấy bằng tình yêu đối với Thiên Chúa, mà lại diễn tả giới răn ấy bằng tình yêu đối với tha nhân? – Vì:

a) Thiên Chúa thì thiêng liêng, còn tha nhân thì cụ thể

Thiên Chúa thì thiêng liêng, trừu tượng, nên đối với người bình thường, quan niệm và tiếp cận Thiên Chúa là điều khó, yêu Thiên Chúa đích thực – cho đúng nghĩa là yêu – lại càng khó hơn. Còn tha nhân thì cụ thể và lúc nào cũng có sẵn ngay trước mắt, rất dễ quan niệm, rất dễ tiếp cận và cũng dễ yêu thương đúng nghĩa hơn. Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của ngài (x.1Ga 4,20), cho rằng tha nhân cụ thể trước mắt như thế mà yêu không được, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa là một thực tại hết sức trừu tượng, khó quan niệm và không thể thấy được? Cũng theo thánh nhân, những ai không yêu tha nhân nhưng lại cứ ngỡ rằng mình yêu Thiên Chúa, thì kẻ ấy là kẻ nói dối, hay nói đúng hơn là kẻ tự lừa dối mình.

b) Con người có thể tự lừa dối mình mà không biết

Với bản tính đã bị băng hoại vì tội lỗi, con người dễ ngụy trang tình yêu ích kỷ đối với bản thân mình bằng những hình thức yêu mến Thiên Chúa ở bề ngoài. Từ đó, con người tự lừa dối chính mình. Thật vậy, nếu chúng ta có đầu óc phản tỉnh mạnh, chúng ta dễ nhận ra tình yêu mà nhiều người tưởng rằng mình đang dành cho Thiên Chúa, trong thực tế chỉ là tình yêu đối với chính bản thân mình. Mình yêu Thiên Chúa vì Thiên Chúa tốt lành, giàu sang, có quyền thi ân cũng như giáng họa trên mình. Vì thế, mình phải đối xử với Thiên Chúa thế nào để có lợi cho mình nhất: nghĩa là để được Thiên Chúa ban ơn, chúc phúc, đồng thời ngăn ngừa và cứu giúp mình khỏi mọi tai họa. Nhiều khi tình yêu của ta đối với Thiên Chúa có phần tương tự như tình yêu của ta đối với những người giàu sang quyền thế, những kẻ có khả năng thi ân giáng họa cho ta. Phân tích cho kỹ thì tình yêu ấy rốt cuộc chỉ là tình yêu đối với chính bản thân mình, nhưng được ngụy trang thành cách đối xử có vẻ yêu quí người giàu sang quyền thế kia. Cách đối xử có vẻ yêu thương ấy có ít nhiều yếu tố «cầu cạnh» trong đó.

c) Sự khôn ngoan và tính sư phạm của Đức Giêsu

Vì thế, Đức Giêsu đã tổng hợp hai giới răn quan trọng nhất có vẻ như tách biệt nhau của Cựu ước thành một giới răn duy nhất. Và theo sự khôn ngoan và tính sư phạm của Ngài, trong hai mặt ấy, Ngài chỉ dùng có một mặt – mặt mà Ngài muốn nhấn mạnh – để diễn tả trọn vẹn giới răn hai mặt ấy. Và mặt ấy là tình yêu đối với tha nhân, chứ không phải tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng tiếp nối tinh thần này của Đức Giêsu, nên đã viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» của Đức Kitô (Rm 13,8.10; x. Gl 6,2); «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,14). Như vậy, Đức Giêsu đã biến giới răn yêu Thiên Chúa, một giới răn thật trừu tượng, thành một giới răn hết sức cụ thể, có thể kiểm chứng được dễ dàng, là yêu tha nhân.

Do đó, muốn biết tình yêu của mình đối với Thiên Chúa có thật sự là tình yêu hay không, hay chỉ là hình thức bên ngoài của một tình yêu vị kỷ đối với bản thân mình, thì: theo tinh thần của những câu Kinh Thánh trên, cách bảo đảm nhất là xét xem mình có thật sự yêu thương và hy sinh cho tha nhân không. «Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu anh em mình, người ấy là kẻ nói dối» (1Ga 4,20). Có thể nói: tình yêu đối với tha nhân chính là thước đo, là biểu đồ cụ thể của tình yêu đối với Thiên Chúa. Nói khác đi: «Hãy cho tôi biết anh yêu tha nhân ra sao, tôi sẽ nói cho anh biết anh yêu Thiên Chúa đến mức nào!»

Đó là lý do tại sao mà ngày phán xét, Đức Giêsu không hề xét xem chúng ta đã đối xử với Thiên Chúa thế nào, mà chỉ xét có một điều duy nhất – là chúng ta đã yêu thương và đối xử với tha nhân như thế nào – để biết chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa đến mức nào! (x. Mt 25,31-46).

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con đã nghe không biết bao nhiêu lần câu này Đức Giêsu: «Mỗi lần các ngươi làm điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40). Nhưng khi gặp những anh em bé nhỏ ấy của Ngài bị đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, ức hiếp, thì con lại làm ngơ, mặc kệ. Nhiều khi con còn nói: họ khổ như vậy thật đáng đời! Con chỉ muốn đối xử thật tốt với chính bản thân Đức Giêsu mà thôi: bằng cách đi lễ rước lễ cho nhiều, mua những bức tượng thật quý giá của Ngài để trưng trên bàn thờ, đọc kinh cho thật dài và sốt sắng… Lạy Cha, con làm như thế có đúng không? Có đẹp lòng Cha không? Xin Cha soi sáng chỉ dẫn cho con.                                     

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà