CHỦ NHẬT 6 PHỤC SINH

(20-5-2001)

 

Đọc Lời Chúa

 

· Cv 15,1-2,22-29 : Có những người từ miền Giu-đê đến dạy anh em rằng: «Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ» (…) (Các tông đồ viết trả lời:) «Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những gì cần thiết phải giữ».

 

· Kh 21,10-14.22-23 : Trong thành, tôi không thấy có đền thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. Thành chẳng cần mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.

 

TIN MỪNG : Ga 14,23-29

 

Những lời cuối cùng của Đức Giê-su

 

Khi ấy, Đức Giê-su nói: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em, nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần của Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

 

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em sẽ vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra anh em tin».

 

Suy niệm

 

Câu hỏi gợi ý :

 

1. Chúa nói: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy». Ba chữ «giữ lời Thầy» ở đây có ý nghĩa gì? Có phải là sống yêu thương, sống tình nghĩa không?

2. Cốt tủy của Ki-tô giáo là gì? Có phải là đọc kinh dâng lễ và lo lãnh nhận các bí tích hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng không?

3. Chúa nói: «Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy». «Người ấy» đây cụ thể là người thế nào? Có Chúa ở với mình thì ích lợi gì?

 

Suy tư gợi ý :

 

1. Yêu mến Đức Giê-su bằng cách sống tinh thần của Ngài

 

Đức Giê-su đến thế gian là để cứu nhân loại. Nhưng công cuộc cứu rỗi nhân loại gồm hai mặt: một mặt là do tình yêu và sáng kiến của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện, một mặt là do sự hưởng ứng và cộng tác của con người. Thiếu một mặt, việc cứu chuộc không thể thành tựu được: «Có Trời mà cũng có ta» (Kiều). Phần của Thiên Chúa là bày tỏ tình yêu của Ngài đối với nhân loại qua việc Đức Giê-su đến để dạy dỗ và chịu chết hầu minh chứng tình yêu Thiên Chúa. Phần con người là đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách tin vào Đức Giê-su và tuân giữ lời Ngài. Tuân giữ lời Ngài, một cách cụ thể chính là yêu thương mọi người không trừ ai. Vì «Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình» (1 Ga 4,21), ai thật sự yêu mến Thiên Chúa, tất nhiên sẽ thể hiện tình yêu ấy ra qua việc yêu thương và hy sinh cho những người sống chung quanh mình. Không thể có người yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình: «Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1 Ga 4,20)

 

Tuân giữ lời Đức Giê-su, hay sống tinh thần yêu thương của Ngài, đó chính là đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, mà cũng là góp phần trước hết vào việc cứu rỗi chính bản thân mình, và sau đó là cứu rỗi tha nhân, trong đó có gia đình, xã hội, Giáo Hội và thế giới. Nếu mọi người đều sống tinh thần yêu thương nhau, thì các tập thể ở trần gian (gia đình, xã hội, Giáo Hội và thế giới) sẽ trở thành Nước Trời, trong đó mọi người đều hạnh phúc. Thế giới hiện nay còn biết bao nhiêu đau khổ, cuộc sống chung trong nhiều tập thể – nhỏ cũng như lớn – chẳng khác gì hỏa ngục, vì trong đó quá nhiều người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, không biết yêu thương nhau, nghĩ đến nhau, chia sẻ cho nhau, hy sinh cho nhau.

 

Biết rằng yêu thương nhau thì sẽ làm cho các tập thể được hạnh phúc, nhưng làm sao để thực hiện điều đó, nếu không có những người tiên phong và cổ võ tinh thần yêu thương ấy? Ai sẽ là những người tiên phong, nêu gương và cổ võ nếu không phải là người kitô-hữu, môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng luôn luôn kêu gọi mọi người yêu thương nhau? «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

 

2. Cốt tủy của Ki-tô giáo

 

Đức Giê-su dùng tình yêu để cứu nhân loại, và cũng kêu gọi mọi người hãy dùng tình yêu để tự cứu lấy mình và cứu người khác nữa. Đó là một trong những cốt tủy của Ki-tô giáo. Vì thế, Đức Giê-su nói: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy (…) Ai không mến Thầy thì không giữ lời Thầy», mà lời của Ngài chủ yếu là kêu gọi mọi người yêu thương nhau. Chúng ta cần phải nắm vững cốt tủy này để thực hiện cho bằng được. Không giữ cốt tủy này mà chỉ thực hiện những việc đạo đức bên ngoài thì chính là lấy chính làm phụ, lấy phụ làm chính. Đức Giê-su đã từng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi» (Mt 7,21). Chính vì không nắm vững điều cốt tủy mà chỉ chú ý tới cái phụ tùy, tưởng đó là chính yếu, nên «trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" (toàn là những việc đạo đức phi thường cả!) Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác"» (Mt 7,22-23).

 

Việc tuân giữ lời Chúa, thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, tức sống tinh thần yêu thương của Đức Giê-su, chính là điều cần thiết nhất, nền tảng nhất của Ki-tô giáo. Đức Giê-su quả quyết điều ấy là nền tảng như sau: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví như người khôn xây nhà trên đá (…) Còn những kẻ nghe mà không đem ra thực hành thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát (…)» (Mt 7,24-27). Như vậy, ta thấy Ki-tô giáo là một đạo hành động thực tế chứ không phải là một mớ lý thuyết phải biết hay phải học, trong đó chủ yếu là biến Tin Mừng hay tình thương thành hành động đích thực, để làm cho môi trường mình sống trở nên tốt đẹp, hạnh phúc, là Nước Trời tại thế.

 

Nhiều người kitô-hữu có tâm lý này: khi làm tròn những bổn phận đạo đức hằng ngày mà họ tập làm từ hồi nhỏ (đi lễ mỗi Chúa Nhật, đọc kinh sớm tối hoặc đi lễ mỗi ngày, làm dấu đọc kinh trước mỗi bữa ăn, xưng tội mỗi tháng, lâu lâu xin lễ cho ông bà cha mẹ đã khuất, v.v… ) thì họ cảm thấy an tâm rằng họ đã giữ trọn lề luật của Chúa và vì thế, họ tự cho mình là người đạo đức. Những việc ấy đều là những việc tốt lành không nên bỏ, nhưng đó không phải là cốt yếu của Ki-tô giáo. Cốt tủy của Ki-tô giáo là phong cách sống đầy yêu thương của ta đối với mọi người, đặc biệt những người chung quanh, và đặc biệt hơn nữa với những người thân cận, gần gũi mình nhất. Nếu cuộc sống của mình không biểu hiện được tình nghĩa, lòng yêu thương, được xây dựng trên nền tảng công bằng, thì tất cả những việc đạo đức (đi lễ, đọc kinh, v.v…) là hoàn toàn vô ích. Chẳng những vô ích mà nó còn có hại ở chỗ nó ru ngủ ta, làm cho ta tưởng rằng mình đạo đức, và hài lòng với lối sống đó, thậm chí có thể làm ta nghĩ mình đạo đức hơn người và lên mặt phán đoán người khác. Đang khi điều cốt tủy nhất của Ki-tô giáo là sống tình thương thì ta không thực hiện.

 

3. Có sống yêu thương thì mới có Chúa ở trong ta

 

Đức Giê-su nói: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy». Những ai giữ lời Đức Giê-su, nghĩa là sống tinh thần yêu thương của Ngài, thì được Thiên Chúa yêu thương và ở cùng. Ai sống yêu thương mọi người thì có Thiên Chúa ở trong người ấy. Và ai có Chúa là nguồn tình yêu ở trong mình, thì sẽ càng thể hiện tình yêu ấy cụ thể hơn đối với mọi người.

 

Mọi người kitô-hữu đều có chung một lý tưởng là nên thánh, tức nên giống Thiên Chúa là Đấng Thánh và cũng là Tình Yêu. Người thánh thiện là người luôn kết hiệp với Thiên Chúa, luôn có Chúa ở cùng. Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài thích hiện một cách đậm đặc và đặc biệt nơi những tâm hồn biết yêu thương. Vì thế, thánh thiện một phần rất lớn đồng nghĩa với yêu thương, theo đó, người yêu thương nhiều là người thánh thiện nhiều. Không ai thánh thiện mà lại ít yêu thương. Ít yêu thương hay không có khả năng yêu thương, nghĩa là ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, đến quyền lợi và hạnh phúc của mình, thì đó chính là tội lỗi. «Tội» trong tiếng Việt là «tôi nặng», nghĩa là: bản chất của tội lỗi là do đặt quá nặng cái tôi của mình, không biết nghĩ đến người khác.

 

Như vậy, sự thánh thiện hay dấu hiệu cho thấy Chúa có ở với ta hay không là ở trong chính cách cư xử thường ngày của ta đối với những người chung quanh, với những người thân cận ta nhất có tình thương hay không. Nếu những người chung quanh ta cảm nhận được ta là người sống có tình có nghĩa, có trên có dưới, có trước có sau, thì đó là dấu chứng có Chúa ở với ta, và sự thánh thiện nằm ở chỗ đó. Còn nếu họ không cảm nhận được điều đó, thì ta phải coi chừng kẻo tất cả những việc «đạo đức» ta làm đều chỉ là «giả đạo đức» nhằm «lấy vải thưa che mắt thánh» mà thôi. Một việc chỉ được gọi là đạo đức hay thánh thiện đích thực khi nó thấm nhuần tình yêu đích thực ở bên trong. Nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu, thì không việc làm nào là thánh thiện hay đạo đức cả dù là cầu nguyện, dâng lễ, ăn chay, bố thí, giúp đỡ, v.v…

 

Cầu nguyện

 

Lạy Chúa, xin cho con hiểu được cốt tủy của Ki-tô giáo là yêu thương, để con luôn cố gắng thực hiện sự yêu thương ấy trong đời sống hằng ngày của con: trước hết với những người thân yêu gần gũi con nhất, những người trong gia đình, sau là bạn bè, hàng xóm, những người trong làng trong ấp, và sau cùng là tất cả mọi người không trừ ai, kể cả những người tự nhiên con không ưa, hay những người không ưa con. Xin cho con cụ thể hóa tình yêu ấy ra bằng hành động thật sự, là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, đau khổ, mất mát, mất công, mất của vì hạnh phúc của những người mà Chúa muốn con yêu thương.

 

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà