CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, năm C,

Ngày 14/12

Lc 3, 10-18

 

LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC KITÔ

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Mùa vọng đã trải dài được quá nửa. Lễ giáng sinh đâu đây như đã gần kề và người ta bắt đầu nô nức nghĩ tới hang đá, máng cỏ, vạch ra dự phóng cho ngày đại lễ. Phụng vụ hôm nay cho ta cái cảm giác Đấng nhân loại đang chờ đợi, đã ở đâu đây và con người có thể đặt vấn đề về Ngài, nêu lên những thắc mắc về Đấng muôn dân hằng mong đợi, chờ trông.Bài Tin Mừng Lc 3, 10-18 là bằng chứng hùng hồn về nhữngvấn nạn, thắc mắc về Đấng nhân loại, thế giới bao năm mong đợi: những câu hỏi về lai lịch, tông tích, dung mạo, vai trò của Gioan Tẩy Giả, nhưng thực tế là những vấn nạn những thắc mắc về chính Đức Kitô, Đấng cứu độ, Đấng các ngôn sứ loan báo, Đấng Thiên Sai.Dân chúng ở Giêrusalem như bị rộn lên, bị hút cuốn trong những câu chuyện lạ thường, thần tiên, kỳ diệu. Những vấn nạn đặt ra vẫn luẩn quẩn trong những khuôn mẫu từ trước:là Êlia ? là ngôn sứ ?...Gioan chỉ có thể trả lời với quần chúng nhân dân vỏn vẹn bằng một ngôn từ:” Không “. Cái không như cụt ngủn nhưng xác quyết rõ ràng chân tướng của Đấng Thiên Sai không nằm trong những khuôn mẫu có sẵn. Bao lâu dân chúng còn sống trong cái luẩn quẩn của những định kiến, những mẫu có sẵn, họ vẫn chưa nhận ra Đấng cứu thế.Sự có mặt của Chúa đã là một sự độc đáo trong lịch sử. Gioan đã phải khó nhọc, vất vả lắm mới đưa dân chúng hướng về Đấng cứu độ đang ở giữa họ mà họ chưa nhận ra, qui chiếu họ về Đấng họ đang tìm kiếm và mong ước gặp Ngài. Gioan quả thực là người chứng đích thực:” Tôi không phải là Đấng Kitô”( Ga 1, 20 ) vì chính Gioan đã không ngăn cản ánh sáng chiếu tới họ( Ga 1, 7-8 ).

 

Dân chúng ở Giêrusalem sau khi nghe Gioan rao giảng về sự hoán cải, ăn năn, sám hối và sự nổi giận của Thiên Chúa, đã nhao nhao, chao đảo hỏi Gioan họ phải làm gì để tránh cơn lôi đình của Thiên Chúa ? Gioan đã đưa ra những đề nghị cụ thể cho từng hạng người: Đối với dân chúng nói chung, Gioan đề nghị sự chia sẻ. Chia sẻ của ăn, của mặc, lưu tâm đến những người thiếu thốn khó nghèo.Với hạng thu thuế, Gioan đề nghị và răn bảo họ đừng lấy quá mức ấn định( Lc 3, 13 ). Thu thuế hồi đó được liệt vào hạng tội lỗi, cấu kết với ngoại lai, đè đầu bóp cổ người khác. Đối với binh lính, một loại người không được thiện cảm với dân, Gioan dặn họ:” chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”( Lc 3, 14 ).Như thế, theo Gioan:”hối cải” là điều kiện tiên quyết để đi vào thời cứu độ...Thiếu tình huynh đệ anh em, thiếu công bình, bác ái, lòng yêu mến lưu tâm tới người nghèo con người chưa có điều kiện để đi vào nước Chúa.Luca trong đoạn Tin Mừng 3, 10-18 trong phần hai của đọan này cũng ghi lại chứng của Gioan về Đức Kitô, Đấng cứu tinh sẽ đến. Ông đã đánh tan ngay những suy nghĩ của chính các môn đệ ông, những người sống gần gũi ông nhưng vẫn lầm tưởng Gioan là Đấng cứu thế, Đấng được Thiên Chúa  xức dầu. Gioan đã gián tiếp trả lời những thắc mắc của họ. Ông đã so sánh công việc của ông làm với công việc của “ Đấng quyền năng hơn ông sẽ đến”. Đấng đến làm phép rửa trong lửa và Thánh Thần, Đấng phán xét( Lc 3, 16 ).Gioan chỉ là con người mở đường, dẫn lối: việc của ông làm là bước dọn đường, là hình bóng. Đấng sẽ đến là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người mà các ngôn sứ loan báo, dân chúng trông đợi mới là Sự Thật: thời mới đang đến mới là thời muôn dân mong đợi đích thực, mới là thời cứu chuộc. Gioan là thời Cựu ước, Chúa Giêsu mới là nhân vật của thời mới, thời cứu chuộc.Hối cải để có thể tiếp tục cuộc hành trình đức tin tìm gặp Chúa Giêsu. Hối cải có nền tảng là lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa như bài đọc 1, ngôn sứ Sophonia đã nói:”Đấng cứu thoát và ở giữa dân của Người” chính là Đức Giêsu. Chúa Giêsu, Ngôi Lời được Thiên Chúa sai tới để yêu thương nhân loại và dậy con người yêu thương nhau. Ngài đã làm gương bằng cả cuộc đời của Ngài về sự yêu thương và yêu thương đến cùng tận” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).

 

Mùa vọng như thế là mùa hối cải. Hối cải không có nghĩa chỉ làm hòa với Chúa trong tòa giải tội, nhưng hối cải là dấn thân vào cuộc sống, làm hòa với Chúa và với anh em, là thực thi bác ái, công bình và chia sẻ. Mùa vọng trong ý nghĩa đó là tích cực xây đắp tình liên đới huynh đệ, mau mắn chia sẻ của ăn, của mặc với những người nghèo và những người cô thân cô thế.Mùa vọng sẽ là cơ hội giúp con người, nhân loại làm chứng cho Đấng đang hiện diện giữa loài người mà nhiều người tìm mà chưa gặp được.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con được trở nên chứng nhân đích thực cho Chúa.

 

GỢI Ý CHIA SẺ:

 

1.      Bạn nghĩ sao về vai trò của Gioan Tẩy Giả ?

2.      Hối cải là gì ? Bạn có cần hối cải không ?

3.      Thời cứu chuộc là gì ?

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà