CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

LỄ CHÚA BA NGÔI

(10.06.2001)

Nghe:

* Cn 8, 22-31:

Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy trước khi có mặt đất.

* Rm 5,1-5:

Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

* TIN MỪNG: Ga 16,12-15: Đấng Bảo Trợ sẽ đến.

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổì. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

 

Ngẫm:

 

* Câu hỏi gợi ý:

1.   Mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giê-su, giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su.

2.   Thiên Chúa Ba Ngôi và Sự Hiệp Thông Cộng Đoàn.

3.   Những cách sống phù hợp (hoặc không phù hợp) với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

 

* Suy tư gợi ý:

1. Mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giê-su, giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su.

Sách Châm Ngôn cho ta thấy Đức Khôn Ngoan hiện diện ngay từ thuở ban đầu của Chương Trình Tạo Dựng của Thiên Chúa. Theo quan niệm của người Do Thái xưa thì Đức Khôn Ngoan chính là biểu tượng của Thần Khí. Sách Sáng Thế ghi lại cũng sự kiện ấy như sau: "Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước" (St 1, 2). Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước vào buổi bình minh của Tạo Dựng thì có nghĩa là Thần Khí Thiên Chúa có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của Thiên Chúa từ trong Công Trình Tạo Dựng cho đến Công Trình Cứu Độ!

Trong bài đọc 2 và bài Tin Mừng chúng ta thấy mối liên kết chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu cũng như giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Mọi sự Chúa Cha có thì Đức Giêsu cũng có y như thế: Chúa Cha và Chúa Giêsu có chung tất cả mọi sự!! Còn Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp nối công việc mà Đức Giêsu đã khởi sự. Ngài thực hiện cách trung thành tất cả những gì mà Đức Giêsu đã giao cho Ngài, không thêm không bớt một ly một tí nào. Ngài dậy dỗ các môn đệ Chúa Giêsu đã gọi và đã chọn để huấn luyện, đào tạo họ trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng. Phải nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đức Giêsu mới có thể hiểu các Mầu Nhiệm của Người, mới có thể hiểu Tình Yêu và Kế Hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa

 

2. Thiên Chúa Ba Ngôi và Sự Hiệp Thông Cộng Đoàn.

Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Cha, Con Và Thánh Thần là Mầu Nhiệm trọng tâm của Ki-tô giáo và là nền tảng căn bản nhất của Đạo Công Giáo. Người ta có thể nói trong Giáo Hội ngày nay Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đã giúp người tín hữu hiểu đầy đủ hơn về Tính Cộng Đoàn và Tính Hiệp Thông của Giáo Hội. Vì thế mà khắp nơi có những nỗ lực to lớn nhằm xây dựng các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, các Cộng Đoàn nhỏ, các Cộng Đoàn Chia Sẻ Lời Chúa. phỏng theo Cộng Đoàn Tín Hữu Đầu Tiên ở Giêrusalem là Cộng Đoàn vẫn được gọi là Cộng Đoàn của Ngày Lễ Ngũ Tuần:

"Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng..

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người theo nhu cầu.

Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" (Cv 2,42-47).

Nói đến Cộng Đoàn là phải nói đến sự Hiệp Thông. Mà nói đến Hiệp Thông thì gỉa thiết là giữa những tín hữu trong cùng một Cộng Đoàn phải có một mối quan tâm chung về Giáo Hội cũng như về xã hội, nhất là về người nghèo. Nói đến Hiệp Thông là phải gỉa thiết có sự hiểu biết, yêu thương, kính trọng và chia sẻ thực sự . Chia sẻ về tinh thần cũng như về vật chất giữa những người cùng thuộc một Cộng Đoàn.

Hơn nữa, Sự Hiệp Thông Cộng Đoàn ở đây không chỉ được hiểu là sự Hiệp Thông giữa các tín hữu của cùng một Cộng Đoàn mà còn được hiểu là Sự Hiệp Thông của Cộng Đoàn Tín Hữu này với các Cộng Đoàn tín hữu khác. Sự Hiệp Thông ấy xuất phát từ Mầu Nhiệm Thông Hiệp của Chúa Ba Ngôi và đặt nền tảng trên Mầu Nhiệm ấy.

 

3. Sống phù hợp (hoặc không phù hợp) với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi .

Chúng ta hãy nhìn vào cách sống của mình cũng như của Cộng Đoàn mình để xem chúng ta vẫn thường sống như thế nào?

a) Nếu chúng ta có biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, biết bổ túc cho nhau, biết sống liên đới với nhau, biết sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ nhau thì chúng ta đã sống phù hợp với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

b) Còn nếu chúng ta không biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, hoặc sống ích kỷ chỉ biết có mình, không chịu san sẻ với người khác, hoặc không sống tình liên đới với tha nhân, hoặc sống bất hòa-chia rẽ-ghen tî là chúng ta đang sống không phù hợp với Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

 

Nguyện:

- Lạy Chúa Ba Ngôi là Cha là Con và Thánh Thần, chúng con chúc tụng ngợi khen Chúa là Tình Yêu, là Hiệp Thông!

- Lạy Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm Thông Hiệp Hoàn Hảo Sung Mãn, chúng con nguyện xin Chúa ban cho chúng con tinh thần Đoàn Kết, Yêu Thương, Chia Sẻ và Hiệp Thông với nhau!

- Lạy Chúa Ba Ngôi là nền tảng của các gia đình mà chúng con là thành viên: Gia Đình ruột thịt, Gia Đình Thiêng Liêng là Khôi Bình, Gia Đình Đức Tin rộng lớn hơn là Giáo Xứ . Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ơn ý thức mình là thành viên, là chi thể của các Gia Đình ấy và ơn trợ giúp chúng con hoàn thành trách nhiệm của một chi thể, một thành phần sống động, hầu làm cho các Gia Đình ấy có sức sống mạnh mẽ, dồi dào sinh ích cho các thành viên và cho người chung quanh. Amen!

(Giêrônimô Nguyễn Văn Nội)


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà