Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh

 (11-1-2004)

 

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

ĐỌC LỜI CHÚA

·    Is 40,1-5.9-11: (11) Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.

·    Tt 2,11-14; 3,4-7: (5) Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. (6) Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta.

 

·    TIN MỪNG: Lc 3,15-16.21-22

 Đức Giê-su chịu phép rửa (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11)

 (15) Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! (16) Ơng Gioan trả lời mọi người rằng: «Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa».

 (21) Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, (22) và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Tại sao người Do Thái lại tự hỏi: «Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia»? Thái độ của Gioan thế nào? Ta học được gì nơi thái độ ấy?

2. Đức Giêsu vô tội, tại sao Ngài lại lãnh nhận phép rửa của Gioan? Ngài muốn làm gương cho chúng ta? Hay Ngài sám hối thay cho cả nhân loại?

3.  Ta có thể bắt chước Ngài trong việc sẵn sàng gánh tội cho người khác, sám hối và sẵn sàng chịu đau khổ để đền tội thay cho họ?

Suy tư gợi ý:

1. Gioan Tẩy Giả được dân chúng hy vọng là Đấng Cứu Thế

Các ngôn sứ chính thống của Thiên Chúa bắt đầu xuất hiện với Samuel, Êlia, Êlisê trước công nguyên khoản 1000 năm, và kết thúc với những ngôn sứ cuối cùng là Malakhi, Giôen, Giôna… khoảng 350 năm trước công nguyên. Suốt trong khoảng 350 năm đó, dường như không có ngôn sứ nào xuất hiện. Nhưng dân Do Thái tin rằng khi Đấng Cứu Thế đến thì truyền thống ngôn sứ sẽ xuất hiện trở lại (x. Ge 2,28-29). Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện, nói năng đúng theo kiểu các ngôn sứ thời xưa, nghĩa là kêu gọi khẩn cấp phải quay trở về với Thiên Chúa để tránh hình phạt đổ xuống. Dân chúng thấy vậy thì vô cùng phấn khởi, họ tin rằng triều đại của Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ thời xưa loan báo đang đến. Rất nhiều người nghi ngờ rằng Gioan chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân hàng trông đợi. Khi thấy nhiều người nghĩ mình như thế, Gioan liền cải chính: «Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người». Đó chính là lòng thành thật và sự khiêm nhường của ông: hai nhân đức rất căn bản của người Kitô hữu.

2.  Phép rửa của Gioan và phép rửa của Đức Giêsu

Gioan kêu gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa bằng nước của ông. Nhưng ông tiên báo Đấng đến sau ông sẽ «làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa». Phép rửa bằng nước của Gioan chỉ là một nghi thức và biểu tượng tỏ lòng sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Nó có tác dụng tâm lý, tạo ấn tượng về sự sám hối để giúp người ta giữ được lâu bền thành quả việc sám hối ấy. Đồng thời nhờ sám hối mà tội lỗi họ được Thiên Chúa tha thứ. Còn phép rửa của Đức Giêsu mang tính tích cực và hữu hiệu: chẳng những được Thiên Chúa tha thứ, mà còn lãnh nhận được Thánh Thần và lửa tình yêu để sống thánh thiện xứng đáng là con cái của Thiên Chúa hầu được sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Mặc dù phép rửa của Đức Giêsu cao trọng và hữu hiệu hơn của Gioan, nhưng Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa của Gioan cũng như bao người tội lỗi khác. Việc này đương nhiên đặt nên nhiều thắc mắc về mặt thần học. Vì nếu ta nhìn nhận Đức Giêsu là hoàn toàn vô tội, tại sao Ngài lại lãnh nhận phép rửa của Gioan? Nếu Ngài vô tội, và việc chịu phép rửa của Ngài chỉ để làm gương, thì rõ ràng việc làm này chỉ mang tính biểu diễn, và có phần nào giả dối, thiếu nền tảng chân lý. Điều này không thích hợp với tư cách của Đức Giêsu! Trong nhiều trường hợp, không thể giải thích việc làm của Đức Giêsu theo kiểu Ngài làm như thế là để làm gương cho chúng ta. Giải thích như thế có phần nào gượng ép và hạ tư cách của Ngài. Làm gương mà không xứng hợp với tư cách của mình thì không được hay lắm!

3.  Đức Giêsu đại diện nhân loại, và gánh tội trần gian

Đức Giêsu đến trần gian, để nhập thể, để đại diện cho nhân loại tội lỗi (x. Dt 2,17; 5,1-3) hầu gánh lấy toàn bộ tội lỗi của trần gian trên mình (x. Ga 1,29), và để chấp nhận một hình phạt nào đó xứng đáng hầu đền tội thay cho nhân loại (x. Dt 10,12). Vì thế, mặc dù Ngài vô tội, nhưng một khi đã đại diện cho kẻ có tội, thì Ngài phải mặc lấy tâm tình của kẻ có tội, và hành xử như người có tội trước mặt Thiên Chúa. Tương tự như cha mẹ xin lỗi ai thay cho con cái mình, thì chính cha mẹ ấy phải sẵn sàng hạ mình nhận lỗi trước mặt người ấy. Chẳng những Đức Giêsu tự coi mình là kẻ có tội, mà chính Thiên Chúa cũng coi Ngài – với tư cách đại diện nhân loại tội lỗi – là có tội, nên đã sẵn sàng giáng những hình phạt khủng khiếp xuống trên Ngài.

Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối, Đức Giêsu ý thức sứ mạng gánh tội trần gian của mình, nên đã chịu phép rửa của Gioan để đại diện cho cả nhân loại tỏ lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa. Hành động này đã làm động lòng Thiên Chúa Cha, khiến Chúa Cha ban «Thánh Thần xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu» đồng thời công khai xác nhận trước mọi người rằng Ngài chính là Con của mình: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con».

4.  Gương Đức Giêsu gánh tội và sám hối thay cho người khác

Để cứu nhân loại, Đức Giêsu đã gánh tội trần gian trên mình, đã sám hối và đền tội thay cho nhân loại. Đó cũng là một gương tuyệt vời để chúng ta bắt chước. Chung quanh ta, và ngay cả bản thân ta, có biết bao khuyết điểm, lỗi lầm, tội lỗi. Ý thức bản thân mình tội lỗi để sám hối và sẵn sàng đền tội là một điều tốt. Nhưng khi thấy người chung quanh ta lầm lỗi, phạm tội, mà ý thức được tính liên đới trách nhiệm giữa ta với họ, cũng như giữa con người với nhau, để rồi sẵn sàng sám hối và đền tội thay cho họ, là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, mà chỉ những tâm hồn hết sức cao thượng mới làm được.

Ta thấy Đức Giêsu có một ý thức rất mạnh về tính liên đới trách nhiệm trong tình trạng tội lỗi của nhân loại, mặc dù Ngài hoàn toàn vô tội. Ngài ý thức mình cũng như mọi người đều mang trong mình bản tính yếu đuối của nhân loại, và cùng với mọi người sống trong một xã hội có nhiều tội ác và bất công. Dù bản thân mình vô tội, nhưng mình là một thành phần của một cộng đồng xã hội có tội, nên mình có trách nhiệm giải hòa cộng đồng xã hội của mình với Thiên Chúa. Đó là thể hiện tinh thần liên đới và yêu thương đối với xã hội.

Khi mặc lấy tâm tình yêu thương và thống hối thay cho mọi người như Đức Giêsu, thì dù ta có thánh thiện hay vô tội tới đâu, ta vẫn dễ dàng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những người lầm lỗi chung quanh ta. Ta sẽ không kết án cũng không lên mặt đối với họ. Trái lại, ta sẵn sàng đón nhận mọi khổ đau xảy đến cho mình để đền tội thay cho họ trước mặt Thiên Chúa. Tất cả những đau khổ xảy đến cho ta đều là những dịp quí báu, đều là hồng ân Chúa ban để ta có thể làm một nghĩa cử yêu thương đối với những người tội lỗi. Đó là dùng những đau khổ đó để đền tội thay cho họ. Và tất cả mọi đau khổ của ta đều trở nên có ý nghĩa, đều là dịp để thực hiện tình yêu thương, và đương nhiên có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Nếu «không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13), thì tương tự, chịu đau khổ, đền tội thay cho người khác, cũng là một hành vi hết sức cao cả. Khi ta thực hiện như thế, tự nhiên ta có khả năng cảm hóa người khác, và nhiều người tội lỗi sẽ nhờ ta mà trở về với Thiên Chúa.

Trong gia đình, việc gánh tội và đền tội thay cho nhau, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau là chuyện rất bình thường. Nhưng chuyện đó không xảy ra bình thường giữa những người xa lạ với nhau. Tại sao? Vì trong gia đình có tình yêu đích thực và mãnh liệt. Chỉ có tình yêu đích thực và mãnh liệt mới giúp người ta chịu đau khổ, chịu chết để đền tội thay cho nhau.

Thiên Chúa mời gọi ta yêu thương mọi người, kể cả người xa lạ, thậm chí kẻ thù, bằng thứ tình yêu nào? Tình yêu thật sự hay ngoài môi miệng? Tình yêu pha loãng hay đậm đặc? Quả không có gì là khó hiểu khi mọi người đều hết sức ngạc nhiên thấy linh mục Maximilianô Kolbê sẵn sàng chịu khổ hình và chịu chết thay cho một người có vợ có con đang nheo nhóc ở ngoài đời mặc dù ngài chẳng có bà con ruột thịt gì với anh ta. Cha Kolbê đã đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi mình yêu thương tha nhân bằng một tình yêu đích thực và mãnh liệt. Thiên Chúa có mời gọi bạn, mời gọi tôi như thế không? Bạn và tôi đã đáp lại lời mời gọi ấy thế nào?

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã làm một hành động thật là tuyệt vời! Ngài luôn ý thức sứ mạng của mình là gánh tội trần gian. Ngài muốn liên đới trách nhiệm với nhân loại trong tình trạng tội lỗi của họ. Ngài sẵn sàng cùng với họ sám hối tội lỗi, cùng chịu đau khổ với họ để đền tội. Ngài đã chấp nhận chết thê thảm trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Xin Cha giúp con có được ý thức, tâm tình yêu thương và lòng dũng cảm như Đức Giêsu, để con cũng biết liên đới trách nhiệm với tội lỗi của những người sống chung quanh con, những người đang cùng sống trong một xã hội với con. Amen.  

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà