LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

(Lu-ca 3: 15-16,21-22)

 

        Chủ đề Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế tiếp tục được khai triển qua Phụng vụ Lời Chúa sau lễ Giáng Sinh.  Đấng Cứu Thế đã được Dân ngoại tiếp nhận, trong khi chính dân Chúa thì lại ơ hờ hoặc chối bỏ.  Bài Tin Mừng của Lu-ca hôm nay đưa chúng ta đến suy niệm về chính sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su được khởi đầu qua biến cố Người chịu phép rửa Gio-an.  Trong bối cảnh Chúa Giê-su cầu nguyện và quyền năng Chúa Thánh Thần bao trùm trên Người, nghi thức thánh hiến Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế được diễn ra một cách đơn sơ nhưng vô cùng trang trọng và kết thúc với lời sai đi của Chúa Cha:  “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22).

 

a)  Chuẩn bị cho nghi thức “sai đi”

 

        Đoạn Lu-ca 3:15-16 được coi như việc chuẩn bị cho nghi thức “sai đi” của Chúa Giê-su.  Trước hết thánh sử nói lên hoàn cảnh và lý do tại sao có việc “sai đi” này.  Tâm trạng “trông ngóng” Đấng Mê-si-a chính là hoàn cảnh và lý do.  Không phải là đấng mê-si-a như một nhân vật chính trị sẽ xuất hiện để cứu quốc gia Ít-ra-en khỏi ách nô lệ cho đế quốc, nhưng là Đấng Mê-si-a (cũng là Ki-tô) sẽ đến giải phóng nhân loại thoát vòng nô lệ tội lỗi và thiết lập một vương quốc thiêng liêng.  Thánh Lu-ca cũng ngầm nói lên sự hiểu lầm này của dân chúng khi họ nghĩ có thể ông Gio-an Tẩy giả là đấng mê-si-a họ đang trông đợi.  Thế là ông Gio-an Tẩy giả xuất hiện trong nghi thức và đóng vai trò một người giới thiệu Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người.

        Lời giới thiệu của ông Gio-an Tẩy giả tuy ngắn gọn, nhưng hết sức đầy đủ, nói cho chúng ta biết tầm quan trọng của Đấng Cứu Thế đích thực và sứ mệnh của Người.  Hẳn ông Gio-an đã thừa biết nhiều người lầm tưởng ông là đấng mê-si-a.  Đã nhiều lần ông lên tiếng thanh minh với dân chúng điều ngộ nhận ấy và tiếp tục mời gọi người ta hãy dọn con đường tâm hồn để đón nhận Đấng Mê-si-a đích thực.  Nói thẳng và nói thật, đó là bản chất con người ông.  Nên ông không ngần ngại bảo dân chúng hãy nhận ra ý nghĩa thực sự của những điều ông đang làm.  Ông làm phép rửa, nhưng chỉ đơn thuần là một nghi thức giúp người ta chuẩn bị tâm hồn, trong giới hạn chuẩn bị mà thôi, chứ không thể thay đổi được một thân phận.  Nói khác đi, phép rửa của ông chỉ giúp cho người ta đáp lại lời gọi làm con cái Thiên Chúa, chứ không thực sự biến đổi người ta từ tình trạng tội lỗi và thù nghịch với Thiên Chúa trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa.  Chỉ có Phép Rửa của Chúa Giê-su, một Phép Rửa khởi đầu với việc rao giảng Tin Mừng và kết thúc bằng cái chết trên thập giá, cùng với “nước và máu” chảy ra từ cạnh sườn Người (Ga 19:34), mới có quyền năng biến đổi thân phận con người chúng ta.  Ông Gio-an muốn dùng chính sự khác biệt giữa phép rửa của ông và Phép Rửa của Chúa Giê-su để nói lên sự cao trọng của Đấng Cứu Thế.  Phép rửa của ông là rửa bằng nước, cũng như chúng ta rửa tay rửa chân mà không rửa được tâm hồn.  Ông Phi-la-tô cũng rửa kiểu ấy trước mặt dân chúng!  Còn Phép Rửa của Chúa Giê-su là rửa bằng Máu và Nước chảy ra từ trái tim của Đấng vui lòng hiến thân chịu chết cho bạn hữu (Ga 15:13).  Nhất là Phép Rửa của Chúa Giê-su lại được diễn ra trong Thánh Thần, Đấng cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và  gọi Người là “Abba” (Rm 8:14-17).  So sánh như thế, Gio-an Tẩy giả đã có thể hãnh diện giới thiệu cho thế giới “Đấng quyền thế” đang đến là Chúa Giê-su.  Ông còn thành thực đến độ nhận mình không đáng làm đầy tớ của Chúa Giê-su, vì “cởi quai dép” là hành vi chỉ dành cho nô lệ, chứ ngay đến một người Do-thái giúp việc cũng không khi nào phải cởi quai dép cho chủ.

 

b)  Nghi thức thánh hiến và “sai đi”  

 

        Sau phần giới thiệu thật ý nghĩa của ông Gio-an Tẩy giả, Chúa Giê-su xuất hiện.  Không phải một con người nghênh ngang tiến ra như ta thường thấy trên sân sấu thế gian, nhưng là một con người hòa mình với đám dân chúng mà lại khác biệt dân chúng, Chúa Giê-su đã xuất hiện trong tư thế cầu nguyện.  Sấp mình cầu nguyện là việc ta thấy các người sắp lãnh nhận chức thánh hoặc các nữ tu sắp khấn trọn làm trong lễ phong chức hay khấn dòng.  Cầu nguyện trước khi làm những quyết định hay công việc quan trọng vẫn là những hình ảnh đẹp nhất về Chúa Giê-su ta thường gặp trong sách Tin Mừng Lu-ca, những lúc Người gặp gỡ Chúa Cha.

        Tiếp đến là Chúa Thánh Thần xuất hiện “dưới hình dáng chim bồ câu.”   Thánh Thần luôn hiện diện khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ.  Thánh Thần giúp Người khởi đầu sứ vụ (4:16-22) và kết thúc sứ vụ của Chúa Giê-su (Ga 19:30), rồi bắt đầu một cuộc tạo dựng mới qua Giáo Hội trong ngày Hiện Xuống (Cv 2:1-13).

        Sau cùng và cũng là giây phút quan trọng nhất:  Lời của Chúa Cha phán: “Con là Con của Cha;  ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.”  Quả thực là một cuộc thánh hiến đơn sơ nhưng vô cùng trang trọng.  Không còn là những lý luận của loài người như ông Gio-an Tẩy giả đã làm.  Không phải là những lời hoa mỹ hoặc đao to búa lớn.  Nhưng là lời của chân lý, của Đấng là chính Sự Thật khẳng định về căn tính, danh hiệu và sứ mệnh của người được thánh hiến, tất cả đều nằm trong quan hệ với chính Thiên Chúa, Đấng chủ sự nghi thức thánh hiến.  Tiếp đến là lời long trọng sai đi:  Hôm nay Cha đã sinh ra Con.  Nghĩa là đặt Con làm Đấng Cứu độ nhân loại, làm trưởng tử của một nhân loại mới.  Thiên Chúa Cha chính thức giới thiệu với nhân loại Mầu nhiệm Đức Giê-su, để từ nay Đức Giê-su sẽ tỏ cho ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa và kế hoạch cứu chuộc của Người.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

Chúa Giê-su đã được Chúa Cha ban cho tôi  để cứu rỗi tôi.  Nhưng tôi phải cộng tác với Người, nghĩa là phải tiếp nhận Người và mở lòng để cho tình yêu Người biến đổi con người tôi thành tạo vật mới.  Vậy tôi đã và đang cộng tác thế nào với Đấng Cứu Thế của tôi là Chúa Giê-su?

Người ta hỏi một cụ già dân Da đỏ niên tuế bao nhiêu, cụ trả lời:  “Tôi mới được sáu tuổi!”  Họ cười:  “Không thể nào như thế được!  Cụ đã ba lần phục vụ trong quân đội rồi!”  Cụ trả lời:  “Thật mà!  Vì từ sáu năm nay tôi mới bắt đầu hoàn toàn được sống như người con cái Chúa sau khi cha thừa sai rửa tội cho tôi.”  Còn tôi, tôi đã được rửa tội khi nào?  Tôi có thực sự sống làm con cái Chúa không?  Tại sao?

Trong cầu nguyện và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su đã được sai đi.  Cũng vậy, tôi được sai đi làm chứng cho Chúa Giê-su và Tin Mừng.  Nhưng tôi có thực sự ra đi không, hay vẫn vướng mắc và lẩn quẩn tại chỗ?  Những gì đang cầm chân tôi lại?  Tôi phải làm gì để dứt bỏ những trở ngại ấy?

 

“Lạy Cha, con phó mặc con cho Cha,

xin dùng con tùy sở thích Cha.

Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.

Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.

Miễn là ý Cha thực hiện nơi con

và nơi mọi loài Cha tạo dựng,

thì lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh con về tay Cha.

Con dâng linh hồn con cho Cha,

lạy Chúa Trời của con,

với tất cả tình yêu của lòng con.

Vì con yêu mến Cha,

vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,

thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,

không so đo,

với một lòng tin cậy vô biên,

vì Cha là Cha của con.”

-      Charles de Foucauld

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

10-1-2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà