Lễ Giáng Sinh, Lễ Ban Ngày

 

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta”

Đọc Gioan 1, 1-18

 

Linh mục Phêrô Trần Đình, Dalat

 

Trong thánh lễ sáng nay, các bài đọc, nhất là bài Tin Mừng, còn muốn tiếp tục đào sâu mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người : “Ngôi Lời đã trở nên người  phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

 

Một kế hoạch lâu dài

 

Qua câu nói này, Tin Mừng muốn nhấn mạnh rằng : Ngôi Lời nhập thể, làm người là để ở với con người, bởi vì danh hiệu của Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

 

Một sự thật không nhỏ, bởi vì đó là cả một kế hoạch lâu dài của Thiên Chúa, khởi đi từ “Tin Mừng nguyên thuỷ” (x. St 3, 15) cho đến lời tiên báo về “một trinh nữ sẽ sinh con và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Ys 7, 14; x. Mt 1, 23).

 

Thiên Chúa của kitô giáo không phải là Thiên Chúa của các triết gia, một Thiên Chúa của lý luận, nhưng là một Thiên Chúa muốn ở giữa loài người, muốn đồng hành cùng con người, muốn đảm nhận tất cả những gì thuộc thân phận con người, bởi vì : “Điều gì không được đảm nhận, sẽ không được cứu độ” (Irênê).

 

Một sự kiện kinh hoàng

 

Sự kiện Thiên Chúa ở cùng nhân loại là một sự kiện kinh hoàng. Thật vậy, trước khi nói đến việc Con Thiên Chúa “cư ngụ giữa chúng ta”, thánh sử Gioan đã dài dòng mô tả địa vị thần linh của Người : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời…và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Cho nên, việc Con Thiên Chúa lưu trú giữa nhân loại là sự kiện mãi mãi làm ta không hết ngạc nhiên.

 

Thánh Irênê đã diễn tả sự kiện này bằng những lời lẽ sống động như sau : “Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến ở với loài người và đã trở nên con của loài người, để làm cho loài người quen nhận biết Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa quen ở với loài người” (Bài đọc kinh sách ngày 19-12).

 

Nếu được phép suy nghĩ theo kiểu nhân loại, chúng ta có thể nói rằng : tự bản chất, Thiên Chúa không quen ở với loài người, bởi vì giữa Thiên Chúa và con người là cả một khoảng cách mênh mông vô tận, không thể vượt qua, nếu Thiên Chúa không thật sự cố ý xoá nhoà khoảng cách ấy bằng cách cúi xuống trên thụ tạo.

 

Tiếng reo vui của con người

 

Thế nhưng, vì yêu thương nhân loại,Thiên Chúa đã làm mọi sự ngoài suy tưởng của con người. “Ngôi Lời đã làm người” : nếu hiểu cho chính xác thì đó còn là tiếng reo vui của con người, kinh ngạc khi bắt gặp Thiên Chúa đang cư ngụ giữa  cõi nhân sinh này, một tiếng reo hò sung sướng, xoá bỏ và làm dội lại tiếng mỉa mai của con người khi nhận ra rằng mình trần trụi : “Adam đã trở thành một người trong chúng ta rồi đây” (St 3, 22).

 

Dấu chỉ của cõi vô hình

 

Cuối cùng, tự bản chất, con người chỉ quen sống với những gì cụ thể, khó vươn tới những gì vô hình. Nhưng Thiên Chúa vì “đã lưu trú giữa chúng ta”, nên từ đó con người mới có cả gan nói rằng “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, là Con Một tràn đầy ơn sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Như thế, Ngôi Lời đã sống giữa nhân gian như một dấu chỉ hữu hình về Đấng vô hình, dấu chỉ đưa con người về với Cha là cội nguồn của vạn sự và cũng từ đó Người phát xuất.

 

Có suy nghĩ như thế, chúng ta mới thấy cần phải cảm mến Chúa khi “õlưu trú giữa chúng ta” đã làm mọi sự tốt đẹp cho chúng ta và vì chúng ta.


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà