Chúa Nhật

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆÂN XUỐNG

(3-6-2001)

Nghe:

* Cv 2, 1-11: Ngày lễ Ngũ Tuần.

Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị giữa các dân tộc, để mọi người thực sự là anh em của nhau, thông cảm với nhau, hiệp nhất với nhau.

* 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

Các chi thể tuy khác nhau nhưng cũng chỉ là một thân thể.. Thân thể không phải là cộng số các chi thể, mà là nguyên lý thống nhất các chi thể. Đức Kitô cũng vậy, bản thân Ngài là nguyên lý thống nhất, làm cho số đông các Kitô hữu được hợp nhất nên một.

* TIN MỪNG: Ga 20, 19-23

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:" Chúc anh em được bình an!". Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông:" Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: " Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

 

Ngẫm:

* Câu hỏi gợi ý:

1. Ba bài đọc đã dùng từ gì có nét chung để chỉ Chúa Thánh Thần? Tại sao?

2. Ý nghĩa của từ "Thần Khí" và" Lưỡi Lửa " ?

3. Những bài học cho anh chị em Khôi Bình.

* Suy tư gợi ý:

1. Ba bài đọc đã dùng từ gì để chỉ Chúa Thánh Thần?

Đó là từ "KHÍ". Bài đọc 1 đã dùng từ " Gió " ( Cv 2, 2); Bài đọc 2 " Khí " ( 1 Cor. 12,4); Bài Tin Mừng " Hơi" (Ga 20, 22). Ba từ này đều nói lên khí thở. Suy đi ngẫm lại, chúng ta thấy Kinh Thánh hết sức sâu sắc khi dùng từ "KHÍ" , "THẦN KHÍ" để chỉ Chúa Thánh Thần. Tại sao?

a. Rất nhiều người hiểu biết Chúa Thánh Thần vì tất cả đều có thể định nghĩa không khí là gì, sự cần thiết và giá trị của nó. Chúa Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Thần Khí của Thiên Chúa.

b. Không khí có mặt khắp nơi, trong cung điện sang trọng cũng như trong túp lều tạm bợ, trong thành phố đông người cũng như nơi hang sâu hoang dã. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện khắp nơi, giữa cộng đoàn cũng như nơi sâu kín của tâm hồn mỗi người.

c. Vắng bóng khí thở đồng nghĩa với sự hiện diện của tử thần. Không khí vừa tối cần thiết vừa hết sức quí giá. Có người bảo không khí chỉ cần thiết thôi chứ không quí. Cần thiết vì nếu không có KHÍ chúng ta sẽ chết. Nhưng không quí vì khí thở rất dồi dào, muốn có bao nhiêu thì được bấy nhiêu, không mất tiền cũng không hao sức. Nói như thế là chúng ta rơi vào quan niệm thực dụng, nghĩa là giá trị của khí thở ù dựa trên luật cung cầu. Cung vượt cầu thì giá trị thấp. Thực ra quan niệm quí ở đây phải được đặt trên nền tảng cần thiết của nó. Giá trị thực của khí thở chỉ được đánh giá đúng mức khi chúng ta ở vào trạng thái của những nạn nhân Do Thái khi bị phát xít Đức dồn vào lò ngạt. Lúc đó 1 kg khí oxy trở thành vô giá. Cũng vậy, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đồng nghĩa với sự sống: SINH KHÍ (St 2, 7). Chúa Thánh Thần chỉ vắng bóng trong tâm hồn chúng ta khi ta phạm tội trọng, nghĩa là chúng ta đang ở trong tình trạng sự chết. Như thế, sự hiện diện của Ngài hết sức tối cần thiết và vô cùng quý giá cho cuộc sống thần thiêng của chúng ta ngay tại cõi trần này và sự sống vĩnh hằng mai sau.

d. Không khí được Tạo Hoá ban phát cho mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn cũng như màu da sắc tộc. Để sống, mọi người đều có quyền hít thở cùng một bầu khí quyển, và hít thở tuỳ sức. Thần Khí cũng được ban phát cho mọi người, không có sự loại trừ. Chính vì điều này mà ta hiểu được tính Phổ Quát của Hội Thánh.

2. Tính Phổ Quát của Hội Thánh.

a. THẦN KHÍ: Lễ Hiện Xuống hoàn thành cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, như Giao Ước Xinai hoàn tất cuộc Vượt Qua của dân Ít-ra-en và làm cho dân này trở thành dân riêng của Thiên Chúa. Hội Thánh được hình thành trong Lễ Hiện Xuống. Dân mới là các tín hữu được Thánh Thần qui tụ, thôi thúc và ban cho những đặc sủng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh, mang ơn cứu độ cho mọi người. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí (1Cor. 12,4) và chính Thần Khí Duy Nhất ấy làm nên tất cả. và được phân chia cho mỗi người mỗi cách.

b. LƯỠI LỬA: Đây là đặc điểm của Ngày Lễ Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần đã ban ơn Ngôn Ngữ cho các Tông Đồ. Lưỡi dùng để nói. Lửa dùng để tẩy sạch tâm trí người nghe, chuẫn bị đón nhận Lời của Thiên Chúa. Lửa còn hun đúc lòng Tin Yêu Thiên Chúa. Vì vậy, sau khi nhận Lưỡi Lửa, các Tông Đồ được ơn nói tiếng lạ. Chúng ta hiểu "Ơn nói tiếng lạ" là khi các Tông Đồ phát âm bình thường tiếng mẹ đẻ của mình thì mọi thính giả thuộc các dân tộc khác nhau đều nghe được tiếng mẹ đẻ của mình.. Các Tông Đồ đã được ơn diễn tả về Thiên Chúa, về Đức Giêsu Phục Sinh cho người khác hiểu được. Ơn Ngôn Ngữ làm cho người ta hiệp nhất thay vì chia rẽ (x St 11,1-9). Theo quan niệm Do Thái, xưa kia có bảy mươi thổ ngữ thuộc bảy mươi quốc gia.(x St 10.) Thế nên, ngôn ngữ của các Tông Đồ tạo nên tính phổ quát cho Hội Thánh.

Sau khi suy niệm, chúng ta có thể rút ra được những bài học sau đây:

a. Chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần như hơi thở, như Thần Khí ban sự sống vĩnh cữu. Thần Khí phải là điều kiện sống thường hằng của chúng ta như cá ngụp lặn trong nước. Muốn vậy, ta phải giữ tâm hồn sạch tội.

b. Cũng như các Tông Đồ, Lưỡi Lửa Thánh Thần phải biến chúng ta thành những nhân tố của sự hiệp nhất thay vì chia rẽ. Từ nay, lời nói của chúng ta chỉ đem lại hoà bình và đoàn kết, không gây chia rẽ, không gieo hận thù. Những sự chỉ trích phê phán không do thiện ý xây dựng đều phạm đức công bình, và ta có bổn phận trả lại sự công bình cho những ai mà ta đã xúc phạm.

c. Đừng tưởng rằng ta không nói được tiếng lạ như các tông đồ. Ngôn ngữ của ta chính là những việc làm công bình bác ái, là những cử chỉ yêu thương cụ thể. Với những cử chỉ này, mọi dân mọi nước đều có thể hiểu và nhận ra chúng ta là những Kitô hữu đích thực, là các chi thể thuộc cùng một thân thể Đức Kitô, là anh em con cùng một Cha trên trời.

 

Nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống, xin cho con luôn được ngụp lặn trong ơn Thánh của Ngài, để cuộc sống của con dơm hoa kết trái đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài là Sự Canh Tân, Xin Ngài đến đổi mới tâm can con để con luôn xứng đáng là đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là Chân Lý, xin Ngài dẫn dắt con luôn đi trên đường ngay nẽo chính, bảo đảm cho con vào đúng cửa Trường Sinh. Amen.

 

Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa


Trở Về Mục Lục