Chúa Nhật 7 Phục Sinh

(27-5-01)

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh: Công Vụ Tông Đồ 7: 55-8: 1

 

Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay đề cập tới một chủ đề đặc biệt, một khó khăn đối với sự phát triển của Giáo Hội, đó là việc tử đạo. Nhận thức việc tử đạo là điều không thể tránh, đồng thời cũng là vẻ đẹp oai hùng của Giáo Hội, thánh sử Lu-ca không thể bỏ qua đề tài này và đã quảng diễn với chi tiết đầy đủ qua câu truyện ông Tê-pha-nô bị bắt và bị ném đá chết. Đồng thời ngài còn ghi lại sự có mặt của một thanh niên tên là Sao-lô, để ngầm hiểu rằng giữa cái chết của Tê-pha-nô và việc trở lại sau này của chàng thanh niên ấy có một mối quan hệ mật thiết, đúng như Văn sĩ Tertulianô đã viết: "Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh thêm tín hữu." Người tín hữu ưu việt, hoa trái do máu tử đạo tiên khởi Tê-pha-nô, chính là Sao-lô, cũng có tên Rô-ma là Phao-lô, vị tông đồ Dân ngoại và đứng bên cạnh Phê-rô như là hai cột trụ của Giáo Hội.

 

Câu truyện Tê-pha-nô tử đạo mang thật nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó mở đầu cho một lối sống của Ki-tô hữu. Người ta có thể định nghĩa Ki-tô hữu nhiều cách. Ở đây, chúng ta gọi Ki-tô hữu là người tử đạo. Đúng thế, bất cứ thời nào và bất cứ nơi đâu Ki-tô hữu cũng là những người tử đạo. Bởi vì tự bản chất, lối sống của Ki-tô hữu đã phải đi ngược với lối sống của thế gian rồi (xem Ga 15:18-25). Đức Ki-tô đã đi con đường ấy và Ki-tô hữu, "những người theo Thầy" (Mc 8:34; Lc 9:23; Mt 16:24), cũng phải đi cùng con đường ấy. Con đường Ki-tô dẫn Người đến Gôn-gô-tha thế nào thì cũng đưa Ki-tô hữu đến đấy như vậy, chỉ khác Gôn-gô-tha của mỗi Ki-tô hữu có những đặc điểm riêng. Suốt ba năm chuẩn bị gần cho Năm Thánh 2000, ngoài việc học hỏi và suy niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa, Giáo Hội còn nhấn mạnh đến vai trò gương mẫu của Mẹ Ma-ri-a và các thánh Tử đạo. Đức Gio-an Phao-lô II muốn nhắc nhở tín hữu về lối sống tử đạo, hoặc lối sống làm chứng nhân, mà chúng ta thường ít khi để ý tới. Lối sống tử đạo hôm nay là can đảm cho người đời nhận thấy những giá trị Tin Mừng qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta, mặc dù chúng ta phải chấp nhận những "thiệt thòi" khi không làm những gì người đời làm, hoặc làm những gì thế gian không muốn làm.

 

Hình ảnh Tê-pha-nô còn nói lên một khía cạnh khác của hình ảnh Ki-tô hữu với những đặc điểm: "Đầy ơn Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa và Đức Giê-su." Làm sao Ki-tô hữu có thể chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Đức Ki-tô nếu họ không có được những đức tính nói trên? Lúc này, Tê-pha-nô đâu cần phải giảng một bài giảng dài để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Ông chỉ đứng đó, không thể tự vệ, tâm hồn thuộc về trời cao, hoàn toàn thuộc về Đức Giê-su. Vậy mà chứng từ thầm lặng ấy lại có sức mạnh vô cùng mãnh liệt, khiến cho những kẻ bách hại phải "kêu lớn tiếng, bịt tai lại." Tư thái làm chứng cho Đức Ki-tô cũng phải là mẫu mực cho Ki-tô hữu mọi thời, để không ai có thể bào chữa rằng mình không đủ khả năng làm chứng cho Chúa.

 

Hình ảnh Tê-pha-nô cũng nói lên một điểm rất quan trọng và là căn tính của Ki-tô hữu: tha thứ. Những lời ông Tê-pha-nô kêu lên "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" là bản sao của những lời Đức Ki-tô: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23:34). Không tha thứ thì không phải là Ki-tô hữu. Để tha thứ được như ông Tê-pha-nô đã làm, chúng ta cần phải có tâm tình như ông. Vậy động lực để ông có thể tha thứ cho những kẻ đã ném từng hòn đá vào người ông, đã làm cho ông đau đớn không thể tả, đó là đầy ơn Thánh Thần và đầy lòng yêu mến Chúa Giê-su. Thánh Thần và tha thứ không thể tách biệt nhau, như Tin Mừng Gio-an nhắc đến: "Người (Chúa Giê-su) thổi hơi vào các ông (môn đệ) và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha’" (20:22-23a). Hoa trái của Thánh Thần là tha thứ, cho nên nếu không "đầy ơn Thánh Thần" thì không thể tha thứ cho người khác được. Cử chỉ ông Tê-pha-nô đăm đăm nhìn trời, chiêm ngưỡng Đức Giê-su cho thấy ông yêu mến Người đến mức độ nào, đó là mức độ có thể làm được điều con người bình thường không thể làm, tức là tha thứ cho kẻ thù.

 

Chúng ta thử tưởng tượng nếu Giáo Hội có được những Tê-pha-nô hôm nay, thì Giáo Hội sẽ phát triển như thế nào. Đó không phải là một mơ tưởng viển vông, nhưng là một thực tại Giáo Hội cần phải đạt tới và sẽ đạt tới. Những Tê-pha-nô hôm nay chắc chắn không thiếu, nhưng chỉ vì âm thầm nên chúng ta không nhận ra thôi. Chúng ta có thể tiếp tục chiêm ngưỡng Giáo Hội trong chiều kích tử đạo này. Nhưng quan trọng hơn vẫn là tự hỏi: Tôi có là một Tê-pha-nô của Giáo Hội không?

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

Trước đây tôi đọc truyện Tê-pha-nô tử đạo với não trạng nào? So với bây giờ khác nhau thế nào?

 

Câu truyện ông Tê-pha-nô có là một bản tự kiểm thảo về căn tính Ki-tô hữu của tôi không? Có đủ để người ta nhận ra tôi là Ki-tô hữu không? Tại sao?

 

Tôi hãy chia sẻ chiều kích tử đạo đời Ki-tô hữu của tôi, qua những gì xảy ra hằng ngày, trong gia đình, nơi sở làm, ngoài xã hội.

 

Tại sao Phụng vụ Lời Chúa lấy đề tài ông Tê-pha-nô tử đạo sử dụng cho Chúa Nhật VII Phục Sinh? Đề tài này chuẩn bị chúng ta mừng lễ Hiện Xuống như thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc đọc kinh sau đây: Kết hiệp với mầu nhiệm sự sống và sự chết của Chúa Giê-su

 

Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và Mẹ chúng con, chúng con ở với Mẹ dưới chân thập giá Con Mẹ, cầu xin Mẹ giúp chúng con biết kết hiệp với mầu nhiệm sự sống và sự chết của Người; biết ở trong trái tim Người; biết ở lại dưới chân Người trong tư thái lắng nghe và chiêm niệm. Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin khơi dậy nơi chúng con những tâm tình của Mẹ là tâm tình chia sẻ những đau khổ của Chúa Giê-su và của thế giới.

 

Mẹ thấy lời lẽ chúng con bất toàn như thế nào và tư tưởng chúng con khác xa với chân lý Mẹ đã sống.Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con; xin Mẹ giúp tất cả những ai đang cùng chúng con cầu nguyện và thờ lạy Chúa.

 

Xin Mẹ ban cho chúng con niềm vui trong Con Mẹ nhờ ơn Chúa Thánh Thần là ơn chúng con đang tha thiết xin quyền năng Chúa Cha khứng ban. A-men.

 

- ĐHY Carlo Maria Martini, S.J.

 

Lm. Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà