Lễ Trọng Kính Sinh Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả

        Để giúp chúng ta hiểu Tin Mừng thấu đáo hơn, các thánh sử thường sử dụng một bối cảnh cốt làm nổi bật lên khuôn mặt những nhân vật các ngài muốn trình bày. Thánh sử Lu-ca có cách thức riêng của ngài, đó là dùng bối cảnh lịch sử nhân loại để giúp chúng ta dễ dàng nhận biết Đức Giê-su Na-da-rét và sứ mệnh cứu thế của Người. Nhưng đặc biệt hơn, thánh Lu-ca đã cho chúng ta một loạt bài tường thuật song song về thời thơ ấu giữa Chúa Giê-su và ông Gio-an Tẩy Giả, nhằm mục đích giúp chúng ta khi hiểu về cuộc đời của Gio-an thì chúng ta sẽ tìm gặp những nét tương tự nơi cuộc đời Chúa Giê-su, nhưng trong một chiều kích hoàn hảo và siêu việt của Con Thiên Chúa.

        Vậy ông Gio-an Tẩy Giả là ai? Qua những trình thuật của Lu-ca, ông Gio-an Tẩy Giả quả thực là một người hết sức đặc biệt. Trước hết ông được mô tả như một nghệ sĩ phụ diễn chuẩn bị cho tài tử chính xuất hiện. Nhưng vai trò của ông không phải chỉ có thế mà thôi, trái lại vô cùng quan trọng, vì ông là cái gạch nối sống động giữa Cựu Ước với Tân Ước, ông là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước và đầu tiên của Tân Ước. Với bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ I-sai-a, Phụng vụ Lời Chúa muốn chúng ta nhận thức xuất xứ và sứ mệnh của ông Gio-an. Ông được Thiên Chúa "triệu gọi ngay từ trong lòng mẹ," được tuyển chọn và chuẩn bị để thi hành một sứ vụ đặc biệt. Sứ vụ ấy đòi hỏi những khả năng phi thường, thí dụ "miệng lưỡi giống như gươm sắc bén giấu ẩn dưới bàn tay của Thiên Chúa," hoặc "như mũi tên nhọn trong ống tên của Thiên Chúa." Chẳng lạ gì sau khi ông sinh ra, dân chúng Giu-đê đều thắc mắc tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" và nhất là sau này, khi thi hành sứ vụ rao giảng chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến, ông đã làm cho bất cứ ai đến nghe ông giảng đều phải tự hỏi "Tôi phải làm gì?", vì những lời giảng kêu gọi thống hối của ông chẳng khác gì như gươm sắc bén hoặc mũi tên nhọn đâm thẳng vào tâm hồn người nghe. Vì những khả năng phi thường ấy, có nhiều người nghĩ ông chính là Đấng Mê-si-a.

        Cha của ông là ông Da-ca-ri-a, được thiên sứ cho biết phải đặt tên cho con trẻ là Gio-an, đúng như ngôn sứ I-sai-a đã viết trước kia: "Lúc tôi chưa chào đời, Thiên Chúa đã nhắc đến tên tôi." Việc đặt tên cho Gio-an đã có sự can thiệp của Thiên Chúa. Trước hết bà mẹ đã không hỏi ý chồng bà và bà muốn đặt tên cho con là Gio-an, chứ không phải Da-ca-ri-a như họ hàng thường làm. Đến ông Da-ca-ri-a, khi được hỏi ý kiến, ông đã cùng một ý như bà và củng cố ý muốn của bà. Như vậy, cả hai đều làm theo ý định của Thiên Chúa mạc khải qua sứ thần Gáp-ri-en.

        Nói đến sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả, thánh Phao-lô đã tóm tắt lại trong một vài câu nhưng hết sức đầy đủ, khi ngài giảng cho dân chúng tại An-ti-ô-khi-a. Ngài nói: "Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người." Sứ mệnh của ông vỏn vẹn chỉ có thế, nhưng ông đã chu toàn đến độ dân chúng tưởng ông là chính Đấng Cứu Thế.

        Từ sau cuộc canh tân Phụng vụ do Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã muốn chúng ta chú ý nhiều hơn đến những mầu nhiệm của Chúa Giê-su, Giáng Sinh và Phục Sinh. Vì cuộc đời và sứ mệnh của ông Gio-an Tẩy Giả đã gắn liền với cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su, cho nên chúng ta thấy Giáo Hội có lý do để sắp đặt việc mừng kính sinh nhật vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã dấn thân cho Đức Ki-tô qua việc ngài rao giảng thống hối và chuẩn bị tâm hồn dân chúng đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa là Đức Ki-tô. Ngài không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng đem tất cả cuộc sống mình để làm chứng cho sự công chính mà Đức Ki-tô sắp rao giảng. Ngài chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, chứ không muốn làm nịnh thần của vua Hê-rô-đê để được "mặc gấm vóc lụa là". Cuối cùng, ngài đã bị bắt bớ, giam cầm và chịu hy sinh cả mạng sống để chu toàn sứ mệnh. Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế, đã nhận định về con người Gio-an và sứ mệnh của ông qua những lời lẽ chắc chắn. Chúa nói: "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an." (Lc 7:28).

        Lễ trọng mừng sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả là một lễ rất đặc biệt, vì trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội, ngoài lễ trọng Sinh Nhật của Chúa Giê-su và Ðức Me Maria, thì đây là lễ trọng sinh nhật duy nhất được mừng kính. Qua việc mừng kính này, Giáo Hội muốn thấy điều gì nơi chúng ta? Chúng ta tất cả được kêu gọi làm môn đệ Chúa Ki-tô, làm những diễn viên phụ trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa để chuẩn bị cho nhân vật chính là Đức Ki-tô xuất hiện. Mừng kính sinh nhật của thánh Gio-an Tẩy Giả là dịp để chúng ta nhắc nhớ lại sứ mệnh của mình: chuẩn bị cho Chúa đến với anh chị em. Chúng ta theo gương của thánh Gio-an, lấy lý tưởng của ngài làm lý tưởng của chúng ta, đó là "Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi." Lý tưởng ấy sẽ được thể hiện, nếu chúng ta biết mặc lấy những tâm tình của Chúa Ki-tô, được biến đổi nên giống Chúa Ki-tô, cho đến khi chúng ta có thể nói được như thánh Phao-lô: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong tôi." A-men.

L.m Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà