CHÚA NHẬT 12 QUANH NĂM, C (20-6-2004)

(Lu-ca 9: 18-24)

 

 

        Câu truyện ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa không giản dị như chúng ta thường nghe.  Nó cần phải được bổ túc bằng giải thích của Chúa Giê-su cho ta biết Đấng Ki-tô ấy là đấng nào và được kết luận với khẳng định rõ ràng những điều kiện phải có để đi theo Người.  Nghĩa là ta không thể tách rời hành vi tuyên xưng Chúa Giê-su với việc tiếp tục sống quan hệ với Người và đi theo Người.  Chính vì thế, Phụng vụ Lời Chúa đã trích dẫn luôn cả việc Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó và nói về điều kiện ta phải có để theo Người.

 

a)  Thế nào là tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô cho đúng nghĩa?

 

        Ông Phê-rô đã thay mặt anh em tông đồ trả lời câu hỏi “anh em bảo Thầy là ai” của Chúa Giê-su:  “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”  Nhưng người ta bỡ ngỡ khi đọc dòng tiếp theo lời tuyên xưng của Phê-rô.  Đó là:  “Nhưng Chúa Giê-su nghiêm giọng truyền cho các ông không được nói điều ấy với ai.”  Tại sao Chúa lại nghiêm giọng và cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai?

        Muốn nói về Đức Ki-tô cho người khác, các tông đồ không những cần phải biết rõ Đấng mình muốn nói đến đích thực là ai, mà còn phải chia sẻ cả những cảm nghiệm đức tin về Đấng ấy.  Do đó lời nghiêm cấm của Chúa Giê-su cho ta hiểu là hiện thời Phê-rô và các bạn tông đồ chưa hội đủ điều kiện để thi hành sứ vụ rao giảng về Chúa Giê-su và sứ vụ cứu thế của Người.  Lời tuyên xưng của Phê-rô còn quá thô sơ, mới chỉ là điều mặc khải ông nhận được do Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.  Đó là bước đầu để từ đó ông lên đường, hành trình sống mối quan hệ giữa ông với Chúa Giê-su.  Tin Mừng Mát-thêu (Mt 18:18-19) nói cho ta biết rõ hơn về hành trình ấy, theo đó Chúa Giê-su sẽ chủ động mời gọi và Phê-rô sẽ phải quảng đại đáp lại.  Ông Phê-rô sẽ trở thành “Tảng Đá” để Chúa xây Hội Thánh trên đó, giữ trọng trách điều hành Hội Thánh.  “Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” là chân lý ông cần phải khám phá dần dần.  Khám phá không phải chỉ bằng trí óc học hỏi tìm tòi, thí dụ qua những điều “người ta nói Con Người là ai?”, nhưng quan trọng là qua chính những giao tiếp cá nhân giữa ông với Chúa, những lắng nghe lời giảng dạy của Người, những chiêm ngưỡng công việc và lối sống của Người, những cảm nghiệm tình thương yêu Người dành cho dân chúng và những người nghèo khổ yếu đau...  Từ những cảm nghiệm ấy, tình yêu ông dành cho Chúa sẽ mỗi ngày một thắm thiết hơn mà đáp lại lệnh truyền của Người:  “Hãy theo Thầy” (x. Ga 21:15-19).

        Câu truyện của Phê-rô dạy ta phải tuyên xưng Chúa Giê-su như thế nào.  Không chỉ là lời tuyên xưng ngoài môi miệng.  Có nhiều người ngoài miệng nói mình tin Chúa, nhưng đấy chỉ là một ý niệm rỗng tuyếch trong đầu họ chứ không phải là một quan hệ tình cảm tự trong trái tim.  Họ giống như loại người Chúa Giê-su gọi là những kẻ kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” (Mt 7:21).  Nhưng tuyên xưng Chúa Giê-su phải là một lý tưởng sống, khởi đầu với chân lý về Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, tiếp tục với hành trình sống mối quan hệ với Người và trung thành theo Người cho đến hết cuộc đời.

 

b)  Đấng Ki-tô của Thiên Chúa

 

        Lý do Chúa Giê-su nghiêm cấm các tông đồ không được nói với ai biết Người là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa không phải vì điều ấy sai, mà là vì các ông hiểu sai điều ấy.  Cũng như đám dân chúng và quan niệm thông thường của tư tưởng sê-mít, các ông vẫn hiểu lầm vai trò của Con Người, hoặc Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.  Vai trò của Đấng Ki-tô không phải là lãnh đạo một vương quốc trần gian, nhưng là vương quốc của Triều Đại Thiên Chúa, là trung tâm của lịch sử cứu rỗi như thư Do-thái 1:1-3 đã diễn tả:  qua Đấng Ki-tô, Thiên Chúa phán dạy nhân loại;  nhờ Đấng Ki-tô, Thiên Chúa tạo dựng nên ta và duy trì cho ta được tồn hữu;  trong Đấng Ki-tô, Thiên Chúa tỏ ra cho ta biết bản thể của Người;  nhờ Đấng Ki-tô, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu rỗi ta;  với Đấng Ki-tô, Thiên Chúa cho ta được dự phần vinh hiển với Người.

        Ba lần tiên báo về cuộc Khổ nạn, Chúa Giê-su muốn các môn đệ Người hiểu rõ tường tận sứ mệnh của Đấng Ki-tô, nhưng lần nào các ông cũng không hiểu, hoặc đúng hơn, các ông không muốn hiểu, vì điều ấy đi ngược với tham vọng trần tục của họ.  Chính vì thế, Chúa Giê-su đã thẳng thắn đưa ra những điều kiện để họ theo Người.  Toàn là những điều kiện khắt khe, nghịch lý.  Mà không nghịch lý sao được, vì theo Chúa thì phải theo lý lẽ của con tim là những lý lẽ trí óc không thể hiểu!

        Con đường thập giá chính là trở ngại khiến ta khó chấp nhận sứ mệnh của Đấng Ki-tô.  Nhưng đó là nền tảng của tất cả kế hoạch cứu rỗi.  Chỉ có con đường trút bỏ vinh quang (Pl 2:7-8) mới đưa Đấng Ki-tô đến địa vị làm Chúa của muôn loài trên trời dưới đất.  Mầu nhiệm Ki-tô được tỏ ra cho ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đưa ta tới sự thật toàn vẹn.

 

c)  Theo Chúa Ki-tô

 

        Sau khi đã giải thích Đấng Ki-tô là ai trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã thẳng thắn mời gọi:  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”  Quả thực là một lời mời gọi lạ lùng, chưa từng thấy ai làm như thế.  Mời gọi người khác theo mình, ta phải cho họ thấy rõ điều lợi, thoải mái, sung sướng, chứ ai lại đòi họ phải chấp nhận “bỏ mình, vác thập giá.”  Theo lô-gích của người đời, không ai dại dột như thế.  Nhưng Chúa Giê-su còn quả quyết thêm:  Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  Người không “mất trí” (Mc 3:21) như người ta tưởng đâu!  Nhưng Người xác tín con đường cứu rỗi Thiên Chúa đã hoạch định là như thế, cho Người cũng như cho tất cả những ai muốn theo Người.

        Cái lẽ “liều mất mạng sống” để “cứu được mạng sống” có thể hiểu như sau.  Khi ta dám bỏ đi chính con người tội lỗi của ta để mặc lấy con người của Chúa Ki-tô là ta sẽ có cuộc sống mới đưa ta đến với Thiên Chúa hằng sống.  Khi ta dám rũ bỏ lối sống theo lô-gích của người đời để sống theo lô-gích của Chúa Giê-su.  Khi ta dám yêu thương kẻ thù thay vì ghét họ.  Khi ta dám lên tiếng bênh vực cho những người bị xã hội loại bỏ...    Có biết bao nhiêu cái “liều” ta phải chấp nhận nếu ta muốn sống giống như Chúa Giê-su.  Liều như vậy sẽ trở thành một thứ thập giá làm cho ta nhiều khi muốn bỏ cuộc.  Nhưng đó cũng là con đường đưa ta tới sự sống đời đời.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi thuộc loại Ki-tô hữu có tên thôi hay đích thực là một người theo Chúa Ki-tô?

        Chúa Ki-tô của tôi là Đấng nào?  Là Đấng để tôi xin xỏ điều này điều kia mỗi khi tôi gặp khốn khó?  Hay là Đấng dạy dỗ, dẫn dắt tôi và nâng đỡ tôi trên nẻo đường hẹp đưa tôi đến với Thiên Chúa?  Tôi đã tiếp tục tuyên xưng Chúa bằng cách kết thân với Người chưa?  Phương thức nào giúp tôi sống thân mật với Chúa mỗi ngày một hơn?

        Khi bảo tôi “hãy từ bỏ chính mình”, Chúa Giê-su muốn tôi từ bỏ những gì?  Tôi có dám làm điều ấy không?  Tại sao?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

        đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

        và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,

        bao lâu tùy ý Cha định liệu.

        Xin đừng để con trở nên chua chát

        nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

        với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng

        có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

        Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha,

        đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

        tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

        Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

        nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,

        lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,

        và lòng mến mà con dành cho Cha.

        Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,

        và yêu Cha chỉ vì Cha, chứ không mong phần thưởng.

        Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

        là ánh sáng cho đêm tăm tối,

        nhờ đó con không còn coi khổ đau

        như một tai họa hay một điều vô lý,

        nhưng như một dấu chỉ cho thấy

        con đang thuộc về Cha mãi mãi.  A-men.

                                - Cha Karl Rahner

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 63)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà