CHÚA NHẬT 14 QUANH NĂM

(Lu-ca 10: 1-12. 17-20)

 

        Trong việc đào tạo môn đệ, Chúa Giê-su đi từng bước một.  Trước hết Người cho họ hiểu rõ họ là môn đệ của Đấng nào và sẽ tham dự vào sứ mệnh nào.  Điều này đã được quảng diễn trong bài Tin Mừng của hai Chúa Nhật trước.  Hôm nay trong huấn dụ, Chúa Giê-su đi vào những chi tiết tác phong cốt yếu của người môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.  Huấn dụ này dài hơn và chi tiết hơn so với huấn dụ Chúa ban cho nhóm Mười Hai tông đồ (9:3-5).  Sự khác biệt này nói lên chủ ý của thánh Lu-ca muốn hiểu rằng:  việc sai nhóm Mười Hai đi rao giảng chỉ là khởi đầu sứ mệnh tại vùng đất Pha-lét-tin, nhưng sứ mệnh ấy phải được tiếp nối do các môn đệ Chúa ở mọi thời và nhất là cho các miền người ta chưa được đón nghe Tin Mừng cứu rỗi.  Như vậy, tác phong của người môn đệ đương thời với Chúa Giê-su cũng phải là tác phong của người môn đệ hôm nay, tuy hoàn cảnh xã hội có thay đổi nhưng đường lối hành xử thì vẫn nguyên như thế.

 

a)  Được chỉ định và được sai đi

 

        Thánh Lu-ca viết:  “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông đi trước...”  Vai trò chủ động của Chúa Giê-su nổi bật.  Khi nhận Chúa làm Thầy, người môn đệ đặt mình dưới sự điều động của Người.  Thánh Gio-an cho ta thấy rõ hơn ý tưởng đó qua lời Chúa phán trong cuộc đàm thoại với các tông đồ.  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi” (Ga 15:16).  Chỉ định hoặc cắt cử là công việc của một người biết rõ khả năng và hoàn cảnh của những người mình sẽ ủy thác cho một sứ mệnh để thi hành.  Khi Chúa “chỉ định” và “sai” ta đi, Người biết ta có thể thực thi được sứ mệnh theo tài năng và hoàn cảnh của ta.  Người không đòi hỏi quá sức ta.  Kể cho ta nghe dụ ngôn “Những nén bạc”, Chúa Giê-su nói:  “Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng riêng mỗi người” (Mt 25:15).  Nghĩa là không ai là không có phần, không ai ở ngoài sự chỉ định và cắt cử của Chúa.  Được gọi làm môn đệ là ơn phổ quát Chúa ban cho mọi người không trừ ai, cả đến những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14:21) cũng được mời gọi.  Vì thế ta không còn lý do nào để nại rằng mình không có đủ điều kiện để được Chúa chỉ định và sai đi.

        Lý do Chúa chỉ định và sai mọi người đi là vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.”  Thực tại thiếu thợ gặt đã trở thành lý do căn bản tại sao ta phải trở nên môn đệ Chúa.  Nói khác đi, vì không bao giờ đủ thợ gặt cho nên Chúa vẫn cần tất cả mọi người tiếp tay vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Trên cánh đồng truyền giáo kia, luôn luôn có những người đang sẵn sàng đến với Chúa nếu có ai dẫn dắt họ.  Một lời nói, cử chỉ phản ảnh tinh thần của Chúa Giê-su, một tia lửa của bác ái ki-tô, một khích lệ nâng đỡ dành cho người đang gặp nỗi khó khăn...  đều có thể đóng góp vào công việc gặt lúa.  Chúa chỉ định và sai ta đi vào chính môi trường sống của ta để sống như người môn đệ Chúa.  Ta không có lý do nào thoái thác.

 

b)  Tác phong của người môn đệ Chúa

 

        Thoạt mới đọc những lời huấn dụ của Chúa, ta có cảm tưởng như Người muốn các môn đệ có một lối sống không được “bình thường” như mọi người.  Nếu hiểu sứ vụ của môn đệ là “đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”, giống như một cuộc hành trình mà lại không có những chuẩn bị thích hợp thì làm sao có thể thực hiện nổi sứ vụ ấy?  Tiền, giày dép, bao bị là hành trang cần thiết.  Chào hỏi là cử chỉ thân thiện nên làm.  Vậy mà Chúa lại bảo đừng làm.  Tại sao thế?  Là vì Chúa muốn ta hoàn toàn chú tâm vào mục đích của sứ vụ.  Bất cứ gì có thể lôi cuốn ta đi trật mục đích đều phải canh chừng hoặc phải loại bỏ.  Mà những cái có thể ấy chính là tiền, giày dép, bao bị, những thứ chỉ là phương tiện nhưng lại có thể biến thành mục đích.  Cả đến việc chào hỏi cũng vậy.  Dĩ nhiên ta hiểu việc chào hỏi đây không chỉ là nói vài ba câu đủ để biểu lộ mối tương giao, nhưng là la cà dài dòng hoặc đi sâu vào những quan hệ tình cảm có thể làm đình trệ việc rao giảng Tin Mừng.

        Tác phong của người môn đệ tại một môi trường nhỏ bé như trong gia đình hoặc rộng lớn như ngoài thành phố cũng có những điểm khác nhau, phải tùy nghi mà ứng xử.  Nhưng ở nơi nào thì người môn đệ cũng phải giúp cho Tin Mừng nảy sinh những hoa trái thiết thực.  Bình an của Đức Ki-tô (Ga 14:27) sẽ là quà tặng mà người môn đệ có bổn phận mang đến cho những gia đình có những người biết mở lòng đón nhận ân sủng được làm con cái Chúa.  Cách rao giảng tốt nhất tại gia đình là đem lại bình an.  Còn cách rao giảng tại những nơi rộng lớn hơn, đó là loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần và chữa những người đau yếu.  Có lẽ không có phương thức nào cho người khác thấy Triều Đại Thiên Chúa đến gần cho bằng giúp người khác nhận thấy Triều Đại ấy đang đến ngay trong tâm hồn ta, qua lối sống ki-tô của ta, qua lòng thương yêu Chúa Giê-su đã dạy ta phải có đối với tha nhân.  Ta có thể chữa những người đau yếu ít là về phương diện tinh thần.  Người môn đệ phải là dụng cụ để tình yêu chữa lành của Chúa Giê-su tiếp tục tác động trong thế giới bệnh tật hôm nay.

        Có một điểm đặc biệt Chúa Giê-su nhắn nhủ các môn đệ Người, đó là phải đối phó thế nào trong trường hợp không được tiếp đón.  Chính Chúa Giê-su đã dạy ta bằng kinh nghiệm sống của Người.  Khi Người đi ngang qua một làng miền Sa-ma-ri, dân chúng không muốn cho Người vào.  Người đã bỏ nơi đó, không chút cay đắng và tiếp tục đi nơi khác để rao giảng Tin Mừng (Lc 9:51-56).  Tiếp tục sứ vụ là điều quan trọng hơn.  Do đó, trong huấn dụ hôm nay Chúa bảo:  “Người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘... Triều đại Thiên Chúa đã đến gần’.” 

 

c)  Coi chừng nguy hiểm nằm ngay trong lòng ta

 

        Chúa Giê-su đã đề cập tới những khó khăn bên ngoài mà người môn đệ phải đối phó.  Nhưng chính những khó khăn nội tâm cũng không phải là nhỏ, chúng càng trở nên nguy hiểm khi người môn đệ có vẻ thành công trong sứ vụ của mình.

        Sau khi được sai đi thực tập việc tông đồ, các môn đệ trở về hớn hở.  Không vui sao được khi thấy mình đã thực hiện được những việc lớn lao:  nhân danh Chúa Giê-su, họ đã chữa bệnh, xua trừ ma quỷ...  Mừng cho họ, nhưng Chúa Giê-su cũng nhắc nhở họ:  “Chớ mừng vì ma quỷ phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”  Hoặc nói một cách dễ hiểu:  Anh em hãy thi hành sứ vụ để làm sáng danh Cha trên trời, chứ đừng để làm sáng danh anh em!  Cám dỗ rất quen thuộc cho những người làm công việc của Chúa trong Giáo Hội là người ta cứ cho là chính mình đã làm được những việc này việc nọ.  Ta có thể nghe một linh mục nói:  Tôi đã xây nhà thờ này, đã lập hội đoàn kia...  Hoặc nghe một ông chủ tịch hội đồng mục vụ kể lể thành tích những năm ông làm việc.  Nhiều khi Chúa cũng mất luôn cả chỗ đứng nữa!  Nếu ta cứ tiếp tục mừng vì được làm môn đệ Chúa thì sẽ tránh được những buồn phiền vì “thất bại” vì biết rằng người gieo người gặt, nhưng chính Chúa mới là Đấng làm cho lớn lên (Rm 3:6-7).  Vênh vang tự đắc là nguy hiểm nằm ngay trong lòng mỗi người môn đệ của Chúa.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Để thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Chúa đã chỉ định tôi qua bí tích Rửa tội và Thêm sức.  Vậy Người sai tôi đi đâu để thi hành sứ mệnh ấy?  Tôi đã thi hành thế nào?

        Những gì cản trở tự do nội tâm của tôi để tôi không làm chứng nhân của Chúa?  Tôi đã làm cho người ta không thấy được Triều Đại Thiên Chúa qua lối sống nào của tôi?  Phải thay đổi thế nào?

        Khi phục vụ anh chị em trong cộng đoàn hay giáo xứ, tôi đã có thái độ nào khi thành công?  khi thất bại?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

        xin dạy con biết sống quảng đại,

        biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

        biết cho đi mà không tính toán,

        biết chiến đấu không ngại thương tích,

        biết làm việc không tìm an nghỉ,

        biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

        ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa.  A-men.”

                                - Thánh I-nha-xi-ô Loyola

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 43)

 

Đaminh Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà