CHÚA NHẬT 22 QUANH NĂM, C (2004)

(Lu-ca 14: 1.7-14)

 

        Bài Tin Mừng Chúa Nhật trước nói với chúng ta về số phận của những người Do-thái không nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và không đón lấy Tin Mừng Người rao giảng như cửa hẹp đưa đến phần rỗi đời đời.  Họ đóng tâm hồn lại trước lời mời gọi căn bản của Tin Mừng:  “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”  Một trong những lý do của thái độ tiêu cực ấy chính là lòng kiêu căng tự phụ, cậy vào gốc gác là dân tuyển chọn của Thiên Chúa và con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp mà khinh miệt những dân tộc khác.  Chính Chúa Giê-su đã cảnh cáo họ:  “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, còn họ lại bị đuổi ra ngoài” (Lc 13:29,28b).  Lời cảnh cáo ấy được lập lại trong câu truyện Tin Mừng hôm nay và trong khung cảnh bữa tiệc do một thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu khoản đãi Chúa.  Tuy nhiên lời cảnh cáo được trình bày khéo léo qua một dụ ngôn, nhấn mạnh đến thái độ cốt yếu để đón nhận Nước Thiên Chúa, đó là người ta phải có lòng khiêm nhường đích thực.

 

a)  Từ bữa tiệc trần gian đến bữa tiệc Nước Trời   

 

        Chúa Giê-su thường được mời dự tiệc, do bạn hữu Người như tại nhà chị em ông La-da-rô hay tại tiệc cưới Ca-na, có khi do cả những người vẫn bị coi là kẻ thù của Người nữa như ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu trong trình thuật hôm nay.  Tiệc cưới đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong lời giảng của Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su dùng hình ảnh tiệc cưới như một dụ ngôn để trình bày một bữa tiệc thiêng liêng, tức là việc Thiên Chúa khai mở thời đại cứu chuộc, bắt đầu bằng việc nhập thể của Con Một Người (Mt 22:1-14).  Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, không riêng gì dân Ít-ra-en.  Đặc tính phổ quát của ơn cứu chuộc đã được ám chỉ ngay từ đầu khi thiên sứ cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa tại Bê-lem:  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).

        Đến với nhân loại, Chúa Giê-su đã trở nên “bánh hằng sống từ trời xuống, để ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:51).  Trong bữa tiệc Nước Trời, Chúa Giê-su đã cống hiến cho ta cao lương mỹ vị là chính Lời của Người.  Nếu lương thực của Chúa Giê-su là thi hành ý và lời của Chúa Cha (Ga 4:34), thì lương thực của ta trong bữa tiệc Nước Trời cũng sẽ là thực hành những lời dạy của Chúa Giê-su.  Mời gọi ta lắng nghe và sống lời Người là điều Chúa lập đi lập lại nhiều lần.  Người còn dùng hình ảnh thực tế như xây nhà để ví với việc lắng nghe và sống lời Người.  Ai nghe và thực hành những điều Người dạy thì giống như người khôn xây nhà trên nền bằng đá, còn ai nghe mà không đem thực hành thì như người ngu xây nhà trên nền cát.

        Để dự tiệc hoặc để tiếp nhận Lời của Chúa Giê-su, ta không thể có thái độ tự mãn tự tôn.  Đó chính là điều nhiều người Do-thái thời Chúa Giê-su đã làm.  Họ tự tôn là họ có Lề Luật, có ông Mô-sê, đến độ không muốn tiếp nhận Lời Thiên Chúa nhập thể và Chúa Giê-su là Mô-sê Mới.  Bởi vậy, Chúa Giê-su mới nói dụ ngôn dự tiệc để nhấn mạnh chân lý mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en:  “Cái thấp được nâng cao, cái cao bị hạ thấp” (Ed 21:31).  Mục đích của dụ ngôn không phải để dạy ta mánh mung kiếm lấy vinh dự, nhưng chỉ để ta hiểu khiêm nhường là thái độ phải có để tiếp nhận giáo lý của Chúa Giê-su.

 

b)  Mở lòng đón nhận Nước Trời với lòng khiêm nhường

 

        Khi ta cho mình là nhất và quan trọng thì mọi người khác và mọi sự khác sẽ là thứ yếu.  Khi trong ta chứa đầy cái tôi thì ta không thể đón nhận những gì của người khác.  Do đó, khi đề cập tới mức độ tiếp nhận Nước Trời, Chúa Giê-su đã gọi một em nhỏ tới, đặt em giữa các môn đệ và nói:  “Thầy bảo thật anh em:  nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.  Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:3-4).  Trẻ em trong lòng không có gì cả nên dễ dàng tiếp nhận những gì người lớn dạy bảo.  Ở nhà trẻ em coi mẹ là trên hết.  Đến trường thì cô giáo là tất cả.  Mọi sự điều gì cũng là mẹ bảo thế, cô giáo nói như vậy.  Khiêm nhường của trẻ em thật là đáng yêu biết mấy.

        Chúa Giê-su biết ta khó mà tập sống khiêm nhường như vậy.  Cho nên Người nói với ta là những người coi mình trưởng thành và không cần nghe ai:  Anh em phải trở lại mà nên như trẻ em.  Cuộc hoán cải hoặc trở lại ấy đòi ta hằng ngày phải từ bỏ bản thân, lối suy nghĩ, cách xử thế theo người đời... để hoàn toàn chấp nhận những giá trị của Tin Mừng.  Trong lòng ta càng rỗng bao nhiêu thì ta càng chứa đựng Chúa và Lời của Người bấy nhiêu.  Càng đề cao thế giá của Lời Chúa thì ta càng dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi của Lời ấy và để cho Lời ấy biến đổi con người mình.  Cá không ăn muối cá ươn.  Nếu ta không để cho Lời Chúa ướp mặn con người mình, những ô nhiễm của trần gian sẽ làm cho ta chóng ra hư thối.  Khiêm nhường là để cho thanh gươm hai lưỡi của Lời Chúa cắt tỉa, giúp ta nhìn thấy cả hai thực tại, thực tại Chúa là Đấng nào và thực tại ta là ai.

        Cuộc hoán cải trở nên như trẻ em cần phải được thực hiện tới mức độ đòi hỏi ta phải trả giá đắt.  Nếu đọc tiếp Tin Mừng thánh Lu-ca cho tới gần cuối chương 14, ta sẽ thấy Chúa Giê-su nói với những kẻ “cùng đi đường” với Người:  “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26).  Có lẽ thánh Lu-ca cho ta một viễn tượng đẹp đẽ về Nước Trời gồm những môn đệ tương lai của Chúa ở khắp nơi và mọi thời, đang cố gắng lắng nghe và sống Lời Chúa, để sau khi trở nên muối họ sẽ ướp trần gian này cho mặn lại.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.  Đó có phải là mệnh lệnh quan trọng nhất đối với tôi không?  Tại sao tôi vẫn phải tiếp tục hối cải (quay lưng lại tội lỗi và hướng mặt về Chúa) và đón nhận Tin Mừng?  Đây có phải là hai động tác của cùng một hành động không?  Tôi đã thực hiện điều này thế nào trong cuộc sống?

        Những trở ngại nào đặc biệt làm cho tôi khó lắng nghe và sống Tin Mừng?

        Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, tôi có ý thức tầm quan trọng của bàn tiệc Lời Chúa cũng giống như bàn tiệc Thánh Thể không?  Tôi phải làm gì để chú ý nghe đọc Lời Chúa?  Mỗi tuần, tôi phải làm gì để rút ra một bài học thực hành từ Lời Chúa trong Thánh lễ?

 

Cầu nguyện

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        sống cho Chúa thật là điều khó.

        Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

        Chúa đòi con cho Chúa tất cả

        để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

        Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

        để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

        Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

        để cây đời con sinh thêm hoa trái.

        Chúa cương quyết chinh phục con

        cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

        Xin cho con dám ra khỏi mình,

        ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan,

        để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

        dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

        Ước gì con cảm nghiệm được rằng

        trước khi con tập sống cho Chúa

        và thuộc về Chúa,

        thì Chúa đã sống cho con

        và thuộc về con từ lâu.  A-men.”

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 30)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà