Chúa Nhật 27 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê 1: 6-8, 13-14

        Hoàn cảnh và sắc thái thư thứ hai Ti-mô-thê hoàn toàn khác với thư thứ nhất. Khi viết thư này, thánh Phao-lô đang ở trong tù và phải đối phó với viễn tượng cái chết gần kề. Bản thân đã chịu đau khổ vì Tin Mừng, ngài khích lệ Ti-mô-thê cũng hãy sống như vậy. Do đó, thư thứ hai coi như là một chúc thư để lại cho người cộng sự trung thành là Ti-mô-thê, nhắc nhở ông về những gì ngài đã dạy và nhắc nhở ông hãy theo gương mình. Thư gồm có hai khuyến dụ và một trao phó trách nhiệm. Có thể tóm tắt ý chính của hai khuyến dụ và một trách nhiệm như sau:

- 2 Tm 1:6-2:13. Khuyến dụ thứ nhất của thánh Phao-lô là Ti-mô-thê hãy chia sẻ với ngài những khổ cực vì Tin Mừng (1:8; 2:3), điều mà ngài đang phải chịu đau khổ như "một tên gian phi" (2:9).

- 2 Tm 2:14-3:9. Phao-lô khuyến dụ Ti-mô-thê hãy đứng vững để đương đầu với đạo lý giả dối đã bắt đầu xuất hiện.

- 2 Tm 3:10-4:8. Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê về những đau khổ ngài đã chịu vì Tin Mừng và khuyên ông hãy vững lòng vì Tin Mừng. Phao-lô biết giờ chết của ngài đến gần. Vậy điều quan trọng nhất, đó là Ti-mô-thê hãy theo gương ngài.

Vậy bài đọc Chúa Nhật hôm nay nằm trong phần khuyến dụ thứ nhất, ngay sau lời mở đầu và tạ ơn Chúa vì lòng tin nơi bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê vẫn sống động chính nơi Ti-mô-thê. Phao-lô đang bị cầm tù tại Rô-ma (1:17) vì Tin Mừng (1:8). Hầu như mọi người đã bỏ rơi ngài (1:15; 4:16) và giờ đây ngài đang chịu cảnh xiềng xích giống như một tên tội phạm (2:9). Sợ Ti-mô-thê có thể nản lòng nên Phao-lô khuyên ông "phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa" (1:6), tức là luôn nhớ đến ơn Chúa ông đã lãnh nhận khi Phao-lô đặt tay truyền chức giám mục cho ông.

Khi đặt tay truyền chức cho ông, Phao-lô truyền dạy ông hãy phục vụ Tin Mừng và ngài trao phó cho ông kho tàng giáo lý cần thiết cho sự cứu rỗi, giáo lý đang bị tấn công do những tên thầy dạy giả dối. Hình như Phao-lô chỉ nơm nớp lo sợ Ti-mô-thê sẽ bỏ ngài và bỏ Tin Mừng, rồi sẽ đưa ông tới tình trạng tủi hổ. Do đó ngài khuyên Ti-mô-thê "hãy đồng lao cộng khổ" với ngài để loan báo Tin Mừng (1:8; 2:3). Phao-lô đã chịu đau khổ vì Tin Mừng thế nào, Ti-mô-thê cũng phải chuẩn bị để chịu cùng số phận như vậy.

Hơi đáng tiếc là Phụng vụ Lời Chúa bỏ đi câu 9-12 nói về ý niệm Tin Mừng là gì. Đó là kế hoạch cứu độ và ân sủng Thiên Chúa tỏ ra cho loài người và thực hiện qua Đức Ki-tô, một kế hoạch đã được sắp đặt từ thuở đời đời (1:9). Có lẽ chủ đề này đã được nói đến trực tiếp trong Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 25 và gián tiếp trong Chúa Nhật 26, nên được bỏ qua trong Chúa Nhật hôm nay.

Nếu Ti-mô-thê còn cảm thấy nghi ngờ không biết phải sống thế nào, thì tốt nhất ông cần phải "lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh" (1:13) ông đã lãnh nhận từ thánh Phao-lô. Những lời lành mạnh này chính là giáo lý tốt đẹp Ti-mô-thê phải giữ gìn và "trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác" (2:2).

Những ưu tư lo lắng của thánh Phao-lô về Ti-mô-thê, vị giám mục trẻ trung tại Ê-phê-xô, không hoàn toàn vì cá nhân Ti-mô-thê, mà nhất là vì hoàn cảnh của giáo hội Ti-mô-thê chăm sóc. Lúc ấy, trở thành Ki-tô hữu trong khung cảnh một thành phố ngoại giáo, thêm vào đó lại có những nhóm Do-thái chống đối, bách hại... không phải là việc dễ dàng đối với anh chị em tân tòng. Trách nhiệm của vị giám mục trẻ trong hoàn cảnh khó khăn ấy cần phải có những lời khích lệ, hướng dẫn của những bậc thầy như Phao-lô. Noi gương Phao-lô, hai môn đệ Ti-mô-thê và Ti-tô đã anh dũng chiến đấu bảo vệ đức tin và giữ gìn đoàn chiên được trao phó. Sống đức tin Ki-tô trong hoàn cảnh thế giới thế kỷ 21 tuy không đến nỗi nguy hiểm như thế kỷ I, nhưng cũng khó khăn không kém. Ki-tô hữu chân chính hôm nay phải đối phó với những chống đối âm thầm nhưng vô cùng tai hại, núp bóng dưới những chiêu bài ru ngủ lương tâm con người... Hơn lúc nào hết, người Ki-tô hữu hôm nay cần phải "khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa" nơi họ, luôn ý thức hồng ân được làm con cái Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Chịu đau khổ và thiệt thòi vì Tin Mừng không phải là điều chỉ dành cho những người có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, mà là điều mọi Ki-tô hữu đều phải chịu. Tôi có thể chia sẻ với nhóm một vài cảm nghiệm chịu đau khổ vì Tin Mừng không?

        Thánh Phao-lô chia sẻ những khó khăn và đau khổ ngài chịu vì rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là nhiều người trước kia đã theo ngài nay bỏ rơi ngài. Điều này nếu áp dụng vào hoàn cảnh của tôi, tôi có gặp khó khăn nào, đau khổ nào do chính những người gia đình hoặc bạn bè mình gây nên, chỉ vì tôi cố gắng sống Tin Mừng của Chúa Ki-tô không? Tôi phải làm gì?

        "Anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy." Tôi có lấy Lời Chúa làm khuôn vàng thước ngọc cho cuộc sống mình không? Hay tôi lại "hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa"?

        Những tâm tình chân thành và đầy yêu thương của thánh Phao-lô dành cho Ti-mô-thê dạy tôi những bài học gì? Về chính ngài? Về bổn phận của tôi?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Lắng nghe tiếng Chúa", Ca nguyện Linh Thao, tr. 171.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà