Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên

 (14-11-2004)

Tình trạng suy thoái trong các tôn giáo

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Ml 3,19-20a: (19) Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng - Đức Chúa các đạo binh phán - không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào.

·   2 Tx 3,7-12: (8) Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em.

 

·   TIN MỪNG: Lc 21,5-19

Bài giảng về sự sụp đổ của thành Giêrusalem

 (5) Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: (6) «Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào». (7) Họ hỏi Người: «Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?»

 Những điềm báo trước

 (8) Đức Giêsu đáp: «Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu». (10) Rồi Người nói tiếp: «Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

 (12) «Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Có vật nào trên thế gian có ngày sinh ra mà không có ngày biến mất không? Thế giới này có ra khỏi định luật đó không? Các tôn giáo thì sao?

2.   Các tôn giáo bị suy thoái, đánh mất tinh thần và sức sống ban đầu là do nguyên nhân nào? Ai chịu trách nhiệm?

3.   Quá coi trọng phương tiện mà quên đi mục đích sẽ dẫn đến hậu quả gì? Những phương tiện tối cần để đạt mục đích có thể làm hại chính mục đích ấy không? Tại sao?

 

Suy tư gợi ý:

1.   Định luật «thành, trụ, hoại, không» trong vũ trụ

Mọi vật trong thế giới hiện tượng này đều phải tuân theo định luật «thành, trụ, hoại, không», nghĩa là mọi vật đều được sinh ra và tồn tại, nhưng trong khi tồn tại thì lại bị hư hoại dần, rồi tới một lúc nào đó thì biến mất khỏi vũ trụ. Mọi công trình, mọi đoàn thể, mọi quốc gia, mọi tôn giáo, mọi thiên thể, mọi thế giới, hễ đã có lúc khởi đầu sinh ra thì cũng có lúc bị thoái hóa rồi biến mất. Đó là định luật bất di bất dịch cho thế giới hiện tượng. Chỉ những gì thuộc thế giới siêu hình và vĩnh cửu mới thoát khỏi định luật ấy.

2.   Các tôn giáo cũng bị suy thoái và có ngày suy tàn

Tôn giáo cũng có lúc suy tàn theo định luật trên. Cụ thể nhất là Do Thái giáo, một tôn giáo được chính Thiên Chúa thiết lập mà người Do Thái xưa tưởng rằng sẽ tồn tại vĩnh cửu và lan tràn khắp thế giới. Tôn giáo này đã có lúc suy thái chỉ còn là hình thức bên ngoài, nên đã được thay thế bằng Kitô giáo. Sự suy tàn của các tôn giáo thường được báo hiệu bằng sự suy đồi về tinh thần. Nghĩa là các tín hữu của tôn giáo không còn nắm được tinh thần hay cốt tủy của tôn giáo mình nữa, mà chỉ nắm được phần hình thức hay cái vỏ bên ngoài của tôn giáo. Thánh Phaolô đã báo trước điều đó trong thư gửi cho Timôthê: «Anh hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ» (2Tm 3,1.5). Chính Đức Giêsu cũng đã từng bi quan về thời suy tàn ấy: «Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?» (Lc 18,8b). Vì người mang danh có đức tin thì vô số, nhưng người thật sự tin – nghĩa là thể hiện đức tin thành cuộc sống – thì chẳng bao nhiêu.

3.   Một nguyên nhân suy thoái của tôn giáo: các ngôn sứ giả

Sự suy đồi hay biến chất này thường là do các ngôn sứ giả trong mọi thời đại tạo nên. Các ngôn sứ giả này không phải là ít, thánh Gioan cho biết: «Ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian» (1Ga 4,1). Các ngôn sứ giả của mọi thời đại đều có những đặc tính tương tự như các ngôn sứ giả thời của Đức Giêsu.  Ngài mô tả họ là hạng người «nói mà không làm» (Mt 23,3), là «những kẻ dẫn đường mù quáng» (Mt 23,16.24). Vì họ thường quan trọng hóa những điều phụ thuộc và bỏ qua những điều chính yếu, rồi dạy người khác như vậy: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình nhân ái và lòng chân thành» (Mt 23,23; x. 23,16-22). Họ thường chú trọng những hình thức bên ngoài, mà coi thường tinh thần ở bên trong: «Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ» (Mt 23,15). Họ vinh danh ca tụng các ngôn sứ thời xa xưa, nhưng lại ra tay bách hại và giết chết những ngôn sứ đồng thời với mình (x. Mt 23,29-31). V.v…

Những ngôn sứ giả này «lừa gạt được nhiều người» (Mt 24,11), «lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn» (Mt 24,24), bề ngoài «họ đội lốt chiên» nhưng «bên trong, họ là sói dữ tham mồi» (Mt 7,15). Để nhận diện họ, Đức Giêsu cho ta một tiêu chuẩn: «Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai» (Mt 7,16.20), nghĩa là căn cứ vào những việc họ làm, cách họ đối xử với nhau hoặc với người khác, thì biết họ là hay không là người của Thiên Chúa. Vì «cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.  Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18). Đức Giêsu còn cho ta một tiêu chuẩn chắc chắn khác để biết ai là môn đệ đích thực của Ngài, là người của Thiên Chúa: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35). Như vậy, người không có tình thương, đối xử với tha nhân thiếu tình nghĩa, thì đó là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy họ không phải là ngôn sứ hay tông đồ đích thực.

4.   Cảnh báo của Đức Giêsu: coi chừng bị lừa gạt

Đức Giêsu cảnh báo: «Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ» (Lc 21,8). Vào thời cuối cùng, sẽ có nhiều kẻ lường gạt, họ tự xưng là người của Chúa, đến từ Thiên Chúa, thậm chí có thể «làm những dấu lạ và những việc phi thường» (Mt 24,24b). Mục đích của họ, vô tình hay hữu ý, là làm người ta xa Chúa, xa chân lý, xa lìa tinh thần của Thiên Chúa. Phương cách của họ, như đã nói ở trên, là cứ quan trọng hóa những điều phụ thuộc – vốn cũng rất tốt – để người ta quên đi hoặc không biết đến những điều chính yếu, cứ nhấn mạnh đến những phương tiện để làm người ta quên đi mục đích. Chẳng hạn, tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là tinh thần quan trọng nhất, là cốt tủy của đạo Chúa, còn việc cầu nguyện, việc cử hành các nghi thức, v.v… là những phương tiện cần thiết để có thể sống yêu thương. Nhưng nhiều người chỉ nhấn mạnh đến những phương tiện đó, làm như đó là điều cốt tủy của đạo Chúa, khiến người ta quên mất hoặc coi nhẹ việc sống yêu thương. Nếu sử dụng phương tiện mà không biết hoặc không nhắm đạt đến mục đích, thì phương tiện ấy có ích lợi gì? Muốn viết một bài thì phải dùng cây viết, không có cây viết thì không viết bài được. Nhưng nếu cứ mải lo tìm cho thật nhiều cây viết, mà quên đi việc viết hay chẳng chịu viết gì cả, thì những cây viết ấy – dù nhiều hay quý giá đến đâu – nào có ích lợi gì?

Cốt tủy của đạo Chúa nằm ở chỗ yêu thương nhau, chứ không nằm ở chỗ cầu nguyện, các bí tích, các nghi thức, mặc dù những thứ này rất cần thiết để thực hiện được cái cốt tủy kia. Nhưng khi quá chú trọng đến những phương tiện đó, thì chúng sẽ trở thành nguyên nhân làm người ta quên đi mục đích chính yếu kia. Như thế, phương tiện thay vì dẫn đến mục đích thì lại làm người ta lạc hướng. Đức Giêsu không nói: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em cầu nguyện nhiều, cử hành hay lãnh nhận bí tích cho nhiều, v.v…» mà nói: «... là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35). Ngày phán xét, Thiên Chúa không xét xem ta có cầu nguyện hay lãnh nhận bí tích thế nào, mà chỉ xét xem ta yêu thương tha nhân thế nào (x. Mt 25,31tt; xem thêm 5,23-24: «Hãy để của lễ lại… đi làm hòa trước đã…»). Điều này cho thấy cốt tủy của Kitô giáo, của người tông đồ Chúa không phải là cầu nguyện hay thực hiện các bí tích cho bằng sống yêu thương. Coi cầu nguyện hay các bí tích quan trọng hơn cả tinh thần yêu thương là phản Kitô giáo.

Đạo Chúa bị biến chất và cuối cùng không phát triển được cũng vì có nhiều người đã hướng dẫn tâm linh không đúng với chiều hướng của Đức Giêsu, khiến cho đạo Chúa ở nhiều nơi chỉ còn là hình thức, là cái vỏ bên ngoài. Chính họ góp phần làm cho đạo Chúa bị suy tàn.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã báo trước sự suy tàn của thế giới trong bài Tin Mừng trên, và sự suy thoái nơi đạo của Ngài trong câu: «Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?» (Lc 18,8b). Thánh Phaolô cũng cho biết: «Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Hình thức của đạo thánh thì người ta còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ» (2Tm 3,1.5). Xin Cha giúp con và mọi Kitô hữu hiểu được cái chính yếu của đạo thánh Cha là gì, để con không chỉ giữ những hình thức bên ngoài, mà còn có được cả cái cốt yếu bên trong nữa. Xin đừng để đạo của Cha bị suy thoái nơi bản thân con. 

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà