CHÚA NHẬT 6 QUANH NĂM

(Lu-ca 6: 17, 20-26)

 

        Sau những giới thiệu vào đề về con người và sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su cũng như đề cập đến những chuẩn bị cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng của Người (thí dụ, lấy Ca-phác-na-um làm địa điểm khởi hành, trình bày hoàn cảnh nhân loại cần được nghe giảng dạy và được chữa lành, tuyển chọn môn đệ để huấn luyện...), bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa mời ta theo bước Chúa Giê-su để lắng nghe Người giảng dạy, chiêm ngưỡng những việc Người làm và nhất là thiết lập mối tương quan mật thiết với Người, nói khác đi, là tập làm môn đệ Người.

        Trong sách Tin Mừng Mát-thêu (5:1-12), bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su thường được gọi là Bài giảng trên núi, hoặc Các mối phúc thật, vì khung cảnh của bài giảng là trên núi, có các môn đệ bên cạnh và các câu mở đầu là “Phúc thay ai...”  Còn bài giảng khai mạc được thánh Lu-ca ghi lại thì mang sắc thái khác.  Chúa Giê-su không giảng từ trên núi, nhưng ở đất bằng.  Chúa không nói như ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en từ trên cao, nhưng Người nói với toàn thể nhân loại ngay tại môi trường xã hội của họ.  Người nói trực tiếp với mỗi người qua mỗi lời mở đầu “Phúc cho anh em...”  Người nói với những kẻ không muốn làm môn đệ Người qua mỗi lời mở đầu “Khốn cho các ngươi...”  Phân biệt những mối phúc với những mối họa, thánh Lu-ca muốn trình bày điều gì qua sứ điệp Tin Mừng của Chúa?

 

a)  Mẫu người Ki-tô hữu thập toàn

 

        Trước hết ta hãy nhìn tư thái của Chúa Giê-su khi Người giảng bài giảng này.  Thánh Lu-ca viết:  “Chúa Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói...”  Qua phong cách ấy, Chúa Giê-su muốn đề cập thẳng tới những vấn đề của môn đệ Người.  Trước mắt Người, ta quả thực là những người có phúc.  Những lời “Phúc cho anh em” là những điều Chúa Giê-su chúc lành cho ta.  Nó gợi lại cho ta quá khứ, nhắc nhở ta rằng được Chúa gọi làm con cái Người, làm Ki-tô hữu, đó là một mối phúc ngoài cả sự mong ước của ta.  Nó nói với ta về hiện tại, hiện tại của chính cuộc sống ta và hiện tại của hoàn cảnh xã hội ta đang sống.  Nhưng nó cũng ngầm nói với ta về tương lai, mời gọi ta tiến đi từ tình trạng bất toàn để đạt tới những chiều kích sung mãn của Đức Ki-tô.  Tất cả những gì đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su là Mối Phúc nguyên thủy thì cũng cần được thể hiện nơi các môn đệ Người.  Hoặc ta có thể nhìn những mối phúc theo hai chiều:  nếu nhìn từ Chúa Giê-su, các mối phúc là những đường nét thập toàn trở nên gương mẫu sống động cho ta noi theo mà sống;  nếu nhìn từ phía ta, các mối phúc phải là những biểu lộ của những khía cạnh khác nhau thuộc con người Đức Ki-tô, được phản ảnh qua những cách cư xử và lối sống của ta.  Chúa Giê-su cho ta thấy các mối phúc qua kinh nghiệm bản thân của Người. 

-  Chúa Giê-su nghèo khó.  Trước hết, không giống như bài giảng trong Mát-thêu, ở đây Chúa nói đến nghèo khó cả phương diện tinh thần lẫn vật chất.  Bản thân Người đã có kinh nghiệm về nghèo khó.  Người sinh ra trong cảnh nghèo hèn, lớn lên trong lao động vất vả và khi chết cũng không mảnh vải che thân.  Khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su rất quan tâm đến người nghèo khổ.  Đám dân nghèo theo Người để nghe giảng được ăn uống no nê.  Bà góa bỏ hai xu vào thùng tiền Đền Thờ không qua khỏi con mắt quan sát của Chúa và Người đã xác nhận bà cúng tiền vào Đền Thờ nhiều hơn ai hết.  Người nghèo khó đối với Chúa Giê-su không phải chỉ là những người nghèo tiền bạc, nhưng còn là những người bé mọn, những người khiêm nhường.  Có bé mọn và khiêm nhường, người ta mới dễ dàng đón nhận những ơn lành của Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã ngầm ca tụng những người nghèo khó như thế khi Người cầu nguyện:  “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.  Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10:21;  xem Lc 14:11; 18:14).  Có nghèo khó, người ta mới biết cậy dựa vào Thiên Chúa và biết phó thác mọi sự.  Chúa Giê-su, Con Người không có chỗ tựa đầu, đã phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng:  “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

        -   Chúa Giê-su đói.  Cơn đói của Chúa đã được thánh Lu-ca nói đến trong trình thuật về việc Người bị ma quỷ cám dỗ trong sa mạc.  “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói” (Lc 4:2).  Cơn đói trong sa mạc và cơn đói Chúa đề cập đến trong bài giảng ở đây tuy có thể hiểu theo nghĩa vật chất, nhưng cơn đói tinh thần vẫn là ưu tiên.  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8:3; Mt 4:4).  Chúa Giê-su còn một cơn đói khác.  Lúc nào Người cũng thấy đói và đi tìm thánh ý Chúa Cha.  Đó là lương thực của Người.  Người cho các tông đồ biết:  “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34).

        -  Chúa Giê-su khóc.  Có vài lần Chúa Giê-su khóc:  Người khóc trước mộ anh La-da-rô bạn Người (Ga 11:35);  Người khóc thương cho số phận của thành Giê-ru-sa-lem (Lc 19:41-44).  Đó là những giọt nước mắt người ta thấy được.  Còn bao nhiêu giọt nước mắt khác ở trong lòng, như nỗi ưu tư khoắc khoải vì con người không mở lòng đón nhận tình yêu Thiên Chúa, cảm thấy như bất lực trước thái độ ngoan cố của Pha-ri-sêu, đau khổ vì môn đệ vẫn hiểu lầm sứ mệnh của mình...  Tất cả những đau khổ ấy còn tiếp diễn cho tới tột độ trên thập giá.  Khóc vì thương, vì muốn người ta được cứu rỗi...  Từ khóc lóc đến vui cười, đó là con đường một chiều của Đức Ki-tô, của bất cứ Ki-tô hữu nào.  Không thể tới vinh quang nếu không qua thập giá.

        -  Chúa Giê-su bị bách hại.  Phải nói chắc chắn rằng:  Chúa Giê-su bị bách hại từ lúc mới sinh tại Bét-lem cho tới lúc chết trên Đồi sọ.  Bị bách hại do các nhà lãnh đạo, như vua Hê-rốt, Phi-la-tô, nhóm Pha-ri-sêu, hoặc do chính những người đồng hương Na-da-rét (Lc 4:29).  Bị bách hại vì làm ơn làm phúc cho người ta vào ngày sa-bát, vì đến với những người tội lỗi, cùi hủi, bị khinh bỉ và không ai muốn gặp, vì nói điều phải, vì dạy người ta thờ phượng Thiên Chúa cho đúng cách và yêu thương cả kẻ thù nữa.  Cuối cùng, Người bị bách hại vì có tình yêu lớn quá, không thước đo nào của loài người đo lường nổi:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).

 

b)  Sống bên những mối họa

 

        Thoạt nghe những lời chúc dữ “Khốn cho các ngươi là những kẻ...”, ta thấy sởn gai ốc và tưởng tượng như Chúa Giê-su đang nguyền rủa một số hạng người, gay gắt buộc tội họ.  Không phải như vậy đâu!  Nhưng Chúa chỉ nêu lên những sự kiện đó để làm nổi bật những đức tính cần thiết của người Ki-tô hữu đích thực.  Cách nói tương phản là để làm cho rõ hơn điều mình chủ ý nói.  Mà trong bài giảng này, Chúa Giê-su chủ ý nêu lên mẫu người lý tưởng của Nước Trời.  Không thể hiểu theo nghĩa đen về những mối họa này.  Chúng chỉ là mối họa thực sự khi chúng ta sử dụng không đúng.  Chúng là con dao hai lưỡi.  Thí dụ giàu có mà không biết sử dụng những gì mình có để làm sáng danh Chúa, thì của cải tiền bạc sẽ là mối họa cho ta...  Vì thế, ta sẽ hiểu những lời này của Chúa là để biểu lộ nỗi lo lắng, ái ngại của vị Mục Tử nhân lành, của người Cha lúc nào cũng muốn điều tốt cho con cái, hoặc là những lời Chúa tha thiết kêu gọi ta hối cải nếu ta đang đi sâu vào mối họa có thể xảy đến.

        Bối cảnh trần gian là thế đấy.  Ta được mời gọi thực hiện lý tưởng của người Ki-tô hữu.  Nhưng chung quanh ta, hoặc ngay trong lòng ta, những mối họa vẫn chập chờn đe dọa.  Chỉ còn một điều phải làm là ta hướng nhìn vào Chúa Giê-su, gương mẫu và Thầy dạy, cố gắng bắt chước Người và làm những mối phúc của Người rực lên trong ta qua lối sống đã được biến đổi.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Chúa Giê-su ngước mắt lên nhìn tôi và nói...  Mỗi khi đọc và suy niệm Lời Chúa, tôi có gặp được hình ảnh ấy của Chúa Giê-su không?  Nếu không thì tại sao?  Tôi có ngước mắt lên nhìn Chúa và lắng nghe không?  Tôi sử dụng những kỹ thuật nào để chuẩn bị trước khi cầu nguyện?

        Mối phúc nào tôi cần phải lắng nghe Chúa nói với tôi nhiều hơn?  Tôi sẽ nghe và sống như thế nào?

        Mối họa nào nguy hiểm nhất nơi tôi hiện giờ?  Tôi phải làm gì để tránh nó?

        Suy nghĩ về môi trường làm môn đệ Chúa của tôi và tôi phải làm sao để biểu lộ cho người khác thấy Mối Phúc nguyên thủy là Chúa Giê-su?

 

        “Lạy Chúa,

        xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

        để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

        nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách;

        những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

        nhưng vì thiếu Lời Chúa;

        những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

        nhưng còn thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;

        những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

        nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;

        những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác,

        nhưng còn trong tinh thần nữa,

        bằng cách thực thi lời hy vọng này:

                “Điều mà ngươi làm

                cho người bé mọn nhất trong anh em

                là làm cho chính Ta.”

                                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 7)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà