Chúa Nhật

Thứ 6 Thường Niên, C

(11-2-2001)

Nghe:

·       Gr 17,5-8: Đức Chúa phán như sau: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người.

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.

·       1 Cr 15, 12.16-20: Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, thì sao trong anh em có người lại nói: không co` chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.

Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.

 

TIN MỪNG: Lc 6, 17.20-26

 

Những mối phúc và những mối họa đích thật

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến nghe Người giảng và được chữa lành bệnh tật.

Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhẩy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xứ như thế.

Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các người sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

 

Ngẫm:

 

Câu hỏi gợi ý:

1.      Hạnh phúc là điều ai cũng tìm kiếm, nhưng không phải ai cũng có được.

2.      Thế nào là hạnh phúc theo quan điểm của Thiên Chúa?

 

Suy tư gợi ý:

 

1.      Hạnh phúc là điều ai cũng tìm kiếm, nhưng không phải ai cũng có được:

Ai cũng nhìn nhận rằng: con người được dựng nên để hưởng hạnh phúc và sống ở đời này là để hưởng hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thì đó lại là vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi và bất đồng: Có người cho rằng hạnh phúc là có dư thừa của cải vật chất. Có người lại cho rằng càng hưởng nhiều lạc thú bao nhiêu con người càng sung sướng bấy nhiêu. Người khác chủ trương rằng hạnh phúc hệ tại có được quyền cao chức trọng trong xã hội, được mọi người phục tùng kính sợ. Nhưng có người lại coi thường cả quyền lực, cả tiền bạc, cả thú vui mà đi tìm hạnh phúc trong đời sống thanh bần, xả kỷ, phục vụ tha nhân. Có thể nói mỗi người có một quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Và do đó mỗi người có một cách sống khác nhau.

Nhưng không phải ai cũng có được hạnh phúc như lòng mong muốn. Thật vậy nếu chúng ta đặt câu hỏi với những người chúng ta gắp: "Bạn có cho rằng bạn là người hạnh phúc không?" thì chắc chắn đại đa số sẽ trả lời rằng: "Còn lâu tôi mới là người hạnh phúc!" Cuộc sống con người luôn thiếu một cái gì đó khiến người ta còn mong mỏi chờ đợi và lòng con người như hố sâu không đáy, không biết bao nhiêu là đủ.

 

2.      Thế nào là Hạnh phúc theo quan điểm của Thiên Chúa?

        Là người công giáo chúng ta tin rằng chúng ta được Thiên Chúa dựng nên và khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta thì Người có một chủ ý, một chương trình, kế hoạch cho chúng ta. Chủ ý của Thiên Chúa là để chúng ta được thụ hưởng hạnh phúc trần gian đời này và hạnh phúc thiên đàng đời sau. Chương trình kế hoạch của Thiên Chúa là chúng ta biết xử dụng tất cả mọi cái Thiên Chúa ban cho để đạt tới hạnh phúc ấy. Và để hướng dẫn, soi sáng, nhắc nhở chúng ta thì Thiên Chúa ban cho chúng ta Lời của Ngài. Vì thế mà chúng ta phải tìm hiểu, lắng nghe Lời Chúa, nhất là trong lãnh vực trọng đại này.

· Bài đọc I dậy chúng ta rằng: ai cậy dựa vào Thiên Chúa thì là người có phúc; còn kẻ cậy dựa vào sức mạnh phàm nhân thì là người đáng nguyền rủa. Lời giáo huấn ấy đã trở thành khó hiểu, khó theo, vì chưng khắp nơi người ta thấy sức mạnh của con người là sức mạnh ghê gớm. Còn Thiên Chúa dường như vắng bóng, vì bao thiên tai, lụt lội, chiến tranh, đán áp, bất công, bóc lột ...vẫn tiếp tục đổ xuống trên những người dân thấp cổ bé miệng và vô tội.

 

 Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng còn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng hơn nhiều, vì là những lời còn khó hiểu hơn nhiều: Nghèo khó, đói khát, túng thiếu, phải khóc lóc, bị sỉ vả, hành hạ, khai trừ vì Thiên Chúa. là những người có phúc. Còn giầu có, no nê, vui cười, được ca tụïng.. lại là những người bất hạnh!!! Nghe lạ tai quá!!! Để tìm hiểu xem Đức Giê-su muốn nói gì với các thính giả thời của Ngài và với chúng ta ngày nay, chúng ta nên nối kết bài Tin Mừng này với đoạn Tin Mừng Lc 4,14-21 của Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên. Trong đoạn Tin Mừng ấy Đức Giê-su xác nhận sứ mạng của Ngài là đến cứu chữa, giải thoát những người khổ đau, nghèo hèn, bị áp bức, bị, tù tội. Thiên Chúa Cha giao cho Đức Giê-su sứ mạng ấy vì Thiên Chúa yêu thương những người bị thiệt thòi, bị bỏ quên trong xã hội loài người. Nhờ Tình Thương Yêu ấy mà những người đói nghèo, bất hạnh được an ủi và ấm lòng. Hạnh phúc của họ là được Thiên Chúa xót thương quan tâm đến họ.

 

Nhìn vào Đức Giê-su, chúng ta thấy Người cũng đã chọn một cuộc sống có thể gọi là lầm than, vất vả và bị thiệt thòi trăm bề: sinh ra trong cảnh nghèo hèn tại Bê-lem, sống âm thầm và lao nhọc ở Na-gia-rét, đi rao giảng nay đây mai đó khắp các miền đất Pa-lét-tin và nhất là trải qua những ngày bị bắt bớ, đánh đập, tra vấn, sỉ nhục, kết án và chết trên thập giá.Bất cứ người nghèo hèn, khốn khố nào nhìn vào Đức Giê-su cũng nhận thấy rằng Người có phần nào giống mình: hạnh phúc của những người nghèo hèn, đói khổ là được phần nào giống Đức Giê-su, giống Con Một Thiên Chúa, giống Đấng Cứu Độ nhân loại! Chỉ trong cái nhìn như thế, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đích thực của các mối phúc thật của Tin Mừng.

 

Vậy theo quan điểm của Thiên Chúa thì hạnh phúc là được Thiên Chúa thương yêu. Vậy thì mọi người đều là người hạnh phúc, vì mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương! Đúng thế, nếu xét trên phương diện lý thuyết và khách quan, vì quả thật mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và được Chúa Giêsu cứu độ bằng Máu châu báu cùa Ngài. Nhưng trong thực tế không phải tất cả mọi người đều cảm nhận được Tình Yêu của Thiên Chúa, không phải tất cả mọi người đều ước ao nên giống Đức Giê-su. Chính vì thế mà những người có hạnh phúc thật chỉ là một số người giới hạn. Hạnh phúc theo quan điểm của Thiên Chúa là hạnh phúc thật, vì tồn tại mãi mãi không bao giờ phai. Còn hạnh phúc theo quan niệm thường tình của người đời chỉ là thứ hạnh phúc chóng qua và có thể nguy hại cho cuộc sống trường củu của chúng ta. Vậy chúng ta hãy cảnh giác!

 

Nguyện:

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con cảm nhận một cách mạnh mẽ Tình Chúa yêu thương con. Xin cho con cảm nhận một cách sâu sắc rằng con là người có phúc, vì dù con tội lỗi bất xứng, Chúa vẫn yêu thương, cứu độ con. Con cảm tạ Chúa vì con có được một cuộc sống lao động lầm than, vất vả, bị thiệt thòi, bị khinh khi trong xã hội. Xin giúp con ý thức được rằng đời sống của con có nét giống như đời sống của Chúa khi xưa.

 

(Giêrônimô Nguyễn văn Nội)


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà