“Ðức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-s ê-ma-ni. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây  trong khi Thầy cầu nguyện.” Rồi người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” Người đi xa h ơn một chút, qụy xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Simon, anh ngủ sao? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.”Người lại đi cầu nguyện, kêu xin nh ư lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu . Các ông chẳng biết trả lời với người thế nào. Lần thứ ba Người trở lại và bảo các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Ðứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”

 

Lời sống

Tháng tư 2003

 

 

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

                                                                   (Mác-cô 14:36)

 

Ðức Giêsu đang ở vườn cây dầu, nơi được gọi là Ghết-sê-ma-ni. Giây phút Người rất mực mong đợi đã tới. Ðây là giây phút quyết định cho toàn thể cuộc sống của Người. Người phủ phục xuống đất và nài xin Thiên Chúa, với lòng mến yêu tin tưởng Người gọi Chúa là “Cha”, xin tha cho mình khỏi phải “uống chén ấy” (Xem Mc 14:36), kiểu nói ám chỉ về cuộc khổ nạn cùng cái chết của Người. Người xin Chúa Cha cho giời ấy qua đi… Nhưng cuối cùng Ðức Giêsu hoàn toàn phó mình cho ý Cha:

 

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

 

Ðức Giêsu biết rằng cuộc khổ nạn của mình không phải là một biến cố ngẫu nhiên, cũng không chỉ là một quyết định của con người, mà là một dự định của Thiên Chúa. Người sẽ bị người ta xét sử và ruồng bỏ, nhưng cái “chén” là do từ bàn tay Thiên Chúa.

Ðức Giêsu dạy ta rằng Chúa Cha có chương trình thương yêu của Người dành cho mỗi người chúng ta, Người thương yêu mỗi người với một tình thương bản thân và, nếu ta tin vào tình thương này cùng đáp lại với tình thương của ta – đây là điều kiện -, thì Người sẽ đưa mọi sự đến điều tốt. Ðối với Ðức Giêsu, không có gì tình cờ xảy ra, cả cuộc khổ nạn và cái chết cũng vậy.

Sau đó có cuộc Sống lại mà chúng ta mừng trong tháng này.

Mẫu gương của Ðức Giêsu, Ðấng sống lại, phải là ánh sáng soi cho cuộc sống của ta. Tất cả mọi sự xảy ra, những gì ở chung quanh ta và cả những gì làm ta đau khổ, ta phải biết đọc chúng như ý Thiên Chúa, Ðấng yêu thương ta, hay như sự cho phép của Ðấng vẫn yêu thương ta. Lúc đó mọi sự sẽ có ý nghĩa trong cuộc sống, tất cả mọi sự sẽ rất ích lợi, ngay cả điều lúc này xem ra không thể hiểu được cùng vô lý, cả điều mà, như đối với Ðức Giêsu, có thể làm ta rơi vào một nỗi lo âu chết người. Chỉ cần là, cùng với Người,  bằng một thái độ hoàn toàn phó thác vào tình thương của Chúa Cha, chúng ta biết lặp lại:

 

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

 

Ý Chúa là sống, là vui mừng cảm tạ Người về những ân huệ ta nhận được trong cuộc sống, nhưng đôi khi chắc chắn đó không phải là ý muốn mà ta tưởng: một đối tượng mà ta phải tuân theo, nhất là khi ta gặp phải đau khổ, cũng không phải là những tác động đều đều nối tiếp nhau rải rác trong đời ta.

Ý Chúa là tiếng của Người liên tục nói với ta cùng mời gọi ta, là cách thế Người tỏ cho ta tình thương của Người, để ban cho ta sự Sống tràn đầy của Người.

Chúng ta có thể diễn tả ý đó như hình ảnh mặt trời mà những tia sáng là như ý Chúa đối với mỗi người chúng ta. Mỗi người bước đi trên một tia sáng, khác biệt với tia sáng của người bên cạnh, nhưng vẫn luôn luôn đi trên một tia sáng mặt trời, nghĩa là trên ý Chúa. Vậy tất cả chúng ta làm theo một ý muốn, ý Thiên Chúa, nhưng ý đó đều khác nhau đối với mỗi người. Sau đó khi những tia sáng càng gần mặt trời bao nhiêu thì chúng càng gần nhau bấy nhiêu. Chúng ta cũng vậy, khi ta càng đến gần Thiên Chúa, càng ngày càng chu toàn ý Chúa hơn, thì ta càng tiến lại gần nhau… đến khi tất cả chúng ta nên một.

Khi sống như vậy, trong đời ta mọi sự có thể đổi thay. Thay vì đi đến với người ta thích và chỉ thương yêu những người ấy, thì ta có thể đến với tất cả những ai ý Chúa đặt bên cạnh ta. Thay vì ưa chuộng những cái ta thích hơn cả, ta có thể chấp nhận những cái ý Chúa gợi lên cho ta và ưa chuộng chúng. Sống hoàn toàn hướng về thánh ý Chúa trong giây phút ấy (“theo ý Cha”) sẽ đưa ta đến kết qủa là thái độ tách rời khỏi tất cả những sự vật và con người (“đừng theo ý con”), thái độ tách rời không phải vì cố ý tìm kiếm , vì ta chỉ kiếm tìm Chúa mà thôi, nhưng ta đạt đến được. Lúc đó niềm vui sẽ trọn vẹn. Chỉ cần ta lao mình vào giây phút đang qua đi và chu toàn trong giây phút đó ý Chúa, bằng cách lặp lại:

 

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

 

Giây phút đã qua không còn nữa; giây phút tương lai ta chưa nắm được. Ðiều đó giống như một hành khách trên xe lửa: để đến đích người đó không đi đi lại lại, mà ngồi ở chỗ mình. Cũng vậy chúng ta đứng ở hiện tại. Con tầu thời gian tự nó đi. Thiên Chúa ta chỉ có thể mến yêu trong hiện tại Người ban cho ta, bằng cách ta thưa “vâng” với ý Người, cách mạnh mẽ, hoàn toàn và tác động. 

Vậy ta hãy yêu mến nụ cười ta hiến tặng, công việc ta làm, cái xe ta lái, bữa ăn ta chuẩn bị, sinh hoạt ta tổ chức, người đau khổ bên cạnh ta.

Cả thử thách hay đau khổ cũng không được làm ta sợ hãi, nếu, cùng với Ðức Giêsu, ta biết nhìn nhận ra ở đó ý Chúa, cũng như tình thương của Người đối với mỗi người chúng ta. Hơn nữa ta có thể cầu nguyện như thế này:

“Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ gì, bởi vì tất cả những gì xảy ra sẽ chỉ là ý Chúa mà thôi! Lạy Chúa, xin cho con đừng ước muốn gì cả, bởi vì không gì đáng ước ao hơn là duy chỉ ý Chúa mà thôi.

Ðiều gì quan trọng trên đời? Ý Chúa quan trọng.

Xin cho con đừng hoảng sợ trước điều gì, bởi vì trong mọi sự đều có ý Chúa. Xin cho con đừng tự mãn vì điều gì cả, bởi vì mọi sự đều là ý Chúa.”

 

                                                                             Chiara Lubich

Lm. J B Vượng, chuyển dịch


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà