“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thi Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.

Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lai trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.

Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quẳng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.

Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (Gioan 15:1-8)

 

 

 

Lời sống

Tháng năm 2003

 

 

“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì người cắt tỉa cho sinh nhiều hoa trái hơn” (Gioan 15:1-2)

 

 

          Lúc đó Ðức Giêsu sắp sửa trở về cùng Chúa Cha. Trong cái chết và cuộc sống lại gần kề Người thể hiện dụ ngôn hạt thóc rơi xuống đất, chết đi, và đem lại hoa trái. Ðức Giêsu hoàn thành công trình của Người: trên thập giá Người hiến mình hoàn toàn (hạt thóc chết đi) và với cuộc sống lại Người ban sự sống cho một nhân loại mới (bông lúa kết thành bởi nhiều hạt lúa). Nhưng Ðức Giêsu muốn rằng công trình của Người tiếp tục nơi các môn đệ: họ cũng phải yêu thương đến chỗ thí mạng sống và như vậy làm nẩy sinh cộng đoàn. Do đó khi nói với các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng, Người so sánh họ với cành nho được mời gọi sinh hoa trái.

          Trên thực tế làm sao gắn lìền được với cây nho? Ðức Giêsu giải thích rằng ở lại trong Người có nghĩa là ở lại trong tình thương của Người (Xem Ga 15:9), là để cho lời Người sống trong ta (Xem Ga 15:7), là giữ các giới răn của Người (Xem  Ga 15:10), nhất là giới răn“của Người” là: thương yêu lẫn nhau (Xem Ga 15:12.17). Trong bữa ăn cuối cùng ấy Người cũng đã cho ta thịt máu của Người. Ở trong ta và giữa chúng ta, Người sẽ tiếp tục đem lại hoa trái và chu toàn công trình của Người. Nhưng nếu ta từ chối mối liên hệ thương yêu này, chúng ta sẽ bị cắt đi:

 

“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái [thì Cha Thầy] chặt đi”

 

          Hành động mạnh tay này của Chúa Cha không thể không làm nẩy sinh thái độ sợ hãi Thiên Chúa. Ta không thể lạm dụng tình thương của Người. Chính bởi vì Thiên Chúa là Tình thương, nên Người cũng chính trực. Nếu Người chặt đi là bởi vì Người thấy rằng cành ấy đã chết rồi, tự nó lên án mình: nó đã từ chối nhựa cây và không sinh hoa trái nữa. Ta có thể rơi vào lỗi lầm cho là sinh hoa trái có nghĩa là vụ hoạt động, tổ chức những công trình, vụ hiệu năng… và có thể quên điều thực sự có giá trị: đó là hợp nhất với Ðức Giêsu, sống trong ân sủng của Người, hay ít là trong sự ngay thẳng của lương tâm mình. Lúc đó Chúa Cha cắt cành cây đi, bởi vì ngoài vẻ bên ngoài thì ở đó không còn sự sống nữa.

          Như vậy không còn hi vọng gì nữa sao? Vườn nho của Chúa thật mầu nhiệm và Người cũng biết gắn lại cành nào đã bị cắt đi: đó là ta vẫn luôn có thể trở lại,  vẫn luôn có thể bắt đầu lại.

 

“…và cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho sinh nhiều hoa trái hơn”

 

          Nhờ điều gì tôi thấy rằng mình sinh hoa trái?

          Bất kỳ ai xử sự tốt thì cũng gặp những thử thách: chúng tỏ cho thấy tình thương của Thiên Chúa, tình thương nhằm thanh tẩy cách hành sử của ta và làm cho sinh nhiều hoa trái hơn, hoàn toàn giống như điều xảy ra cho thiên nhiên qua sự cắt tỉa. Ðó là những đau khổ thể xác, bệnh tật, cám dỗ, nghi ngờ, cảm tưởng như mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, là những tình cảnh rất khác nhau nói lên cái chết hơn là sự sống. Tại sao vậy? Có thể vì Chúa muốn cái chết chăng? Không, mà trái lại, Thiên Chúa yêu thích sự sống, nhưng một cuộc sống tràn đầy, thật phong phú, cuộc sống mà với tất cả nỗ lực ta hướng về điều thiện, về điều tích cực, về hoà bình, không bao giờ ta có thể tưởng tượng được. Người cắt tỉa chính là vì vậy.

 

“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì người cắt tỉa cho sinh nhiều hoa trái hơn”

 

            Lời sống này bảo đảm cho ta rằng những thử thách và khó khăn không bao giờ chỉ nhằm đế làm ta khổ, chúng xảy ra ngõ hầu ta có thể sinh “nhiều hoa trái hơn”. Và hoa trái không phải chỉ là việc tông đồ phong phú, hoặc khả năng làm phát khởi đức tin cùng tạo lập cộng đoàn Kitô. Ðức Giêsu cũng chỉ cho ta những hoa trái khác. Người hứa rằng nếu chúng ta ở lại trong tình thương của Người và lời của Người ở lại trong ta, thì ta có thể xin điều gì ta muốn và ta sẽ được (Xem Ga 15:7,16), thì ta sẽ làm vinh danh Chúa Cha (Xem Ga 15:8), thì ta sẽ được niềm vui tràn đầy (Xem Ga 15:11).

          Thật đáng phó thác mình nơi bàn tay thành thạo của Chúa Cha và để cho Người làm việc.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng , chuyển dịch

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà