LờI Sống

 Tháng Bảy 2003

 

 

“Anh em hãy rời ra nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút”

                                                                                                          (Mc 6:31)

 

          Từ cái cây chúng ta ngắm nhìn cành lá cùng những bông hoa và chờ đợi cây sinh qủa, nhưng còn có gốc rễ để cây lấy được sự sống. Ðối với mỗi người chúng ta cũng vậy. Chúng ta được mời gọi hiến dâng, mến yêu, phục vụ, tạo lập những mối liên hệ anh em, làm việc để kiến tạo một thế giới công bằng hơn. Nhưng cần phải có gốc rễ, nghĩa là sự sống nội tâm kết hiệp với Thiên Chúa, mối liên hệ yêu thương của ta với Người, điều làm động lực và nuôi dưỡng cuộc sống hiệp thông huynh đệ cùng dấn thân trong xã hội.

          Cũng thế tình thương đối với người khác nuôi dưỡng lòng mến yêu đối với Thiên Chúa và làm cho lòng mến yêu ấy nên sống động cùng cụ thể hơn, cũng như qua lá cây, ánh sáng cùng sức nóng cũng làm cho gốc rễ nên to lớn hơn. Lòng mến yêu Thiên Chúa cùng thương yêu người bên cạnh là diễn tả của cùng một tình thương duy nhất. Cuộc sống bề trong và cuộc sống bề ngoài là gốc rễ lẫn cho nhau.

          Lời sống chọn cho tháng này mời gọi chúng ta đặc biệt ân cần vun trồng cuộc sống thâm sâu, nhất là qua sự tịnh tâm, ẩn dật, thinh lặng, để đi sâu vào mối liên hệ của ta với Thiên Chúa. Ðức Giêsu cũng lặp lại với chúng ta điều mà một hôm Người nói với các môn đệ khi thấy các ông mệt mỏi vì chăm sóc nhiều cho người khác:

 

“Anh em hãy rời ra nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút”

 

            Chính Ðức Giêsu cũng thỉnh thoảng rời bỏ nhiều công việc bề bộn của mình. Lúc đó có những bệnh nhân cần chữa trị, đám đông cần giáo huấn cùng nuôi ăn, những kẻ tội lỗi cần phải khuyên trở lại, những người nghèo cần giúp đỡ và an ủi, các môn đệ cần hướng dẫn… Vậy mà mặc cho tất cả mọi người tìm kiếm, Người đã biết rút ra ngoài nơi cư ngụ, để lên núi, để sống một mình với Chúa Cha (Xem Mc 1:35; Lc 5:16). Lúc đó Người như trở về nhà. Trong cuộc chuyện vãn một mình và im lặng Người tìm được lời sau đó sẽ nói với dân chúng (Xem Ga 8:26), Người hiểu rõ hơn sứ mệnh của mình, lấy lại sức lực để đối phó với một ngày mới. Người cũng muốn chúng ta làm như vậy:

 

“Anh em hãy rời ra nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút”

 

          Không dễ dàng gì dừng lại. Ðôi khi chúng ta bị lôi kéo bởi hấp lực của việc làm và hoạt động, giống như trong một vòng xích ta không còn điều khiển được. Xã hội thường áp đặt trên ta một nhịp sống xô bồ: đó là càng ngày càng sản xuất nhiều hơn, tiến lên danh vọng, tiến lên hàng đầu… Không dễ dàng đối phó với sự cô đơn và im lặng bên ngoài cùng bên trong ta; vậy mà chúng là những điều kiện cần thiết để lắng nghe tiếng Chúa, để đối chiếu cuộc sống của ta với Lời của Người, để vun trồng cùng đào sâu mối liên hệ yêu thương với Người. Không có nhựa sống nội tâm ấy chúng ta liều mình tốn công vô ích và cái bận bịu của ta có thể không đem lại hoa qủa gì.

          Từ đó cần phải có thời gian nghỉ ngơi cho thể xác cùng trí  tuệ, mặc dầu ngắn ngủi, cũng để tránh bị căng thẳng tinh thần. Ðôi khi xem ra ta phí thời giờ, nhưng trong việc này chúng ta cũng phải tin tưởng vào lời mời gọi của Ðức Giêsu:

“Anh em hãy rời ra nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút”

 

          Ðức Giêsu đưa các môn đệ đi ra một nơi, để các ông sống với Người và tìm được nơi Người sự nghỉ ngơi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (…) và tâm hồn anh em sẽ được bồi dưỡng” (Mt 11:28-29). Sự nghỉ ngơi tốt hơn cả là lấy thời giờ “sống” với Ðức Giêsu, sống trong ơn sủng, trong tình thương, để cho Lời của Người nắn đúc cùng hướng dẫn ta. Ðặc biệt trước khi cầu nguyện, giây phút đặc ân ta  được “sống với Người”, ta nên tách mình khỏi mọi sự, nghỉ ngơi đôi chút, tịnh tâm lại, đi vào căn phòng nội tâm kín đáo cùng im lặng của ta (Xem Mt 6:6). Không nên tính thời gian cầu nguyện. Càng mất nhiều thời giờ để cầu nguyện thì ta càng được lợi nhiều hơn. Ðiều đó sẽ giống như ta ngụp lặn trong mối hợp nhất với Thiên Chúa và ta sẽ tìm được niềm an bình. Như thế ta sẽ có thể đạt đến chỗ chuyện vãn không ngừng với Người, đến chỗ tịnh tâm thường xuyên, cả ngoài thời giờ giành để cầu nguyện. Ðó là kinh nghiệm của tôi trong nhiều năm trời. Một hôm tôi đã viết:

          “… Lạy Chúa!

          Con có Chúa trong tâm hồn

          đó là kho tàng phải hướng dẫn những bước đi của con.

          Chúa theo dõi con, nhìn ngắm con; thuộc về Chúa

          viêc yêu thương: vui mừng cùng chịu khổ.

          Không ai thu lượm một tiếng thở dài.

          Chúa ẩn mình trong nhà tạm

          con sống, con làm việc cho mọi người.

          Xin cho bàn tay con nên bàn tay Chúa,

          Cho giọng nói của con chỉ nên giọng nói của Chúa mà thôi…”.

          Cả khi chúng ta không thể rời xa tiếng động và sức lôi cuốn của thế gian chung quanh ta, thì ta vẫn có thể đi vào tận đáy tâm hồn để tìm Chúa, và Người luôn ở đó. Ðôi khi, trước mỗi sinh hoạt hay cuộc gặp gỡ, ta chỉ cần thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, việc này con xin dâng lên Chúa”. Ðó cũng là cách thế để rời đi và đem lại cho mọi sự một lý do, một vẻ siêu nhiên. Và hãy dâng lên Người mọi đau khổ lớn nhỏ.

          Mối hiệp thông với Người sẽ nên hoàn hảo. Cả thể xác cũng sẽ được lợi ích và ta sẽ có thể vững mạnh trở lại sinh hoạt của mình, và hăng hái mến yêu hơn.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, chuyển dịch

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà