Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mác-cô 9:41-48)

 

 

Lời Sống

Tháng 9 năm 2003

 

“Nếu chân anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt mộtchân

mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục”

(Mác-cô 9:45)

 

 

Ðây là những lời làm ta sửng sốt. Ðức Giêsu dạy ta chặt chân hoặc tay đi, móc mắt ra, nếu chúng làm cho ta sa ngã. Chúng ta biết, những lời này không được hiểu theo nghĩa đen, mặc dầu chúng có sức mạnh của một thanh gươm hai lưỡi (Xem thơ Do thái 4:12). Chúng là một cách để nói rằng đứng trước tất cả những gì có thể làm dịp tội, ta phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những cái và những người thân quen, hơn là mất đi điều đáng giá nhất: đó là “vào cõi sống”, là sự hiệp thông với Thiên Chúa và là ơn cứu độ của ta.

          Từ “cớ sa ngã” trong Tin mừng chỉ tất cả những gì ngăn chặn giữa ta và Chúa, làm cản trở cho việc chu toàn ý Người; là như một cái gậy thọc bánh xe muốn chặn bước tiến của ta đến với Ðức Giêsu, như một cạm bẫy muốn làm ta sa ngã. Có những lúc con mắt, bàn tay, bàn chân “làm ta sa ngã”, hoặc muốn đưa ta đến chỗ chối bỏ Ðức Giêsu, phản bội Người, ưa chuộng những cái khác hơn Người.

          Cô Santa Scorese, một thiếu nữ 23 tuổi đã hiểu rõ điều đó, đang khi sống ở thành phố Bari thuộc miền nam nước Italia, vào năm 1991, cô đã thà bị giết hơn là mất đức trong sạch mà một thanh niên cùng tuổi gài bẫy. Ðối với cô Thiên Chúa đáng giá hơn sự sống.

 

“Nếu chân anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt mộtchân

mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục”

 

            Lời sống này lột mặt nạ “con người cũ” (Xem thơ E-phê-sô 4:22) trong ta. Thực vậy tội lỗi không từ sự vật, từ bên ngoài đến, mà xuất phát từ thâm tâm, từ tâm hồn ta. “Con người cũ” sống trong ta, khi ta chiều theo những lừa dối của sự dữ và khi ta đồng lòng với những hướng chiều thấp hèn của ta: đó là tính ích kỷ, lòng đói khát quyền lực, vinh dự, tiền bạc…

          “Con người cũ” phải nhường chỗ cho “con người mới”: đó là Ðức Giêsu trong ta.

          Chúng ta có thể một mình nhổ đi những ham muốn vô trật tự khỏi tâm hồn ta và làm nẩy sinh trong ta sự sống thần linh không? Chỉ có Ðức Giêsu với cái chết của Người mới có thể làm chết đi “con người cũ” của ta và với cuộc sống lại của Người biến đổi ta nên những con người mới. Người có thể ban cho ta lòng can đảm và lòng cương quyết trong cuộc chiến chống lại sự dữ, lòng yêu mến trung thực cùng triệt để đối với sự thiện. Từ nơi Người ta có được sự tự do nội tâm, niềm an bình và niềm vui khôn tả, chúng đưa ta lên trên tất cả những sự dữ của thế gian và làm cho ta nếm trước được ngay từ bây giờ Thiên đàng.

 

“Nếu chân anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt mộtchân

mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục”

 

          “Con người mới” trong ta phải lớn lên và được gìn giữ khỏi những lừa dối của “con người cũ”. Ðâu là phần của ta? Tôi viết vào năm 1949 như sau: “Có rất nhiều cách để quét nhà: nhặt đi từng cọng rác; dùng cái chổi lớn, nhỏ, cái máy hút bụi lớn v.v. Hay, để được sạch, ta có thể đổi phòng là đủ. Ðể nên thánh cũng thế. Thay vì làm việc mệt, ta có thể rời sang một bên ngay lập tức và để cho Ðức Giêsu sống trong ta. Có nghĩa là sống bằng cách rời sang chỗ người khác: chẳng hạn nơi người bên cạnh là những người ở gần ta từng giây từng phút: đó là sống cuộc sống của mình cách hoàn toàn nhất.”

          Mến yêu! Ðây là tất cả học thuyết của Ðức Giêsu. Lòng mến yêu tinh luyện tâm hồn ta và làm cho nó có khả năng lắng nghe, đồng hóa với những vấn đề cùng bận tâm của người bên cạnh ta, chia sẻ với họ niềm vui cùng đau khổ, phá đổ những hàng rào chia rẽ, vượt lên trên những phán đoán cùng chỉ trích, ra khỏi sự cô đơn của ta để đặt mình phục vụ người thiếu thốn hay cô đơn, xây lập ở khắp nơi sự hiệp nhất Ðức Giêsu muốn.

          Nếu ra sống như vậy, Thiên Chúa sẽ lôi kéo ta đến sự hiệp thông càng ngày càng thân thiết hơn với Người và sẽ làm cho ta hầu như trở nên không thể lay chuyển cùng không thể tấn công trưóc những sai lầm cùng lôi kéo của thế gian.

 

“Nếu chân anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt mộtchân

mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục”

 

          Ðức Giêsu cũng dạy ta phải chặt đi, dùng sức mạnh cất đi những thực tại (sự vật, con người, tình cảnh) đối với ta có thể là dịp sa ngã. Ðó là theo Tin mừng: “từ bỏ chính mình” (Xem Mc 8:34). Người Kitô có can đảm đi ngược lại những hướng chiều ích kỷ, để chúng không trở thành một cách sống.

          Trong tháng này ta hãy đi ra khỏi con người mình bằng cách mến yêu người bên cạnh và cắt đi mọi dính bén đối với tất cả những gì ta không nên yêu chuộng, ta hãy quét sạch tất cả những gì cần phải lấy ra khỏi tâm hồn. Không một hi sinh nào là qúa lớn để có được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Mỗi nhát cắt sẽ làm nẩy sinh trong tâm hồn ta niềm vui, niềm vui đích thực, mà thế gian không biết đến.

 

Chiara Lubich

 

 

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà