Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Ðức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Ðức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng năn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Mác-cô  10: 2-16)

 

 

Lời Sống

Tháng Mười 2003

 

 

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,vì

   Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng”

                                                                                   (Mc 10:14)

 

Ðức Giêsu luôn làm ta bối rối với cách Người đối sử và nói năng. Người cách xa tâm thức chung coi trẻ em không có ý nghĩa gì theo cái nhìn của xã hội. Các tông đồ không muốn chúng đến vây quanh Người, trong thế giới của “người lớn”: chúng chỉ phá rầy mà thôi. Cả các thượng tế và kinh sư “khi thấy lũ trẻ reo hò trong đền thờ ‘Hoan hô Con vua Ða-vít’ thì tức tối” và xin Ðức Giêsu bảo chúng giữ trật tự (Xem Mt 21:15-16). Trái lại Ðức Giêsu có một thái độ hoàn toàn khác: Người gọi trẻ em đến, ôm chúng vào lòng, đặt tay trên chúng, chúc lành cho chúng, và còn đặt chúng làm gương mẫu cho các môn đệ mình:

 

“Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng”

 

Một đoạn khác trong Tin mừng Ðức Giêsu dạy rằng nếu chúng ta không thay đổi và không nên như trẻ em thì sẽ không được vào nước Trời (Xem Mt 18:3).

Tại sao Nước Trời lại thuộc về người nào giống như một trẻ em? Bởi vì đứa trẻ tin tưởng phó thác nơi người cha và người mẹ: nó tin vào tình thương của cha mẹ. Khi ở trên cánh tay cha mẹ nó cảm thấy chắc chắn, không sợ hãi gì. Cả khi thấy chung quanh có hiểm nguy, nó chỉ cần ghì chặt lấy cha hoặc mẹ để thấy mình được che chở. Có khi chính người cha đặt đứa trẻ trong thế hiểm nguy, chẳng hạn để làm cho cái nhẩy thành cảm động hơn. Cả lúc đó đứa trẻ cũng tin tưởng xả thân.

Ðức Giêsu muốn người môn đệ của Nước Trời nên giống như vậy. Người tín hữu Kitô, như một đứa trẻ, tin vào tình thương của Thiên Chúa, lăn xả vào cánh tay của Cha trên trời, đặt nơi Người niềm tin tưởng vô biên; không gì làm cho họ sợ hãi nữa, bởi vì họ không hề cảm thấy cô đơn. Cả trong những thử thách người đó tin vào tình thương của Thiên Chúa, tin rằng mọi sự xảy ra đều nhằm lợi ích cho mình. Người đó bận tâm sao? Họ phó thác nơi Chúa Cha và với lòng tin tưởng của trẻ em họ chắc chắn rằng Người sẽ giải quyết mọi sự. Như một đứa trẻ người đó phó thác hoàn toàn nơi Chúa, không tính toán gì.

 

“Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng”

 

Trẻ em tùy thuộc tất cả nơi cha mẹ, về của ăn, áo mặc, nhà cửa, thuốc thang, dạy dỗ… Chúng ta, “những đứa trẻ của Tin mừng”, cũng tùy thuộc tất cả nơi Chúa Cha: Người nuôi nấng ta như chim chóc trên trời, mặc cho ta như Người mặc cho những bông huệ ngoài đồng, Người biết cái ta cần, trước khi ta xin Người (Xem Mt 6:26), Người ban cho ta. Chính Nước Trời ta cũng không chinh phục được, mà nhận lấy như hồng ân từ bàn tay Chúa Cha.

Lại nữa trẻ em không làm điều ác vì nó không biết. Người môn đệ của Tin mừng, khi yêu thương thì tránh sự dữ, giữ mình trong sạch và lại trở nên ngây thơ. Vì không có kinh nghiệm nên đứa trẻ tin tưởng đi vào cuộc sống, như đi vào một cuộc mạo hiểm mới. “Ðứa trẻ của Tin mừng” đặt mọi sự nơi lòng thương sót của Thiên Chúa và quên đi qúa khứ, mỗi ngày đều bắt đầu một cuộc sống mới, sẵn sàng theo những thúc đẩy của Chúa Thánh thần, luôn sáng tạo. Ðứa trẻ không biết học nói một mình, nó cần người dạy. Người môn đệ của Ðức Giêsu cũng không theo những lý luận của riêng mình, mà học tất cả nơi Lời Chúa cho đến khi nói được và sống được theo Tin mừng.

Ðứa trẻ có khuynh hướng bắt chước cha mình. Nếu ta hỏi một đứa trẻ khi lớn lên sẽ làm gì, thường đứa trẻ nói là theo nghề nghiệp của cha. “Ðứa trẻ của Tin mừng” cũng thế: người đó bắt chước Cha trên trời, Ðấng là Tình thương, và yêu thương như Người yêu thương: người đó yêu thương mọi người, vì Chúa Cha “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Xem Mt 5:45); người đó yêu thương trước, bởi vì Chúa Cha đã yêu thương ta khi ta còn là kẻ tội lỗi (Xem Rôma 5:8); người đó mến yêu không vụ lợi bởi vì Cha trên trời làm như vậy…

Chính vì thế mà Ðức Giêsu thích được các trẻ nhỏ vây quanh và Người đặt chúng làm gương mẫu:

 

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,vì

   Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng”

 

Thực vậy, trẻ em liên tục làm ta kinh ngạc. Một bé gái 6 tuổi ở Milanô viết cho tôi như sau: “Hôm qua ba bảo cháu đi xuống hầm để đồ. Cầu thang tối om làm cháu sợ. Lúc đó cháu cầu nguyện với Chúa Giêsu và cảm thấy Người ở gần cháu.”

Ba em nhỏ ở Firenze được má chở đi mua đồ. Xe đi ngang trước nhà ông ngoại, chúng xin má cho lên chào ông. Người mẹ bảo “Các con lên đi, má đợi ở đây”. Khi trở lại xe chúng hỏi: “Tại sao má không lên?” Người mẹ: “Ông ngoại không tử tế với má, nên…”. Một trong ba chị em nói: “Má, nhưng phải yêu thương mọi người, cả kẻ thù nữa…” Người mẹ không biết phải nói sao. Bà nhìn con và mỉm cười: “Các con có lý. Chờ má ở đây”. Và người mẹ một mình lên chào ông ngoại.

Chúng ta có thể học nơi trẻ em phải đón nhận Nước Thiên Chúa thế nào.

 

Chiara Lubich

Lm. Jb. Vượng, chuyển ngữ

11-9-2003


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà