Thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn Thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại,và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

                                                                             (Mát-thêu 5:1-11)

 

 

 

Lời Sống

Tháng Mười Một 2003

 

 

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3)

 

 

Ðức Giêsu vừa khởi sự cuộc sống công khai: Người kêu mời người ta hoán cải, loan báo Nước Thiên Chúa đã gần, chữa lành mọi bệnh tật. Ðám đông bắt đầu theo Người. Lúc đó đi lên núi và ngỏ lời với những người vây quanh, Người loan báo chương trình của Người về cuộc sống: đó là chương trình ta thường gọi là “bài giảng trên núi”.

Ðiều mới mẻ trong lời loan báo của Ðức Giêsu nổi bật ngay từ những lời đầu tiên của bài giảng, khi Người tuyên bố là người có phúc không phải là người giầu có, quyền thế, có ảnh hưởng, mà là người nghèo khó, khiêm tốn, nhỏ bé, có lòng trong sạch, người khóc lóc, và bị áp bức. Ðiều này làm đảo lộn cách suy nghĩ thường tình, nhất là trong xã hội chúng ta là xã hội thường ca tụng chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng lạc, thanh thế… Ðó là “tin mừng” Ðức Giêsu mang đến, tin mừng đem lại niềm vui cùng hi vọng cho những người cùng cực, tin mừng gieo tin tưởng nơi tình thương Thiên Chúa, Ðấng ở gần người bị thử thách và đau khổ. Lời loan báo niềm vui cùng ơn cứu độ đã được tóm kết trong mối thứ nhất của tám mối phúc: nó đảm bảo Nước Trời cho những nguời có tâm hồn nghèo khó:

 

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó…”

 

Nhưng “có tâm hồn nghèo khó” là gì? Nghĩa là xa rời của cải và những cái ta có, những thụ tạo cùng chính mình… Nói tắt điều đó có nghĩa là gạt sang một bên tất cả những gì ngăn cản ta mở lòng cho Thiên Chúa, bằng cách thực hiện ý Người muốn và mở lòng cho người bên cạnh bằng cách nên một với họ để yêu mến họ cách xứng đáng, cùng sẵn sàng từ bỏ mọi sự: cha, mẹ, “ruộng đất” cùng quê hương, nếu Chúa đòi như vậy.

Có “tâm hồn nghèo khó” nghĩa là không đặt lòng tin tưởng nơi sự giầu sang, nhưng nơi tình thương của Thiên Chúa và nơi sự quan phòng của Người. Thường thì chúng ta “giầu” những bận tâm về sức khỏe, những lo lắng cho người thân thuộc, lo lắng về một việc làm, lo không biết phải đối sử thế nào, lo sợ về tương lai…  Tất cả những điều đó có thể chặn tâm hồn ta lại và đóng kín nơi mình, ngăn cản tâm hồn mở ra cho Thiên Chúa và người anh em. Vì thế chính trong những giây phút do dự ấy “người có tâm hồn nghèo khó” tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, và trút bỏ nơi Người mọi bận tậm, họ nghiệm được tình thương Cha con của Người.

“Có tâm hồn nghèo khó” khi ta để cho tình thương dẫn lối đến với người khác. Lúc đó ta chia sẻ và hiến cho người thiếu thốn điều ta có: một nụ cười, thời giờ của mình, của cải của mình, khả năng của mình. Khi cho đi mọi sự vì lòng thương yêu, ta nên nghèo khó, hay nên trống rỗng, nên hư vô, được tự do, với tâm hồn trong trắng.

Sự nghèo khó này là hoa qủa của tình thương, nó sẽ trở thành nguồn mạch đem lại tình thương: bằng cách trút bỏ con người của ta, và như thế được tự do, ta có thể đón nhận hoàn toàn, không giữ lại gì, ý muốn của Thiên Chúa và đón nhận mọi người anh chị em bên cạnh mình.

Tất cả những ai có tâm hồn trong trắng và tâm hồn nghèo khó này, Ðức Giêsu đảm bảo họ sẽ được Nước Trời: họ có phúc,

 

“vì Nước Trời là của họ…”

 

Nước Trời ta không mua được với sự giầu sang và không chiếm hữu được với quyền thế. Ta nhận được Nước ấy như ân huệ. Vì vậy Ðức Giêsu đòi phải nên như trẻ nhỏ hay như những người nghèo khó là những người, như trẻ nhỏ, họ cần nhận lấy từ người khác. Và Chúa Thánh thần, bị hấp dẫn bởi tình trạng trống rỗng yêu thương ấy, sẽ có thể đổ đầy tâm hồn ta, bởi vì Người không còn bị những cản trở ngăn chặn sự hiệp thông hoàn toàn với tâm hồn.

“Người có tâm hồn khó nghèo”, vì không giữ lại gì, nên có được mọi sự; người đó nghèo về chính mình và giầu có về Thiên Chúa. Ở đây lời Tin mừng cũng có giá trị: “hãy cho đi thì sẽ được cho lại” (Lc 6:38): chúng ta cho đi những gì ta có và ta sẽ được cho lại không gì kém hơn là Nước Trời.

Ðó là kinh nghiệm của một người mẹ ở nước Argentina, Chị kể như sau:

“Mẹ chồng tôi rất yêu thương con là chồng tôi, đến độ ghen tương về con; thái độ  này luôn tạo nên khó khăn giữa chúng tôi và làm cho lòng tôi thành chai đá đối với bà. Cách đây một năm bà được cho biết là bị ung thư: bà cần được chữa chạy và giúp đỡ, điều mà người con gái duy nhất của bà không thể làm được. Lời Tin mừng mà từ ít lâu nay tôi tìm cách thực hành đã biến đổi lòng tôi: tôi học biết yêu thương. Vượt thắng mọi sợ hãi, tôi tiếp đón mẹ chồng về nhà. Tôi bắt đầu nhìn bà với con mắt mới và mến yêu bà: chính Ðức Giêsu tôi phục vụ cùng giúp đỡ nơi bà.

Bà không dửng dưng trước tình thương. Tôi rất ngỡ ngàng thấy mẹ chồng đáp lại mọi cử chỉ với lòng yêu thương. Ơn Chúa đã làm phép lạ ấy!

Những tháng hi sinh đi qua không làm tôi nặng nề và, khi mẹ chồng tôi bình thản từ trần về Trời, niềm an bình ở lại nơi mọi người.

Trong những ngày đó tôi nhận ra là mình có thai, đứa con mà từ chín năm nay chúng tôi mong ước! Ðứa con đối với chúng tôi là dấu chỉ nhãn tiền của tình yêu Thiên Chúa, tình thương đổ đầy tràn tâm hồn chúng tôi”.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà