Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Gioan 14:27).

 

 

 

Lời sống

Tháng Giêng 2004

 

 

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”

                                                                              (Ga 14:27)

 

Trên thế giới hiện nay có chừng 30 cuộc chiến tranh. Một số diễn ra trước mắt mọi người, một số khác người ta đã quên, nhưng không vì thế mà chúng kém tàn ác. Bạo lực, hận thù, thái độ tranh chấp thường hiện diện cả nơi các quốc gia sống trong “hoà bình”.

Mỗi dân tộc, mỗi người đều cảm nhận một niềm ước vọng sâu xa mong được hòa bình, thuận hòa, hiệp nhất. Vậy mà mặc cho những nỗ lực cùng thiện chí, sau hàng ngàn năm lịch sử chúng ta vẫn không có khả năng lập được một nền hoà bình vững chãi cùng lâu dài.

Ðức Giêsu đã mang đến cho ta hòa bình, Người nói: một nền hòa bình không phải như “thế gian ban tặng” (Xem Ga 14:27). bởi vì đó không phải chỉ là không có chiến tranh, tranh chấp, chia rẽ, kinh sợ. Hoà bình “của Người” cũng như vậy, nhưng còn hơn nhiều: đó là sự sống cùng niềm vui tràn đầy, là ơn cứu độ toàn thể con người, là tự do, là tình huynh đệ trong yêu thương giữa tất cả các dân tộc. Chính Người là hòa bình của ta (Xem Ep 2:14), vì vậy Người có thể nói với ta:

 

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”

 

Ðức Giêsu đã làm gì để ban cho chúng ta bình anh “của Người”? Người đã trả giá bằng chính bản thân mình. Chính khi hứa ban bình an cho ta, Người bị một trong những bạn hữu của mình phản bội, bị nộp vào tay kẻ thù, bị lên án chết tàn bạo cùng nhục nhã. Người bị đặt giữa những kẻ thù, gánh chịu những thù hận cùng chia lià, phá đổ những bức tường chia cách các dân tộc (Xem Ep 2:14-18). Khi chết trên thập giá, sau khi đã cảm nghiệm tình trạng bi Chúa Cha bỏ rơi vì lòng yêu thương ta, Người đã kết hiệp con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau và đem đến trần gian tình huynh đệ đại đồng.

Cho dầu cộng cuộc xây dựng hòa bình đòi ta một tình thương mạnh mẽ, có khả năng yêu thương cả người không đáp lại, có khả năng tha thứ, vượt thắng hàng ngũ thù địch, yêu mến quê hương người khác như quê hương mình. Công cuộc ấy đòi ta phải biến đổi từ con người yếu nhược, có thể chỉ nhằm những lợi ích của riêng mình và những cái của riêng mình, nên những người anh hùng nhỏ mỗi ngày, những người ngày lại ngày phục vụ những người anh chị em, sẵn sàng hiến cả mạng sống cho họ. Công cuộc đó còn đòi ta tâm hồn và con mắt mới để mến yêu cùng nhìn nơi tất cả mọi người những ứng viên cho tình huynh đệ đại đồng.

Ta có thể tự hỏi: “Cả nơi những người cùng chung cư hay cãi cọ sao? Cả nơi những người cùng làm việc thường ngăn cản công danh của tôi sao? Cả nơi người tranh đấu trong một đảng phái hay một đội banh đối thủ sao? Cả nơi nhữn người thuộc tôn giáo hay quốc tịch khác với tôi sao?

Phải, mỗi người ấy đều là anh chị em của tôi. Hoà bình khởi sự từ đó, từ mối liên hệ tôi nối kết với mỗi người bên cạnh. Ông Igino Giordani đã viết: “Sự dữ phát sinh từ tâm hồn con người” và “để cất bỏ nguy cơ chiến tranh thì cần phải cất bỏ tinh thần gây hấn cùng vụ lợi và tính ích kỷ đưa đến chiến tranh: cần phải lập lại một tâm thức” (L’inutilità della Guerra, Roma 2003, 2a ed., p.111).

 

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”

 

Làm sao ngày nay Ðức Giêsu có thể ban cho chúng ta bình an của Người? Người có thể hiện diện giữa chúng ta qua lòng yêu thương lẫn nhau của ta, qua sự hiệp nhất của ta (Xem Mt 18:20). Như thế ta có thể cảm nghiệm được ánh sáng của Người, sức mạnh của Người, chính Thần linh của Người mà hoa qủa là: lòng yêu thương, niềm vui, niềm an bình (Xem Gl 5:22). Bình an cùng hiệp nhất đi song song với nhau.

Trong tháng này, tháng chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt ngõ hầu các Giáo hội đạt đến chỗ hiệp thông hoàn toàn cùng nhãn tiền, ta còn cảm thấy mối liên hệ giữa hiệp nhất cùng an bình chặt chẽ hơn.

Vậy làm sao ta làm chứng cho niềm an bình sâu xa ấy được Ðức Giêsu đưa đến, nếu giữa chúng ta, những tín hữu Kitô, không có lòng yêu thương trọn vẹn, nếu chúng ta không có một lòng và một tâm hồn như cộng đoàn đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem? (Xem Cv 4:32).

Thế giới sẽ biến đổi nếu ta biến đổi. Chắc chắn ta phải nỗ lực, theo khả năng của mỗi người, để giải quyết những tranh chấp, để soạn thảo những luật lệ nhằm cổ võ sự chung sống giữa con người và các dân tộc. Nhưng nhất là khi đặt lên trên điều hợp nhất chúng ta, ta có thể góp phần vào việc tạo nên một tâm thức hòa bình và cùng làm việc vì lợi ích cho nhân loại.

Khi làm chứng cùng phổ biến những gía trị đích thực như lòng khoan dung, tôn trọng, kiên nhẫn, tha thứ, thông cảm, thì những thái độ chống lại hoà bình sẽ tự chúng rời xa.

Ðó là kinh nghiệm của chúng tôi trong cuộc thế chiến thứ hai, khi một số thiếu nữ chúng tôi quyết định chỉ sống để yêu thương. Lúc đó chúng tôi còn trẻ và sợ sệt, nhưng khi vừa cố gắng sống cho nhau, giúp đỡ người khác, bắt đầu từ những người bần cùng nhất, bằng cách phục vụ họ với cả mạng sống mình, thì mọi sự đã thay đổi. Trong tâm hồn chúng tôi đã nẩy sinh một sức mạnh mới và chúng tôi đã thấy xã hội thay đổi bộ mặt: đó là một cộng đoàn Kitô nhỏ bé, hạt giống cho một “nền văn minh tình thương” đã bắt đầu canh tân. Cuối cùng, chính tình thương thắng thế, vì nó mạnh mẽ hơn mọi sự.

Trong tháng này chúng ta hãy thử sống như vậy, để nên men cho một nền văn hóa hòa bình cùng công bằng mới. Ta sẽ thấy lại nẩy sinh giữa chúng ta, chung quanh ta, một nhân loại mới.

 

                                                        Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, dịch

 

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà