“Các tông đồ cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Ðức Giêsu bảo các ông: “Vuq của các dân thì lấy quyền ma thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. (Lk 22:24-26).

 

 

Lời sống

Tháng Tư 2004

 

 

“Ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất”

                                                                           (Lc 22:26)

 

        Ðây không phải là lần đầu tiên Tin mừng Luca thuật lại là các môn đệ tranh chấp xem ai là người lớn nhất (Xem Lc 9:46). Lần này chúng ta đang ở vào bữa tối cuối cùng. Ðức Giêsu vừa mới lập phép Thánh thể, dấu chỉ cao cả nhất về tình thương của Người, về việc Người hiến mình hoàn toàn, việc nói trước những gì Người sẽ trải qua mấy giờ sau đó trên thập giá. Người đang ở giữa các môn đệ “như người tôi tớ” (Lc 22:27). Thực vậy, Tin mừng Gioan thuật lại cử chỉ cụ thể của Người là rửa chân cho các môn đệ. Trong tháng này chúng ta mừng lễ Phục sinh, mừng cuộc Sống lại của Ðức Giêsu, thì nhớ lại giáo huấn này của Người là điều quan trọng.

        Các môn đệ không hiểu gì, vì các ông bị chi phối bởi tâm thức chung về cách sống của nhân loại là coi trọng thanh thế cùng vinh dự, những chỗ cao nhất trong bậc thang xã hội, trở nên “ông nọ bà kia”. Nhưng Ðức Giêsu đã đến trần gian chính là để tạo lập một xã hội mới, một cộng đồng mới, được một lý lẽ khác hướng dẫn: đó là tình thương.

        Nếu Người, Ðấng là Chúa và là Thầy, đã rửa chân cho các môn đệ (một hành động dành cho kẻ nô lệ), thì nếu ta muốn theo Người, nhất là nếu ta có trách nhiệm đặc biệt, chúng ta cũng được mời gọi phục vụ người bên cạnh mình với cùng một cách cụ thể và tận tụy như vậy.

 

“Ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất”

 

        Ðây là một trong những cái ngược đời của Ðức Giêsu.Ta chỉ hiểu được điều đó, nếu ta nghĩ rằng thái độ tiêu biểu của người Kitô là tình thương, tình thương làm cho họ đặt mình vào chỗ rốt cùng, làm cho họ nên nhỏ bé trước mặt người khác, cũng như một người cha, khi chơi đùa với đứa con nhỏ hoặc giúp đứa con lớn hơn làm bài.

        Thánh Vinh-sơn đệ Phaolô đã gọi những người nghèo là “những ông chủ” của mình và yêu thương họ cùng phục vụ họ như vậy, bởi vì thánh nhân nhìn Ðức Giêsu nơi họ. Thánh Ca-mi-lô đệ Lellis đã cúi xuống những bệnh nhân, rửa vết thương cho họ, sửa soạn giường cho họ, “với tình thương mà một người mẹ yêu dấu thường có đối với đứa con duy nhất bệnh nạn của mình”, như  chính thánh nhân đã viết.

        Và làm sao ta không nhớ đến chân phước Têrêsa người Calcutta, gần chúng ta, thánh nhân đã cúi xuống hàng ngàn người sắp chết, trở nên “hư vô” trước mỗi người, những người nghèo nhất trong số những người nghèo.

        “Trở nên bé nhỏ” trước mặt người khác có nghĩa là tìm cách đi sâu vào tâm hồn người đó, đến chỗ chia sẻ những đau khổ hoặc những bận tâm, cả khi đối với ta xem ra không đáng gì, vô nghĩa, nhưng trái lại chúng là mọi sự cho cuộc sống của người đó.

        “Trở nên bé nhỏ” trước mặt mỗi người, không phải vì, một cách nào đó, ta ở trên cao và người kia ở dưới thấp, mà bởi vì con người ta, nếu không để ý canh chừng, sẽ giống như một trái bong bóng, lúc nào cũng sẵn sàng lên cao, đặt mình vào địa vị cao hơn người bên cạnh ta.

 

“Ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất”

 

Như vậy, đó là “Sống người khác” và không sống một cuộc sống chỉ cho riêng mình, đầy dẫy những bận tâm, những của riêng, những ý nghĩ riêng, những gì được coi là của ta.

Quên mình đi, lùi lại để nhìn thấy người khác, để nên một với bất kỳ ai, đến chỗ xuống ngang hàng với họ và nâng người đó dậy, để đưa họ ra khỏi những thống khổ của họ, những bận tâm của họ, những đau khổ của họ, những mặc cảm của họ, ra khỏi những tật nguyền của họ hay chỉ để giúp người đó ra khỏi chính mình và đến với Thiên Chúa cùng người anh em, và như vậy cùng nhau tìm được cuộc sống phong phú, hạnh phúc đích thực.

Cả những người trong chính quyền, những người cầm quyền công cộng thuộc mọi tầng lớp, đều có thể thi hành trách nhiệm của họ như một việc phục vụ vì lòng thương yêu, để tạo nên cùng gìn giữ những điều kiện cho phép tất cả mọi tình thương nở hoa: tình thương của những người trẻ muốn lập gia đình và cần một căn nhà cùng việc làm; tình thương của người muốn học hành và cần trường học cùng sách vở; tình thương của người dấn thân cho cơ sở kinh doanh của mình và cần đường xá cùng xe lửa, cần những luật lệ chắc chắn…

Từ ban sáng khi thức dậy cho đến tối khi đi ngủ, khi ở nhà, ở bàn giấy, trường học, trên đường, ta luôn có thể có dịp phục vụ, và cám ơn, khi đến lượt ta được phục vụ.

Ta hãy làm mọi sự vì Ðức Giêsu nơi người anh em, không bỏ qua ai, mà luôn là người yêu thương trước.

Ta hãy phục vụ tất cả mọi người! Chỉ khi sống như vậy ta mới nên “người lớn”.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà