Lời Sống

Tháng Năm 2004

 

 

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy”

(Gioan 14:15)

 

        Trong bữa ăn tối cuối cùng, trước khi giã từ các bạn hữu và trở về cùng Cha, Ðức Giêsu muốn ràng buộc họ khắng khít với mình và giữa họ với nhau bằng mối giây bền lâu: đó là tình thương. Người yêu thương “đến cùng” (Ga 13:1), với tình thương “cao cả nhất” đến độ “thí mạng mình” (Ga 15:13) và, đổi lại, đòi họ mến yêu Người với cùng một tình thương.

         Tình thương Ðức Giêsu đòi hỏi không chỉ là một tình cảm, mà là thực hiện ý muốn của Người, được diễn tả trong những giới răn của Người: nhất là lòng yêu thương đối với những anh chị em và lòng thương yêu lẫn nhau. Ðó là một sự thật thật quan trọng đối với Ðức Giêsu, nên trong những lời cuối cùng nói với các môn đệ Người lặp lại điều đó một cách mạnh mẽ như các lần trước: “Ai tiếp nhận và giữ các giới răn của Thầy, người ấy mới yêu mến Thầy” (Ga 14:21); “Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” (Ga 14:23); “Ai không mến yêu Thầy thì không giữ lời Thầy” (Ga 14:23).

 

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy”

 

        Tại sao chúng ta phải giữ các giới răn của Người?

        Ðược dựng nên “theo hình ảnh giống như Người”, chúng ta giống như kẻ đối diện với Thiên Chúa, với khả năng có được mối liên hệ thân mật, trực tiếp với Người: mối liên hệ hiểu biết, mến yêu, bạn hữu, hiệp thông.

        Tôi “hiện hữu” theo mức độ tôi đáp lại dự định Người đưa ra cho tôi vì tình thương.

        Mối liên hệ với Thiên Chúa, chủ yếu cho bản tính con người, càng được sống thực, đào sâu và tăng thêm, thì con người càng thể hiện chính mình cách đích thực hơn.

        Chúng ta hãy nhìn ông A-bra-ham. Mỗi lần Thiên Chúa đòi ông điều gì, cả khi xem ra điều vô lý nhất, chẳng hạn bỏ quê hương để đi đến một nơi xa lạ hoặc hi sinh đứa con duy nhất cho Người, thì ông đều sẵn sàng vâng theo, phó thác cho Thiên Chúa, và một tương lai không lường được mở ra trước mặt ông.

        Ông Mô-sê cũng vậy. Trên núi Si-na-i Thiên Chúa mạc khải cho ông ý muốn của Người trong mười điều răn, và từ việc vâng theo những điều răn này nẩy sinh dân Thiên Chúa.

        Ðức Giêsu cũng thế. Nơi Người lòng vâng phục Chúa Cha đạt đến chỗ toàn thiện: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22:42).

        Theo Ðức Giêsu có nghĩa là chu toàn ý muốn của Chúa Cha cách tốt nhất có thể, như chính Người đã mạc khải cho ta và như Người đã chu toàn trước tiên.

        Những giới răn Ðức Giêsu để lại cho ta là một trợ giúp để sống theo bản tính của chúng ta là con cái Thiên Chúa, Ðấng là tình thương. Như vậy, chúng không phải là những điều áp buộc, một thượng tầng cơ sở giả tạo và càng không phải là sự vong thân. Chúng cũng không phải là những mệnh lệnh như một ông chủ truyền cho những kẻ tôi tớ. Chúng là diễn tả của tình thương Thiên Chúa và của lòng ân cần của Người đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta.

 

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giớI răn của Thầy”

 

        Ta thực hành Lời sống này thế nào?

        Chúng ta hãy tìm cách chú ý lắng nghe tất cả những gì Ðức Giêsu dậy ta trong Tin mừng – đó là những giới răn của Người – và để cho Chúa Thánh thần, trong ngày sống, nhắc nhớ cho ta những lời của Người. Chẳng hạn Người dạy rằng không giết người chưa đủ, mà phải tránh nóng giận với người anh em; rằng không thể phạm tội ngoại tình, nhưng cũng không được thèm muốn vợ người khác. “Nếu ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5:39); “Hãy thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Xem Mt 5:21-48).

        Nhưng trên hết chúng ta hãy thực hiện điều Ðức Giêsu gọi là giới răn “của Người”, giới răn tóm tắt tất cả những giới răn khác: đó là tình thương yêu lẫn nhau. Thực vậy yêu thương là chu toàn lề luật (Xem Rm 13:10), là “con đường tốt nhất” (1Cr 12:31) chúng ta được mời gọi đi theo.

        Cha Dario Porta, một linh mục thuộc giáo phận Parma (Italia) qua đời ngày thứ năm tuần thánh năm 1996, đã hiểu rõ điều đó. Nếu trong những năm đầu cuộc sống linh mục cha đã sống mối liên hệ với Thiên Chúa một cách trổi vượt, thì sau đó cha đã khám phá ra là phải nhìn Ðức Giêsu nơi mỗi người bên cạnh và lòng yêu thương theo Tin mừng đã trở thành đam mê của cha. Ðể trung thành với quyết tâm này, cha đã luôn chú ý đến người khác, bỏ qua những chương trình của riêng mình, đến chỗ một ngày cha đã viết trong nhật ký: “Tôi đã hiểu rằng điều duy nhất mà cuối cùng ta muốn mình đã thực hiện là yêu thương người anh em” (chúc thư).

        Như cha Dario, mỗi người chúng ta mỗi buổi tối cũng có thể tự hỏi: “Tôi có luôn yêu thương những người anh em không?”

 

                                                                Chiara Lubich

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà