“Một lần Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và  không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồI, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? Thầy nói cho anh em biết: dầu người kia không dậy để cho  người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.”

 

 

Lời Sống

Tháng Bẩy 2004

 

 

“Thưa Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện”

(Luca 11:1)

 

 

Các môn đệ nhìn thấy Ðức Giêsu cầu nguyện. Các ông xúc động nhất bởi cách thế đặc biệt Người ngỏ lời với Thiên Chúa: Người gọi Thiên Chúa là “Cha”. Trước đó những người khác đã gọi Thiên Chúa với cùng một tên như vậy, nhưng trên môi miệng Ðức Giêsu, lời đó chỉ về một sự hiểu biết thân tình, mới mẻ cùng độc nhất, giữa Người với Cha, về lòng thương yêu và về một sự sống kết hiệp cả hai với nhau trong sự hiệp nhất khôn sánh.

 

Lúc đó các môn đệ muốn nghiệm được cùng một mối liên hệ với Thiên Chúa, thật sống động cùng sâu xa mà các ông nhận thấy nơi Thầy mình. Các ông muốn cầu nguyện như Người; vì vậy các ông đã xin Người rằng:

 

“Thưa Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện”

 

        Nhiều lần Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ về Cha, nhưng bây giờ để đáp lại lời xin của các ông, Người cho chúng ta thấy rằng Cha của Người cũng là Cha của chúng ta: cũng như Người, cả chúng ta, nhờ Thánh Thần, cũng có thể gọi Thiên Chúa là “Cha”.

 

        Khi dạy chúng ta thưa “Cha”, Người cho chúng ta thấy rằng ta cũng là con cái Thiên Chúa và làm cho ta ý thức được rằng chúng ta là anh chị em với nhau. Là người anh em bên cạnh chúng ta, Người dẫn đưa ta vào cùng một mối liên hệ với Thiên Chúa, hướng cuộc sống ta về với Chúa, dẫn đưa ta vào cõi lòng Chúa Ba ngôi, làm cho ta càng ngày càng nên một với nhau.

 

“Thưa Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện”

 

        Ðức Giêsu không chỉ dậy ta ngỏ lời với Cha, mà cũng dạy điều ta phải xin.

        Xin cho danh Cha cả sáng và nước Cha trị đến: đó là xin cho chúng ta và tất cả mọi người được hiểu biết cùng mến yêu Thiên Chúa; xin cho Người đi vào lịch sử chúng ta và chiếm hữu những gì thuộc về Người; xin cho chương trình tình thương của Người dành cho nhân lọai được thể hiện hoàn toàn. Như vậy Ðức Giêsu dạy ta có được chính những tình cảm của Người, bằng cách đồng hóa ý muốn của ta với ý muốn của Người.

 

        Người còn dạy ta tin tưởng nơi Cha. Chính Người là Ðấng nuôi nấng chim chóc trên trời, nên ta có thể xin Người bánh ăn hàng ngày; chính Người là Ðấng mở rộng tay đón nhận đứa con lạc đường, nên ta có thể xin Người tha thứ tội lỗi; chính Người là Ðấng đếm cả những sợi tóc trên đầu ta, nên ta có thể xin Người che chở ta khỏi mọi cám dỗ.

 

        Ðó là những lời cầu xin chắc chắn Thiên Chúa nhậm lời. Thánh Augustinô người Hippo viết rằng chúng ta có thể thưa với Thiên Chúa bằng những lời khác, nhưng ta không thể xin Người những điều gì khác.

 

“Thưa Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện”

 

        Tôi còn nhớ khi Chúa cũng cho tôi hiểu một cách thật mới mẻ rằng tôi có một người Cha. Lúc đó tôi 23 tuổi. Tôi đang dạy học. Một vị linh mục đi qua muốn nói chuyện với tôi: ngài xin tôi dâng một giờ trong ngày để cầu cho những ý chỉ của ngài. Tôi trả lời: “Tại sao không dâng cả một ngày?” Xúc động vì lòng quảng đại tuổi trẻ của tôi, vị linh mục bảo tôi: “Con hãy nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương con vô ngần”. Ðó là cú sét đánh. “Thiên Chúa yêu thương tôi vô ngần”. “Thiên Chúa yêu thương tôi vô ngần”. Tôi tự nhủ mình như vậy, tôi lặp lại như vậy với các bè bạn: “Thiên Chúa yêu thương bạn vô ngần. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô ngần.”

 

        Từ giây phút đó tôi nhận ra Thiên Chúa hiện diện khắp nơi với tình thương của Người. Người luôn luôn hiện diện. Và Người giải thích cho tôi. Người giải thích cho tôi điều gì? Rằng mọi sự đều là tình thương: con người tôi và điều xẩy ra cho tôi; con người chúng ta và những gì liên quan tới ta; rằng tôi là con của Người và Người là Cha của tôi.

 

        Từ giây phút đó cả lời cầu nguyện của tôi cũng thay đổi; đó không còn phải là ngỏ lời với Ðức Giêsu, cho bằng ở bên cạnh Người, người Anh em của chúng ta, để ngỏ lời với Cha. Khi tôi cầu xin Người với những lời Ðức Giêsu dạy ta, tôi cảm cảm thấy mình không còn đơn độc làm việc cho Nước Chúa: chúng tôi là hai, Ðấng toàn năng và tôi. Tôi nhận ra Người là Cha nhân danh cả những người không biết đến điều đó, tôi xin cho danh Người bao phủ cùng đi vào toàn thể trái đất, xin bánh ăn cho mọi người, xin ơn tha thứ và giải phóng khỏi sự dữ cho những người đang bị thử thách.

 

        Khi những điều xẩy ra làm tôi sợ sệt hay lo lắng, tôi quẳng mọi nỗi lo âu cho Cha, chắc chắn rằng Người sẽ lo điều đó. Và tôi có thể làm chứng rằng tôi không nhớ một nỗi bận tâm nào đã phó thác cho Người mà Người không để ý đến. Nếu ta tin tưởng vào tình thương của Người, thì Cha luôn luôn can thiệp, trong những điều lớn cũng như những điều nhỏ mọn.

 

        Trong tháng này chúng ta hãy tìm cách đọc kinh “Lạy Cha”, lời kinh Ðức Giêsu đã dạy ta, với một ý thức mới: đó là Thiên Chúa là Cha chúng ta và Người chăm sóc cho ta. Chúng ta hãy đọc lời kinh này nhân danh toàn thể nhân loại để tình huynh đệ đại đồng thêm vững mạnh. Ước mong đó là lời kinh bậc nhất của chúng ta, vì biết rằng với lời kinh này chúng ta cầu xin Thiên Chúa điều Người mong mỏi nhất. Người sẽ nhận mọi lời ta xin và sẽ đổ đầy hồng ân của Người xuống cho ta. Như thế được tự do khỏi mọi nỗi bận tâm, chúng ta có thể chạy trên con đường yêu thương.

 

Chiara Lubich

Lm. GB Vượng, chuyển dịch

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà