“Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi NgườI: “Thưa Ngài, những ngườI được cứu thoát thì ít có phảI không? NgườI bảo ho” “Hãy tranh đấu để để vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều ngườI sẽ tìm cách vào mà không được”.

“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cử và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

“Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổI ra ngoài. Thien hạ sẽ từ đông tây nam bắt đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

“Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

 

Lời sống

Tháng Tám 2004

 

 

“Hãy tranh đấu để vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ  tìm cách vào mà không được” (Luca 13:24).

 

        Nhiều lần Ðức Giêsu đã so sánh Thiên đàng với một tiệc cưới, với một cuộc xum họp của gia đình chung quanh bàn tiệc. Trong kinh nghiệm con người của ta đó thực sự là những giây phút đẹp đẽ cùng vui tươi nhất. Nhưng bao nhiêu người sẽ vào được Thiên đàng, bao nhiêu người sẽ có chỗ trong “bàn tiệc”?

        Ðó là câu hỏi một hôm có người đặt ra cho Ðức Giêsu: “Thưa ngài, có phải những người được cứu thoát thì ít lắm phải không?” (Lc13:23). Như đã làm nhiều lần, Ðức Giêsu vượt lên trên cuộc tranh luận và đặt mỗi người trước quyết định phải thực hiện. Người mời gọi họ bước vào nhà Chúa.

        Nhưng việc đó không dễ. Cửa đi vào thì hẹp và không mở lâu. Thực vậy để theo Ðức Giêsu thì cần phải từ bỏ chính mình, từ bỏ ít là trong tinh thần, chính mình, sự vật cùng người ta. Cũng cần phải vác thập giá như Người đã làm. Một con đường khó khăn, đúng thế, nhưng với ơn Người giúp, tất cả chúng ta có thể qua được.

 

“Hãy tranh đấu để vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ  tìm cách vào mà không được”

 

        “Ði vào cửa rộng và vào con đường thênh thang” mà Ðức Giêsu nói đến ở chỗ khác, thì dễ hơn, nhưng nó dẫn đến chỗ “diệt vong” (Xem Mt 7:13). Trong thế giới tục hoá của ta, thế giới đầy ứ thuyết duy vật, tiêu thụ, hưởng lạc, hư danh, bạo động, mọi sự xem ra đều được phép. Người ta lo làm thỏa mãn mọi yêu cầu, chấp nhận mọi thỏa thuận miễn là đạt được hạnh phúc là đủ.

        Nhưng ta biết rằng chúng ta đạt được hạnh phúc đích thực bằng cách thương yêu và từ bỏ là điều kiện cần thiết cho tình thương. Ta cần phải được cắt tỉa để mang lại hoa qủa tốt. Cần phải chết đi cho chính mình để sống. Ðó là luật của Ðức Giêsu, một điều trái nghịch. Tâm thức hiện hành lôi kéo ta như một con sông nước cao và ta phải đi ngược giòng: đó là chẳng hạn phải biết từ bỏ ước muốn chiếm hữu, chống đối theo phe của mình, từ bỏ việc bôi nhọ đối phương; nhưng cũng cần phải chu toàn cách liêm chính và quảng đại công việc của mình, mà không làm tổn hại đến lợi ích của người khác; biết phân biệt chương trình mình có thể xem ở máy truyền hình và sách có thể đọc v.v.

 

“Hãy tranh đấu để vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ  tìm cách vào mà không được”

 

        Ðối với người để mình đi theo một cuộc sống dễ dãi và không có can đảm đối phó với cuộc hành trình Ðức Giêsu đề ra, thì tương lai của họ buồn thảm. Tin mừng cũng nói đến điều đó. Ðức Giêsu nói đến đau khổ của những người bị bỏ lại ở bên ngoài. Tự hào mình thuộc về một tôn giáo hay bằng lòng về một cách giữ đạo theo truyền thống sẽ không đủ. Nói rằng “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt người…” (Lc 13:26) cũng vô ích. Ơn cứu độ không phải được ban không cho bất kỳ ai.

        Khi nghe Chúa nói với mình: “Ta không biết các anh, ta không biết các anh từ đâu tới” (Lc 13:25) ta sẽ cảm thấy đau khổ. Ðó sẽ là sự cô đơn, thất vọng, tuyệt đối thiếu liên hệ với người khác, sự cắn rứt vì đã có dịp yêu thương và nay không thể yêu thương được nữa. Một sự dằn vặt không thể chấm dứt vì sẽ không cùng: “khóc lóc và nghiến răng” (Lc 13:28).

        Ðức Giêsu nhắc nhở ta điều đó, vì Người muốn điều tốt cho ta. Không phải Người sẽ đóng cửa lại, mà chính chúng ta sẽ đóng cửa lại trước tình thương của Người. Bởi vì Người tôn trọng sự tự do của ta.

 

“Hãy tranh đấu để vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ  tìm cách vào mà không được”

 

        Nếu cái cửa rộng đưa  đến diệt vong, thì cái cửa hẹp mở ra hạnh phúc đích thực. Sau mỗi mùa đông sẽ đến mùa xuân. Phải, chúng ta phải sống với thái độ sẵn sàng từ bỏ mà Tin mừng đòi hỏi, mang lấy thập giá của mình hàng ngày. Nếu chúng ta biết chịu đau khổ vì lòng mến yêu, hiệp nhất với Ðức Giêsu, Ðấng đã nhận lấy mọi đau khổ của ta, thì  ta sẽ cảm nhận trước được phúc thiên đàng.

        Ðiều đó đã xẩy ra cho Roberto, khi anh đến dự phiên toà cuối cùng xử người mà bốn năm trước đã gây ra cái chết cho ba anh. Sau khi tuyên án, bị can, cùng với người vợ và người cha, xem ra rất buồn khổ. “Lúc đó tôi muốn đến gần người đó, vượt trên sự kiêu hãnh ngăn cản tôi; để biểu lộ sự gần gũi của tôi đối với anh”.

        Nhưng người em gái bảo anh: “Chính họ là người phải xin lỗi mình mới phải…” Roberto thuyết phục người em và cả hai cùng đến với gia đình “kẻ thù”: “Nếu chúng tôi có thể làm gì cho anh chị bớt buồn rầu, thì xin anh chị biết rằng chúng tôi không giận gì anh chị đâu”. Ðôi bên xiết chặt tay nhau. “Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc tràn ngập người tôi: vì tôi đã biết nắm lấy dịp nhìn nhận đau khổ của kẻ khác và quên đi đau khổ của mình”.

 

Chiara Lubich

Lm. JB. Vượng, chuyển dịch

(Úc Châu)


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà