Có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ:

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp mà trước tiên lại không ngồi xuống tính tốn phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không. Kẻo lỡ ra, đặt  móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng. Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi.” (Luca 14:25-33).

 

Lời sống

Tháng Chín 2004

 

 

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi”

(Luca 14:33)

 

        Một đòi hỏi triệt để như vậy gây chấn động. Nó không chỉ dành riêng cho một loại người đặc biệt nào, như những vị truyền giáo, những tu sĩ, là những người phải được tự do đi khắp nơi để rao truyền Tin mừng. Ðòi hỏi ấy cũng không chỉ dành cho những thời buổi ngọai lệ, như có thể là thời buổi bách hại, khi người môn đệ không chỉ được đòi phải từ bỏ của cải, mà còn phải hiến chính mạng sống để trung thành với Chúa. Những lời này Ðức Giêsu ngỏ với tất cả mọi người. Như vậy tất cả mọi người chúng ta đều có thể đáp lại.

        Ðó là một trong những điều kiện để đi theo Ðức Giêsu, điều kiện mà Luca nhấn mạnh trong Tin mừng: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí… Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12:33-34); “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 1613); “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao” (Lc 18:24).

 

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi”

 

        Tại sao Ðức Kitô lại nhấn mạnh về việc từ bỏ của cải như vậy, đến chỗ làm cho việc đó nên một điều kiện không thể thiếu để có thể theo Người?

        Bởi vì sự giầu có đầu tiên trong cuộc sống ta, kho tàng đích thực là chính Người! Từ đó có lời mời gọi bỏ sang một bên tất cả những thần tượng, những “gì mình có” – là những cái có thể chiếm chỗ của Thiên Chúa ở trong ta.

        Người muốn ta được tự do, với tâm hồn không bị vương mắc một dính bén nào cùng bận tâm nào, hầu có thể thực lòng mến yêu Người hết tâm hồn, hết trí năng cùng sức lực. Những của cái thì cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng phải được dùng với thái độ xa tránh. Chúng ta phải sẵn sàng gạt đi mọi sự, khi chúng chiếm chỗ nhất trong tâm hồn mình. Nơi những người đi theo Ðức Giêsu, không có chỗ cho lòng ham muốn quá độ, cho việc hưởng thụ giầu sang, cho việc tìm kiếm thái qúa sự dễ dãi cùng an toàn.

        Người đòi ta từ bỏ của cải cũng bởi vì Người muốn ta mở rộng đến người khác, tiếp đón cùng yêu thương người bên cạnh như chính mình: từ bỏ của cải của mình vì lợi ích cho người đó. Nơi người môn đệ Ðức Giêsu, không có chỗ cho thói hà tiện và đóng kín đối với người nghèo.

 

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi”

 

        Vậy làm sao ta thực hành Lời sống này?

        Cách thế đơn giản nhất để ‘từ bỏ’ là ‘cho đi’.

        Dâng hiến cho Thiên Chúa bằng cách mến yêu Người, dâng lên Người cuộc sống của ta, để Người tùy ý sử dụng, luôn luôn sẵn sàng làm theo ý Người.

        Và để bầy tỏ cho Người lòng mến yêu này, chúng ta yêu thương những người anh chị em, sẵn sàng liều mọi sự vì họ. Cho dầu xem ra đối với ta không như vậy, chúng ta có nhiều điều để đóng góp: chúng ta có lòng yêu thương để hiến tặng, lòng thành thực để nói lên, niềm vui để thông đạt; ta có thời giờ để cho đi, lời kinh, những sự phong phú nội tâm để đóng góp; đôi khi ta có sự vật, sách vở, quần áo, xe cộ, tiền bạc… Chúng ta hãy cho đi đừng lý luận quá: “Nhưng cái này có thể dùng vào dịp này hay dịp khác…”. Mọi sự đều có thể ích lợi, nhưng lúc này khi chiều theo những ý kiến đó, rất nhiều dính bén sẽ lẻn vào tâm hồn ta và chúng luôn tạo nên những nhu cầu mới. Không, ta hãy tìm cách chỉ có cái ta cần mà thôi. Hãy để ý đừng đánh mất Ðức Giêsu vì một món tiền để dành, vì đôi điều ta có thể không cần đến.

 

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi”

 

        Ðối với “mọi sự” ta mất đi thì có “mọi sự” ta tìm được, qúy giá gấp ngàn lần. Người có được điều đó, ta hãy tin tưởng, sẽ là chính chúng ta, bởi vì ít nhiều điều ta cho đi, thì ta sẽ nhận được tràn đầy niềm vui và sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ trở nên những môn đệ đích thực.

        Bởi vì nếu một ly nước lã cho đi sẽ được thưởng, thì người vì Chúa mà cho người anh chị em mọi sự sẽ được phần thưởng gì?

        Một trong rất nhiều điều xẩy ra mà những người cùng chúng tôi thực hành “Lời sống” kể cho tôi, có một chuyện chứng thực điều đó.

        Một người cha gia đình ở Caracas (Nước Venezuela) bị mất việc. Sau hai tuần lễ ông ta bị bệnh nặng. Chính trong những ngày đó ông bị mất cắp xe. Ðối với ông ta và gia đình đó là một lúc rất khó khăn. Không mấy chốc họ nhận ra là sẽ phải rời bỏ căn nhà vì không thể trả tiền thuê.

        Trong lúc đó một người bạn nghèo của gia đình này cảm thấy trong tâm hồn sự thúc đẩy đáp lại tình thương Thiên Chúa cách triệt để và thực hành Lời chúa theo gương những tín hữu Kitô đầu tiên là những người  đã để chung mọi sự.

        Chính buổi tối hôm đó, khi tâm sự ước muốn này với vợ, cả hai người cùng quyết định chừa một phần nhà của mình cho gia đình kia. Cái nghèo của họ không thể là lý do để cho gia đình kia phải ra sống ngoài đường. Tuy nhiên căn nhà của họ chưa làm xong…

        Bất ngờ ngày hôm sau họ nhận được một món tiền giúp xây phần còn lại của căn nhà.

 

                                                        Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà