“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Ðức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cô-lô-xê 3:12-15).

 

Lời sống

Tháng Mười Hai 2004

 

 

“Như Chúa đã tha thứ cho anh em thế nào thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy”

                                                                                                                    (Cô-lô-xê 3:13)

 

 

Lễ Giáng sinh gần tới, Chúa sắp đến, và phụng vụ mời gọi chúng ta dọn đường cho Người.

          Khi đi vào lịch sử hai ngàn năm xưa, Chúa muốn đi vào cuộc sống ta, nhưng con đường trong ta nổi đầy những chướng ngại. Cần phải san bằng những ngọn núi nhỏ, bạt đi những ổ đất. Ðâu là những chướng ngại có thể chặn đường Ðức Giêsu?

          Ðó là tất cả mọi ước muốn không phù hợp với ý Thiên Chúa nổi lên trong tâm hồn ta, là những dính bén bóp nghẹt tâm hồn; những ước muốn lên tiếng hay im lặng nho nhỏ, khi ta phải làm khác đi; những ước muốn được khẳng định, được trọng vọng, được yêu thương; những ước muốn về sự vật, sức khỏe, sự sống… khi Thiên Chúa không muốn như vậy; những ước muốn xấu, nổi loạn, lên án, trả thù…

          Chúng nổi lên trong tâm hồn ta và xâm chiếm tất cả. Cần phải cương quyết dập tắt những ước muốn ấy, gạt đi những chướng ngại này, đưa mình trở lại ý Chúa và như thế ta chuẩn bị đường đi cho Chúa.

 

“Như Chúa đã tha cho anh em thế nào thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy”

 

          Lời này thánh Phaolô viết cho những tín hữu Kitô thuộc cộng đoàn của mình, bởi vì khi đã nghiệm được ơn tha thứ của Chúa, họ có được khả năng tha thứ cho người làm điều bất công đối với họ. Thánh nhân biết rằng các tín hữu đó đặc biệt có khả năng vượt trên những giới hạn tự nhiên để yêu thương, đến chỗ thí cả mạng sống cho kẻ thù. Ðược Ðức Giêsu và cuộc sống theo Tin mừng đổi mới, những tín hữu đó tìm được sức mạnh để vượt ngoài những lý lẽ hay những sai lầm và cùng mọi người hướng về hiệp nhất.

          Nhưng tình thương nằm ở đáy lòng con người và mỗi người đều có thể thực thi Lời này.

          Hiền triết Phi châu diễn tả thế này: “Hãy làm như cây dừa: người ta ném đá vào nó và nó làm cho qủa rụng xuống”.

          Như thế không đáp lại một lầm lỗi, một xúc phạm thì không đủ…, ta phải làm hơn nữa: hãy làm điều tốt cho người làm điều xấu cho ta, như các tông đồ nhắc nhở: “Ðừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại hãy chúc phúc” (1Pt 3:9); “Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng” (Roma 12:21)

 

“Như Chúa đã tha cho anh em thế nào thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy”

 

          Làm thế nào ta thực hành được Lời này?

          Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người chúng ta đều có thể có bà con, bạn học hay bạn cùng sở, những bạn hữu đã làm điều xúc phạm, bất công, điều xấu… cho ta. Có thể ta không có ý nghĩ trả thù, nhưng trong lòng ta có thể vẫn còn tức tối, cay đắng hay dửng dưng, là điều ngăn cản mốI liên hệ hiệp thông đích.

          Vậy ta phải làm gì?

          Ta hãy thức dậy ban sáng với thái độ “ân xá” hoàn toàn trong lòng, với tình thương che phủ mọi sự, biết đón nhận người khác như chính họ đáng được, với những giới hạn, những khó khăn của họ, giống như một bà mẹ với đứa con lầm lỗi của mình: bà luôn bào chữa, tha thứ cho con, luôn hi vọng nơi con mình…

          Chúng ta hãy đến với mỗi người, nhìn họ với con mắt mới, như thể chưa bao giờ gặp những khuyết điểm đó.

          Ta hãy bắt đầu lại mỗi lần, vì biết rằng Thiên Chúa không chỉ tha thứ, mà còn quên đi: đó chính là mức độ đòi hỏi cả nơi chúng ta.

          Ðiều đó đã xẩy ra cho một người bạn chúng tôi tại một quốc gia đang bị chiến tranh. Người đó đã nhìn thấy cha mẹ, người em và rất nhiều bạn hữu của mình bị giết. Niềm đau đớn trở thành cơn nổi loạn, đến độ anh mong cho những kẻ giết người bị phạt xứng với tội của họ.

          Tuy vậy những lời của Ðức Giêsu dạy cần phải tha thứ luôn trở lại trong đầu óc anh, nhưng chúng xem ra không thể thực hiện đươc. Anh tự hỏi “Làm sao tôi có thể yêu mến kẻ thù được?” Anh cần nhiều tháng và nhiều lời cầu nguyện để có thể bắt đầu tìm được đôi chút bình an.

          Nhưng một năm sau, khi biết là không phảI ai ai cũng đều biết những kẻ sát nhân, mà chúng còn tự do đi lại trong xứ sở, cơn tức giận lại một lần nữa dầy vò cõi lòng, anh bắt đầu nghĩ đến việc phải làm gì, nếu gặp mặt những “kẻ thù” ấy. Anh khẩn khoản nài xin Thiên Chúa làm cho tinh thần anh diụ xuống, cho anh có khả năng tha thứ một lần nữa.

          Anh kể rằng “được mẫu gương của những người bạn cùng sống Tin mừng giúp đỡ, tôi hiểu rằng Thiên Chúa đòi tôi đừng theo đuổi những giấc mơ đó nữa, mà nên chú ý vào việc yêu thương những người đang sống cạnh tôi, những người đồng sở, những bạn hữu… Trong tình thương cụ thể đối với họ, dần dần tôi tìm được sức mạnh để tha thứ tất cả cho những ngườI đã giết gia đình tôi. Bây giờ tôi được an bình trong lòng”.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà