“Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lê-ma sa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!” Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu câu sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” Ðức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.”

 

Lời  Sống

Tháng Ba 2005

 

 

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con”

                                                                                             (Mt 27:46)

 

Nếu có một thực tại bí nhiệm trong cuộc sống chúng ta thì đó là đau khổ. Ta muốn tránh nó, nhưng sớm muộn gì đau khổ cũng tới. Từ cơn nhức đầu thông thường, cái xem ra làm hại những hoạt động thông thường nhất hàng ngày, cho đến sự buồn rầu vì đứa con theo con đường lầm lạc; từ thất bại trong việc làm, cho đến tại nạn giao thông lấy đi một người bạn hoặc một người trong gia đình; từ sự xấu hổ vì một bài thi trượt, cho đến sự lo sợ vì chiến tranh, khủng bố, tai họa môi sinh.

Ðứng trước đau khổ ta cảm thấy mình bất lực. Cả người ở gần ta và yêu thương ta cũng thường không thể giúp ta giải quyết được điều đó; vậy mà đôi khi chỉ cần có người chia sẻ nỗi đau khổ với ta trong im lặng thì đã đủ.

Ðức Giêsu đã làm điều đó: Người gần gũi mỗi người, đến độ chia sẻ mọi sự với ta. Hơn thế, Người đã nhận lấy cho mình hết mọi đau khổ của ta và trở nên đau khổ với ta, đến chỗ kêu lên:

 

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con”

 

Lúc đó vào khoảng ba giờ chiều, khi Ðức Giêsu kêu lên lớn tiếng như vậy. Từ ba tiếng đồng hồ dài dẵng Người đã bị treo trên thập giá, tay chân bị đóng đinh.

Người đã sống cuộc đời ngắn ngủi của mình trong thái độ luôn vị tha đối với mọi người: Người đã chữa lành những bệnh nhân, làm cho người chết sống lại, làm cho bánh nên nhiều và tha thứ cho người tội lỗi, đã nói lên những lời đầy khôn ngoan đem lại sự sống.

Trên thập giá Người còn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình, mở cửa thiên đàng cho người trộm cướp, và cuối cùng ban cho chúng ta thịt máu của Người, sau khi đã ban chúng cho ta trong Thánh thể. Rồi cuối cùng Người kêu lên:

 

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con”

 

Nhưng Ðức Giêsu không để cho đau khổ thắng vượt mình; giống như cách biến chế thần linh, Người biến đổi đau khổ nên tình thương, nên sự sống. Thực vậy chính đang khi xem ra Người cảm thấy mình vô cùng xa rời Chúa Cha, bằng một nỗ lực nội tại và không tưởng được, Người đặt tin tưởng vào tình thương Chúa Cha và lại phó thác hoàn toàn nơi Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Người lập lại mối hiệp nhất giữa Trời với đất, mở ra cho ta cửa Nước Trời, làm cho ta hoàn toàn nên con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

Ðó là mầu nhiệm sự chết và sự sống chúng ta cử hành trong những ngày lễ Vượt qua, lễ Phục sinh này.

Ðó cũng là mầu nhiệm mà Ðức Maria, môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu, đã cảm nghiệm cách hoàn toàn. Dưới chân thập giá, Ðức Mẹ cũng được mời gọi “mất đi” tất cả những gì qúy giá nhất của Người: đó là Con Thiên Chúa. Nhưng lúc đó, chính vì chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, Người trở thành Mẹ của muôn vàn con cái,  trở nên Mẹ chúng ta.

 

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con”

 

Với đau khổ vô cùng Người chịu, là giá trả để cứu độ chúng ta, Ðức Giêsu liên kết với tất cả mọi người chúng ta, Người nhận lấy cho mình nỗi mệt mỏi của ta, những ảo tưởng của ta, sự hỗn loạn của ta, những thất bại của ta và dạy ta biết sống thế nào.

Nếu Người đã nhận lấy tất cả mọi khổ đau, những chia rẽ, những nỗi kinh hoàng của nhân loại, thì tôi có thể cho rằng ở đâu tôi nhìn thấy đau khổ, nơi mình hoặc nơi những người anh chị em, ở nơi đó tôi thấy Người. Mỗi đau khổ thể lý, luân lý, tinh thần, đều nhắc nhớ tôi về Người, đều là một sự hiện diện của Người, là diện mạo của Người.

Tôi có thể nói lên: “Trong đau khổ này con mến yêu Chúa, Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Chính Chúa, khi nhận lấy đau khổ của con, Chúa đến thăm con. Vậy con mến yêu Chúa, con chấp nhận Chúa!”

Sau đó nếu chúng ta nỗ lực mến yêu, đáp lại ơn sủng Người ban, mong muốn điều Chúa muốn cho ta trong giây phút tiếp theo, sống cuộc sống của ta vì Người, thì chúng ta nhận thấy rằng rất thường đau khổ sẽ biến mất. Ðiều đó bởi vì tình thương mời gọi những ân sủng của Thánh thần: đó là niềm vui, ánh sáng, an bình. Ðấng sống lại ngời lên trong chúng ta.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà