Lời Sống

Tháng Tư 2005

 

 

“Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào”

                                                                             (Ga 10:10)

 

          Ðức Giêsu thường nói bằng hình ảnh và dụ ngôn. Ðó là một cách thế đơn giản và hiệu nghiệm để dạy những sự thật sâu xa nhất Người đưa đến. Nét tương tự của người mục tử với đoàn chiên mà Lời Sống này ghi khắc gợi lên cho người nghe cảnh tượng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Ðức Giêsu gợi lại cho họ hình ảnh những kẻ trộm và quân cướp là những kẻ giống như sói dữ cướp bóc đoàn chiên. Trái lại Người sánh mình với người mục tử nhân lành, người thực sự yêu thương chiên của mình, đưa dẫn cùng bảo vệ chúng, đến chỗ đương đầu với cái chết nếu cần!

          Nhưng nơi Ðức Giêsu, ngoài dụ ngôn, điều đó trở thành thực tại: Người thực sự chết trên thập giá “để ta được sống” (1Ga 4:9).

 

“Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào”

 

          Người đến bởi vì Chúa Cha sai Người đưa đến cho chúng ta sự sống thần linh. Thực vậy Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến độ ban Con mình, để ai tin vào Người thì không phải chết, mà được sống muôn đời (Xem Ga 3:16).

          Sự sống Ðức Giêsu đem đến cho ta không chỉ là sự sống trần gian ta nhận được từ cha mẹ. Thực vậy sự sống Người ban cho ta là “sự sống đời đời”, cũng là tham dự vào sự sống của Con Thiên Chúa, là đi vào mối hiệp thông thân thiết với Thiên Chúa: đó chính là sự sống của Thiên Chúa mà Ðức Giêsu có thể thông ban cho ta, bởi vì chính Người là sự Sống. Người đã nói: “Tôi là sự Sống” (Xem Ga 14:6), và “tất cả chúng ta đã lãnh nhận từ nguồn sung mãn của Người” (Ga 1:16).

          Nhưng chúng ta biết, sự sống của Thiên Chúa là tình thương.

          Ðức Giêsu, Con  Thiên Chúa, Ðấng là Tình thương, khi đến thế gian đã sống vì tình thương, và đã đem đến cho chúng ta chính tình thương nồng cháy nơi Người. Người ban cho ta cùng một ngọn lửa từ lò lửa vô cùng ấy và muốn cho chúng ta nên “sống động” bằng sự sống của Người.

 

“… và sống dồi dào”

 

          Bởi vì Ðức Giêsu không chỉ có sự sống, mà “là” sự sống, nên Người có thể ban sự sống dồi dào, cũng như Người ban dồi dào niềm vui (Xem Ga 17:13).

          Hồng ân Thiên Chúa lúc nào cũng vô hạn, vô cùng và quảng đại như chính Thiên Chúa. Cũng thế Người đáp lại những ước vọng sâu xa nhất nơi tâm hồn con người, sự đói khát một cuộc sống tràn đầy và không cùng. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thoả ước vọng đến vô biên. Thực vậy sự sống của Người là “sự sống đời đời”, một ân huệ không chỉ dành cho tương lai, mà cho hiện tại. Sự sống của Thiên Chúa trong ta khởi sự ngay từ bây giờ và không bao giờ mai một.

          Làm sao không nghĩ đến các tín hữu Kitô thành toàn là các thánh nhân? Ðối với chúng ta, các ngài xem ra thật đầy tràn sự sống đến độ trào ra chung quanh.

          Từ đâu thánh Phan-xi-cô có được vòng tay đại đồng, có khả năng tiếp nhận những người nghèo, đi đến với vị Sun-tan (vua Hồi giáo), nhìn nhận thụ tạo như anh em mình? Từ đâu Mẹ Têrêsa người Calcutta đã có được tình thương cụ thể, làm cho người nên người mẹ cho mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi, nên người chị đối với mỗi người cô đơn? Các ngài có được sự sống lạ lùng, sự sống Ðức Giêsu đã ban.

 

“Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào”

 

          Làm sao ta thực hành Lời này?

          Chúng ta hãy tiếp nhận sự Sống Ðức Giêsu đã ban cho ta và sống động trong ta nhờ phép Thanh tẩy ta đã lãnh nhận và nhờ lòng tin, sự Sống có thể luôn nẩy nở theo mức độ ta mến yêu. Chính tình thương làm cho ta sống động. Thánh Gioan viết, ai mến yêu thì người đó ở lại nơi Thiên Chúa (1 Gv 4:16) tham dự vào chính sự sống của Người. Phải, bởi vì nếu tình thương là sự sống và là bản tính của Thiên Chúa, thì tình thương cũng là sự sống cùng bản tính của con người. Như vậy cũng đúng là tất cả những lần chúng ta không mến yêu thì ta không sống thực.

          Cuộc ra đi về trời của chị Renata Borlone là một bằng chứng hùng hồn về điều đó. Trong những tháng này Giáo hội đã khởi sự hồ sơ phong chân phước cho chị. Sau khi chấp nhận với hết tâm hồn tin mình sắp chết như ý Chúa, chị cho biết chị muốn làm chứng rằng “chết là sống”, là phục sinh, và với ơn Chúa giúp, chị quyết định biểu lộ điều đó cho đến cùng. Và chị đã thành công, bằng cách biến đổi một biến cố đau thương nên thời Phục sinh.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, chuyển ngữ

 

 


Trở Về Mục Lục