Lời Chúa

 

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em!

                   Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo:

                   “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

                   Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha;

Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em!

                   Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo:

                   “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

                   Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha;

Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

 

Lời sống

Tháng năm 2005

 

“Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.”

                                                                                              (Gioan 20:21)

 

Lúc đó là buổi tối ngày lễ Vượt qua. Ðức Giêsu sống lại đã hiện ra với bà Maria người Magdala; ông Phêrô và Gioan đã nhìn thấy ngôi mồ trống. Vậy mà các môn đệ vẫn còn đóng kín cửa trong nhà, rất sợ hãi, cho đến khi Ðấng sống lại đến giữa các ông, lúc cửa còn đóng, vì không gì có thể  ngăn cách Người với các bạn hữu mình nữa.

Ðức Giêsu đã ra đi, nhưng như đã hứa, bây giờ Người trở lại để ở lại mãi mãi: “Người đứng giữa các ông”; đây không phải là cuộc hiển hiện trong chốc lát, mà là sự hiện diện trường tồn! Từ nay trở đi các môn đệ không còn bơ vơ nữa và sự sợ hãi nhường chỗ cho một niềm vui sâu xa: “Các ông vui mừng vì được thấy Người” (Ga 20:20).

Ðấng sống lại mở rộng lòng các ông và các cửa nhà ra toàn thế giới, khi Người nói:

 

“Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.”

 

Ðức Giêsu đã được Chúa Cha sai đi để giao hòa mọi sự với Thiên Chúa và lập lại sự hiệp nhất của nhân loại. Bây giờ đến lượt các môn đệ tiếp tục xây dựng Giáo hội. Như Ðức Giêsu đã có thể hoàn tất chương trình của Chúa Cha vì Người luôn hiệp nhất với Cha, thì các ông cũng có thể tiếp tục sứ mạng cao cả của Người vì Người ở với các ông. “Con ở nơi chúng” (Ga 17:23).

Từ Chúa Cha đến Ðức Giêsu, từ Ðức Giêsu đến các tông đồ, từ các tông đồ đến những người kế vị các ngài mệnh lệnh này không bao giờ giảm thiểu.

Nhưng mỗi tín hữu Kitô cũng phải cảm thấy vang lên trong lòng mình những lời này của Ðức Giêsu. Thực vậy, “trong Giáo hội có nhiều sứ vụ khác nhau, nhưng cùng chung một sứ mệnh” (Công đồng Vaticanô II, Tông đồ giáo dân, 2).

 

“Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.”

 

Ðể chu toàn mệnh lệnh này của Chúa, chúng ta phải làm thế nào để Người sống động trong ta. Làm thế nào? Bằng cách nên những phần thể sống động của Giáo hội, đồng hóa mình với Lời Chúa, rao truyền Tin mừng cho mình trước tiên.

Ðó là một trong những bổn phận mà Ðức Gioan Phaolô II gọi là “công cuộc rao truyền Tin mừng mới”. NgườI viết: “Nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa, để nên ‘những tôi tớ của Lời Chúa’ trong nỗ lực rao truyền Tin mừng: chắn chắn đây là việc ưu tiên của Giáo hội vào đầu ngàn năm mới” (Novo millennio ineunte, 40), bởi vì “chỉ có con người được luật tình thương của Ðức Kitô cùng ánh sáng của Chúa Thánh thần biến đổi, mới có thể thi hành một cuộc cải đổi thực sự (metanoia) nơi tâm hồn cùng tâm trí của người khác, nơi môi sinh, nơi các quốc gia hoặc trên thế giới” (Lời Ðức Giáo hoàng nói ngày 19 tháng hai 1998).

Ngày nay lời nói không đủ. Ðức Phaolô VI đã nhận xét rằng “Con người ngày nay nghe lời các chứng nhân hơn là lời các thầy dậy, và nếu họ nghe lời các thầy dậy thì đó là vì những người này là chứng nhân” (Tiếp kiến chung ngày 2.10.1974). Việc rao truyền Tin mừng sẽ có hiệu qủa, nếu nó rơi xuống trên cuộc sống chứng tá, như các tín hữu Kitô đầu tiên đã làm, khi ho có thể nói: “Chúng tôi loan báo cho anh em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe…” (Xem 1Ga 1:1); sẽ có hiệu qủa nếu người ta có thể nói về chúng ta như đã nói về các tín hữu đầu tiên rằng: “Hãy xem họ thương yêu nhau đến thế nào, họ sẵn sàng thí mạng sống cho nhau” (Tertuliano, Apologetico, 39,7); sẽ có hiệu qủa, nếu chúng ta làm cho tình thương nên cụ thể bằng cách cho đi, cho người thiếu thốn, rồi chúng ta sẽ biết cho của ăn, áo mặc, nhà cửa cho người bần cùng, đem lại sự gần giũi cho người cô đơn hoặc thất vọng, sự nâng đỡ cho người bị thử thách.

Khi sống như vậy, chúng ta sẽ cho thế gian nhìn thấy sức hấp dẫn của Ðức Kitô và, khi trở thành những Kitô khác, công trình của Người cũng sẽ tiếp tục nhờ đóng góp này.

 

“Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.”

 

Ðó là kinh nghiệm của một số bác sĩ cùng y tá. Vào năm 1966, họ được biết tình trạng của dân tộc Bangwa sống tại Cameroon, Phi châu. Bộ lạc này lúc đó bị nhiều chứng bệnh, làm cho con số trẻ em chết lên đến 90 phần trăm, đe dọa sự diệt vong hoàn toàn.

Những bác sĩ cùng y tá đó lên đường để sống với dân tộc Bangwa và họ cảm thấy bổn phận đầu tiên của mình là tiếp tục thương yêu nhau để làm chứng cho Tin mừng. Họ yêu thương từng người không phân biệt ai, bằng việc phục vụ chuyên môn, họ mở nhà phát thuốc, nơi chẳng mấy chốc trở thành một bệnh viện. Số trẻ em chết yểu giảm xuống 2 phần trăm. Ở giữa rừng sâu, họ lập một nhà biến điện, sau đó một trường học với các lớp sơ đẳng cùng cao cấp. Với thời gian, cùng sự đóng góp của chính dân  chúng, họ mở 12 con đường để nối liền các làng với nhau.

Tình thương cụ thể ấy lôi kéo người khác: đa số dân chúng đều chia sẻ cuộc sống mới, các làng mạc trước kia kình địch nhau nay làm hòa; những cuộc tranh cãi về ranh giới được giải quyết ổn thỏa; những vị vua của các tộc, đã thực hiện giao ước thương yêu nhau và sống tình huynh đệ, trong một cuộc trao đổi qùa tặng, họ cho thấy một chứng từ tuyệt hảo, một mẫu gương  độc đáo, đích thực.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, chuyển ngữ


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà