Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

          Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất hứa làm gia nghiệp.

          Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

          Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được no thỏa.

          Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được xót thương.

          Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

          Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

          Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

                                                                             (Mat-thêu 5:3-10)

 

Lời Sống

Tháng Mười Một 2005

 

“Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

(Matthêu 5:4)

 

“Bài giảng trên núi” là một loạt giáo huấn khi Ðức Giêsu khởi đầu sứ mạng của Người; bài giảng mở đầu với những mối phúc. Tháng này chúng ta chú tâm vào mối phúc thứ hai trong tám mối phúc. Ðó là “Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

 

          Ai là người hiền lành? Ðó là người không nóng giận trước sự dữ, và không để mình bị những cảm súc hung bạo lôi kéo. Người đó biết làm chủ và kìm hãm những phản ứng của mình, nhất là sự nóng nảy và giận dữ. Dầu sao thì sự hiền lành của người đó không giống như sự yếu đuối hoặc sợ hãi. Ðó không phải là thái độ ưng theo hoặc đồng lõa với sự dữ. Trái lại hiền lành đòi hỏi một sức mạnh lớn lao trong tâm hồn, nơi mà sự giận dữ cùng báo thù nhường chỗ cho thái độ mạnh dạn cùng bình lặng của lòng tôn trọng người khác.

          Khi chúc phúc cho người hiền lành, Ðức Giêsu đưa ra một kiểu khiêu khích mới: đó là giơ má kia ra, làm điều tốt cho kẻ làm điều ác cho mình, đưa cả áo ngoài cho kẻ đòi áo trong… Thái độ hiền lành thắng vượt sự dữ bằng sự thiện. Ðức Giêsu hứa nhiều cho những ai sống như vậy:

 

“…họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

 

          Trong lời hứa cho đất, người ta nhận ra một quê hương khác, quê hương mà trong mối phúc đầu tiên và cuối cùng Ðức Giêsu gọi là “Nước Trời”: đó là cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa, cuộc sống trọn vẹn không bao giờ cùng.

          Ai sống đức hiền lành là người cho đến nay được chúc phúc, bởi vì ngay từ bây giờ họ đã nghiệm được là có thể biến đổi thế giới chung quanh mình, trước hết bằng cách biến đổi những mối quan hệ. Trong một xã hội nơi mà bạo động, sự ngạo mạn, đàn áp, bá chủ, thì người đó trở nên “dấu chỉ mâu thuẫn” và giãi tỏa đức công bình, lòng thông cảm, lòng khoan dung, dịu dàng, qúy trọng người khác.

          Những người hiền lành, đang khi vất vả để xây đắp một xã hội công bình hơn cùng đích thực hơn – theo Tin mừng -, họ chuẩn bị để nhận làm gia nghiệp Nước Trời và sống “ở trời mới và đất mới.”

 

“Phúc thay những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

 

          Ðể biết phải thực hành Lời sống này thế nào thì chúng ta chỉ cần nhìn xem Ðức Giêsu đã sống thế nào thì đã đủ. Người là Ðấng đã nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm tốn” (Mat 11:29). Nơi Người đức hiền lành biểu lộ như một phẩm tính của tình thương. Thực vậy, tình thương đích thực mà Chúa Thánh thần đổ vào lòng chúng ta là “hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Ga-lát 5:22).

          Phải, người nào mến yêu thì không phá phách, không vội vã, không làm mất lòng, không làm hại.

          Người nào mến yêu thì tự chủ, dịu dàng, hiền lành, nhẫn nại.

          Toàn thể Tin mừng cho ta thấy rõ ràng “nghệ thuật mến yêu” đó. Rất nhiều trẻ em đã học biết nghệ thuật này. Tôi được biết là các em này chơi với một con súc sắc đặc biệt mà các em gọi là “con súc sắc tình thương”. Mỗi mặt của con súc sắc có viết một câu dạy phải mến yêu thế nào theo như Ðức Giêsu dạy: đó là yêu thương mọi người, yêu thương lẫn nhau, bắt đầu mến yêu trước, trở nên như người khác, mến yêu Ðức Giêsu nơi người khác, yêu thương kẻ thù. Ban sáng các em đổ con súc sắc và tìm cách đem thực hành câu hiện lên trên mặt.

          “Con súc sắc” của các trẻ em có thể cũng lây sang người lớn và cũng dạy họ phải sống đức hiền lành.

          Một hôm ba của Pa-cô, một em bé ba tuổi sống tại Caracas, Venezuela, về nhà với vẻ tức bực, vì đã có cuộc to tiếng với một người cùng sở. Anh kể lại với vợ và chị cũng cảm thấy tức bực với người đó. Pa-cô vào phòng, lấy con súc sắc ra và nói với ba má: “Ba má hãy đổ con súc sắc tình thương!” Họ cùng đổ. “Mến yêu kẻ thù”. Lúc đó ba má em Pa-cô hiểu mình phải làm gì.

          Khi suy nghĩ kỹ, chúng ta nhận ra rằng có những người sống đức hiền lành cao độ trong cuộc sống hàng ngày.

          Nơi những vĩ nhân đã ra đi, như Ðức Gio-an Phao-lô II, Mẹ Tê-rê-sa ở Calcutta, Thầy Roger Schutz, chúng ta đã thấy đức hiền lành giãi tỏa trên thế giới đến độ khắc sâu vào xã hội và lịch sử, cùng khích lệ ta trong cuộc sống.

 

                                                                   Chiara Lubich

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà