Lời Sống

Tháng Giêng 2006

“Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”

                                                                                    (Mát-thêu 18:20)

 

          “Em-ma-nu-en”, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!” Tin mừng Mát-thêu mở đầu với cái tin khác thường này (Mt 1:3). Bởi vì nơi Ðức Giêsu, Em-ma-nuen, Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta.

          Sau đó Tin mừng kết thúc với một lời hứa còn lớn lao và kinh ngạc hơn nữa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

          Sự hiện diện của Thiên Chúa ở  giữa chúng ta không giới hạn trong một giai đoạn lịch sử, nơi sự hiện diện thể lý của Ðức Giêsu trên trần gian. Thiên Chúa ở lại với chúng ta mãi mãi.

          Làm sao Người ở lại được? Ở đâu chúng ta có thể gặp Người?

          Câu trả lời nằm ở trung tâm của Tin mừng Mát-thêu, khi Ðức Giêsu dạy cộng đoàn của Người là Giáo hội phải sống thế nào. Nhiều lần Người đã nói đến cộng đoàn đó: cộng đoàn xây lập trên đá tảng Phê-rô, cộng đoàn được lời Người tụ tập lai chung quanh Thánh thể… Nhưng ở đây Người cho thấy cá tính đặc thù sâu xa nhất của nó: Hội thánh là chính bản thân Người hiện diện giữa tất cả những ai họp lại nhân danh Người.

          Chúng ta có thể được Người luôn hiện diện giữa chúng ta, có thể có được kinh nghiệm về một Giáo hội sống động, có thể sống thực tại làm nên Giáo hội.

 

“Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”

 

          Nếu chính Người, Chúa sống lại, là Ðấng tụ tập các tín hữu lại chung quanh mình và giữa họ với nhau và làm cho tất cả nên thân thể của Người, thì mọi chia rẽ trong các gia đình và các cộng đoàn chúng ta sẽ làm thay đổi bộ mặt của Giáo hội. Một Ðấng Kitô bị xé nát thành nhiều mảnh thì không ai có thể nhận ra được nữa, Người bị méo mó.

          Ðiều đó cũng đúng đối với những mối liên hệ giữa các Giáo hội khác nhau và giữa các cộng đoàn trong Giáo hội. Cuộc hành trình đại kết đã làm cho chúng ta ý thức rằng “điều hợp nhất chúng ta thì hơn là điều chia rẽ chúng ta”. Và nếu vẫn còn một vài khía cạnh về giáo lý và thực hành Ðạo, ở đó chưa có sự hiệp nhất trong đức tin, thì “điểm nền tảng cho những gì hiệp nhất chúng ta là sự hiện diện của Ðức Kitô sống lại” (Tài liệu về tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô).

          Chúng ta hợp nhau lại nhân danh Ðức Giêsu để cùng nhau cầu nguyện, để hiểu biết và chia sẻ những sự phong phú của đức tin Kitô, để xin lỗi nhau, là tiền đề để vượt qua rất nhiều chia rẽ. Xem ra đó là những sáng kiến nhỏ nhoi, nhưng “không gì vô nghĩa khi làm vì lòng mến yêu”. Ðức Giêsu ở giữa chúng ta là “nguồn đem lại sự hiệp nhất cho chúng ta”, Người sẽ chỉ cho chúng ta “con đường để trở thành những dụng cụ đem lại sự hiệp nhất Thiên Chúa mong muốn”.

          Ủy ban đức Tin và Hiến chế của Hội đồng đại kết các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô đã viết như vậy, khi đề ra “Lời sống” này. Tài liệu này đã được một nhóm đại kết ở Dublin (Ái-len) biên soạn. Thực vậy chính từ năm 1968 trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô chúng ta đã cùng nhau sống cùng một “Lời sống”: đây là dấu chỉ và niềm hi vọng cho cuộc hành trình tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn và tỏ tường giữa các Giáo hội.

“Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”

 

          Nhưng hợp nhất nhân danh Ðức Giêsu nghĩa là gì?

          Nghĩa là hợp nhất nơi Người, theo ý muốn của Người. Chúng ta biết là niềm ước ao cao cả nhất của Người, giới răn “của Người”, là giữa chúng ta có tình thương yêu lẫn nhau. Vậy ở đâu có hai hay nhiều người sẵn sàng thương yêu nhau như vậy, có khả năng từ bỏ mọi sự, miễn là có được sự hiện diện của Người, thì mọi sự chung quanh sẽ thay đổi. Ðức Giêsu sẽ có thể đi vào nhà chúng ta, vào những nơi làm việc cùng học hành, vào các nghị viện và các vận động trường để biến đổi mọi sự.

          Sự hiện diện của Người sẽ là ánh sáng để giải quyết những vấn đề, sẽ là tính sáng tạo để đương đầu với những tình trạng cá nhân và xã hội mới, sẽ là lòng can đảm để thực hiện những chọn lựa khó khăn, sẽ là men cho cuộc sống con người với rất nhiều diễn tả của nó.

          Sự hiện diện thiêng liêng, nhưng có thưc, của Người sẽ ở nơi các gia đình, giữa các công nhân nơi nhà máy, nơi văn phòng, nơi các hãng xưởng, sẽ ở với nông dân ngoài đồng, sẽ ở giữa các người buôn bán, giữa những người phục vụ công cộng, nơi mọi môi trường.

          Ðức Giêsu, Ðấng sống giữa chúng ta vì tình thương yêu lẫn nhau luôn đổi mới và tỏ tường, sẽ lại hiện diện trên thế giới và sẽ giải phóng thế giới khỏi những tình trạng nô lệ mới. Và Chúa Thánh thần sẽ mở ra những con đường mới.

 

“Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”

 

          Qua kinh nghiệm, với lòng cảm tạ Thiên Chúa, thật  rất đúng tất cả những gì tôi đã viết nhiều năm về trước, chúng ta có thể nói rằng nếu ta hiệp nhất thì Ðức Giêsu ở giữa chúng ta. Ðiều đó đáng giá hơn bất cứ kho tàng nào khác tâm hồn ta có thể có được: hơn cả mẹ, cha, anh em, con cái. Ðiều đó đáng giá hơn nhà cửa, việc làm, cơ nghiệp; hơn cả những tác phẩm nghệ thuật của một thành phố lớn như Roma, hơn cả những công việc của ta, hơn cả thiên nhiên quanh ta với hoa và đồng cỏ, biển cả và trăng sao: hơn cả tâm hồn chúng ta!

          Thật là một chứng tá lớn lao ta đem lại cho thế giới, chẳng hạn, về tình thương lẫn nhau theo Tin mừng giữa một người công giáo và một người thuộc giáo hội ác-mê-nô, giữa một người thuộc giáo hội mê-thô-đít và một người thuộc giáo hội chính thống!

          Như vậy ngày nay chúng ta cũng hãy sống cuộc sống Người ban cho ta từng giây từng phút trong tình bác ái.

          Tình huynh đệ là giới răn nền tảng. Nhờ đó mọi sự đều có giá trị, khi chúng là diễn tả của lòng bác ái huynh đệ chân thành. Không gì chúng ta làm có giá trị, nếu ở đó không có tình thương đối với người anh em: nghĩa là Thiên Chúa là Cha và Người luôn chỉ mang trong lòng những con cái của mình mà thôi.

          Chúng ta hãy sống thế nào để luôn có Ðức Giêsu ở với mình, để đưa Người đến thế gian không biết đến niềm an bình của Người.

           

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng chuyển ngữ


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà