Lời Chúa

Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thí thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái nghịch với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chie chén,và những điều khác giống như vậy. Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Ðức Itô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thít vào thập giá cùng vơói các dục vọng và đam mê. (Ga-lát 5:16-25).

 

Lời sống

Tháng Sáu 2006

 

“Anh em hãy sống theo Thần khí… Nếu anh em để cho Thần   khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” . (Galát 5:16.18)

 

“Anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do” (Gl 5:13). Ðây là lời ông Phaolô người Tác-sô loan báo cho các tín hữu Kitô sống tại nhiều cộng đoàn ở Ga-lát. Lời loan báo này lặp lại những lời của Ðức Giêsu, khi Người nói rằng Người sẽ làm cho chúng ta “thực sự được tự do” (Ga 8:36).

Ðược giải phóng khỏi điều gì? Các tín hữu Kitô ở Ga-lát đã được giải phóng khỏi những bó buộc của Luật Mô-sê, sự tự do ấy sau này được trải rộng đến tất cả mọi tín hữu Kitô. Hơn thế nữa, chúng ta đã được giải phóng khỏi tội lỗi và khỏi những hậu qủa của nó: đó là những sợ hãi, sự mê mải theo đuổi những lợi lộc của mình, những ước định của văn hóa, những quy ước của xã hội… Vì thế chúng ta được tự do, khi ta tuân theo những quy tắc sử sự trong xã hội cùng tôn giáo theo Kitô giáo, mà không cảm thấy chúng là những điều bó buộc áp đặt từ bên ngoài.

Chúng ta có một lề luật mới, thánh Phaolô gọi là “lề luật của Ðức Kitô” (Gl 6:2), được ghi khắc trong chính tâm hồn ta, nó phát ra từ nôi tâm, từ con người đựợc tình thương của Ðức Kitô đổi mới: đó là “lề luật của tự do” (Gl 2:12). Ðó là một lề luật, cùng một trật cũng ban cho ta sức mạnh để thi hành..

Chúng ta được tự do, bởi vì ta được Thần khí Ðức Giêsu, Ðấng sống nơi ta hướng dẫn. Từ đó có lời mời gọi:

 

“Anh em hãy sống theo Thần khí… Nếu anh em để cho Thần

  khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa”

 

Trong thời gian lễ Hiện xuống này, chúng ta hãy sống lại biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ðức Maria và các môn đệ tụ tập ở nhà tiệc ly. Với những lưỡi lửa, Người đổ tình thương Thiên Chúa trên họ (Xem Rm 5:5). Ðó là “lề luật mới”: thương yêu.

Thánh thần là Tình thương của Thiên Chúa, khi đi vào trong ta Người sẽ biến đổi cõi lòng ta, đổ vào chính tình thương của Người và dạy ta sử sự trong tình thương và vì tình thương.

Ðó là tình thương thúc đẩy, gợi cho ta phải đáp lại thế nào trước những tình cảnh cùng những quyết định mà chúng ta được kêu gọi thực hiện. Ðó là tình thương dạy ta phải phân biệt: điều tốt ta phải làm; điều xấu ta không nên làm. Ðó là tình thương thúc đẩy ta hành động bằng cách tìm lợi ích cho người khác.

Chúng ta không được hướng dẫn từ bên ngoài, mà từ nguyên lý của cuộc sống mới, cuộc sống mà Thần khí đã đặt vào trong ta. Sức mạnh, cõi lòng, trí tuệ, tất cả mọi khả năng của ta có thể “sống theo Thần khí”, bởi vì chúng được tình thương hợp nhất lại và hoàn toàn để cho chương trình Thiên Chúa dành cho ta cùng cho xã hội sử dụng.

Chúng ta được tự do mến yêu.

 

“Anh em hãy sống theo Thần khí… Nếu anh em để cho Thần

  khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa”

 

“Nếu anh em để cho Thần khí hướng dẫn…” Lúc nào cũng có nguy hiểm là có điều gì ngăn cản Thần Khí hoàn toàn chiếm hữu tâm trí cùng cõi lòng chúng ta. Ta có thể cưỡng lại tiếng Người và sự dẫn dắt của Người đến độ “làm cho Người buồn lòng” (Ef 4:3), cùng “dập tắt” sự hiện diện của Người nơi ta (1 Tx 5:19). Bao lần chúng ta thích đi theo ước muốn của mình hơn là của Người, ý mình hơn ý của Người.

Vậy làm sao ta để cho tiếng nói trong lòng mình hướng dẫn? Tiếng đó đưa ta đến đâu? Cũng chính thánh Phaolô nhắc nhớ cho ta điều đó trong những câu đi trước: đó là toàn thể luật tự do mới được tóm tắt trong một điều răn duy nhất: đó là thương yêu người bên cạnh. Theo thánh Phaolô, cụ thể sống tự do có nghĩa là nên tôi tớ cho người khác, phục vụ người khác (Xem Gl 5:13-14). Tiếng nói trong thâm tâm (đồng nghĩa với tình thương) thúc đẩy chúng ta chú ý đến người bên cạnh mình, lắng nghe họ, cho đi.

Ðiều đó có thể xem ra kỳ lạ, nhưng mỗi Lời sống, tựu trung đều đưa ta đến chỗ mến yêu. Ðó không phải là một điều cưỡng bách, mà là lý lẽ của Tin mừng.

Chỉ khi nào sống theo tình thương chúng ta mới là những tín hữu Kitô đích thực.

 

“Anh em hãy sống theo Thần khí… Nếu anh em để cho Thần

  khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa”

 

Chúng ta hãy để cho Thần khí được tự do hướng dẫn ta theo con đường yêu thương. Ta có thể thưa với Người như sau:

         

          Chúa là ánh sáng, là niềm vui, là vẻ đẹp.

          Chúa lôi kéo các tâm hồn, đốt cháy các cõi lòng cùng làm nẩy lên những ý tưởng sâu xa cùng cương quyết đưa đến sự thánh thiện cùng với những dấn thân bất ngờ.

          Chúa thánh hoá. Lạy Chúa Thánh thần, trên hết Chúa là Ðấng kín đáo, cho dầu dữ dằn và khuất phục, nhưng nhẹ nhàng như cơn gió thoảng mà ít người biết lắng nghe cùng nghe được, xin hãy nhìn đến sự thô lỗ trong thái độ khiếm nhã của chúng con và làm cho chúng con nên những đồ đệ của Chúa. Xin đừng để cho ngày nào qua đi mà chúng con không kêu cầu Chúa, không cảm tạ Chúa, không thờ lạy chúa, không mến yêu Chúa, không sống như những đồ đệ chăm chỉ của Chúa.

Chúng con xin Chúa ban ơn ấy cho chúng con.

 

                                                                                      Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà