LỜI CHÚA:

 

“Ông Gioan nói vớI Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta. Ðức Giêsu bảo: “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mác-cô 9:38-40)

 

 

Lời Sống

Tháng Mười 2006

 

“Ai cho anh em uống một chén nước vì anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”

(Mc 9:41)

 

Suốt toàn thể Tin mừng, Ðức Giêsu đều kêu gọi người ta cho đi: cho người nghèo (Xem Mc 10:21), cho người xin mình, cho người muốn vay mượn (Xem Mc 5:42); cho người đói ăn (Xem Mc 6:37), cho cả áo ngoài cho người xin áo trong (Xem Mt 5:40); cho mà không đòi hỏi gì (Xem Mt 10:8)…

          Chính Người đã cho đi trước tiên: Người ban sức khoẻ cho người đau yếu, ơn tha thứ cho kẻ có tội, sự sống cho tất cả chúng ta (Xem Mt 10:45).

          Lòng quảng đại đối lại bản năng ích kỷ muốn chiếm đoạt; thái độ chú ý đến người khác đối lại thái độ chỉ chú tâm đến nhu cầu của riêng mình; văn hóa cho đi đối lại văn hóa chiếm đoạt.

          Ta có thể cho nhiều hay ít, điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng là ta cho “thế nào”, bao nhiêu tình thương chứa đựng cả trong thái độ nhỏ mọn ta chú ý đến người khác. Ðôi khi chỉ cần cho người đó một chén nước lã, một chén nước “lạnh”, như Tin mừng Matthêu xác định: đó là một món quà rất được ưa chuộng và cần thiết ở một nơi nóng nực cùng khô cằn như vùng Palestina.

 

“Ai cho anh em uống một chén nước vì anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”

 

          Thực vậy một chén nước, một cử chỉ đơn sơ mà lớn lao trước mắt Thiên Chúa, nếu được thực hiện nhân danh Người hoặc vì lòng yêu thương.

          Và tình thương có tất cả sự uyển chuyển và biết tìm ra những cách thế thích hợp nhất để diễn tả.

          Tình thương chú tâm, vì quên đi chính mình.

          Tình thương đón trước, bởi vì nhận ra nơi người khác một nhu cầu, nên mau mắn đáp lại.

          Tình thương đi đến cái chính yếu, vì cũng biết đến với người bên cạnh chỉ với thái độ lắng nghe, phục vụ, sẵn lòng.

          Biết bao lần, khi chúng ta gần một người, nhất là người đau khổ, ta cho là mình phục vụ đắc lực với những lời khuyên nhủ không phải lúc nào cũng thích hợp hay bằng qúa nhiều chuyện không đâu…, có thể làm cho người đó khó chịu và cảm thấy nặng nề.

          Trái lại tìm cách “trở nên” tình thương bên cạnh mỗi người là điều quan trọng! Lúc đó ta sẽ tìm được con đường thẳng để đi vào tâm hồn họ cùng nâng họ dậy.

 

“Ai cho anh em uống một chén nước vì anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”

 

          Lời Sống tháng này sẽ có thể giúp chúng ta khám phá lại giá trị của mỗi hành động mình làm: từ việc nhà hay nơi đồng áng cùng việc ở hãng xưởng, đến những thủ tục bàn giấy, những bài làm ở trường học, cũng như những trách nhiệm trong lãnh vực dân sự, chính trị cùng tôn giáo. Tất cả có thể được biến đổi nên việc phục vụ chú tâm và săn đón.

          Lòng thương yêu sẽ cho chúng ta những con mắt mới để đoán ra điều người khác cần đến và đáp lại với thái độ sáng tạo cùng quảng đại.

          Kết quả sẽ ra sao? Ðó là những ân huệ sẽ được chuyền đi, bởi vì tình thương kêu gọi tình thương. Niềm vui sẽ tăng thêm, bởi vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh” (CVTÐ 20:35).

 

“Ai cho anh em uống một chén nước vì anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”

 

          Tôi còn nhớ, hồi thế chiến thứ hai, tại thành phố Trento (Italia), có những gia đình rất nghèo sống tại một vài xóm. Chúng tôi đến chia sẻ cho họ những gì chúng tôi có; lúc đó chúng tôi muốn nâng mức sống của họ đến chỗ mọi người đều được như nhau.

          Ðó là một lý luận đơn giản nhưng đã đem lại những kết quả bất ngờ: những của ăn, quần áo, thuốc men đã bắt đầu luân chuyển một cách dư dật bất thường… Lúc đó chúng tôi xác tín rằng Tin mừng được đem ra thực hành là câu trả lời cho mọi vấn đề cá nhân cùng xã hội.

          Ðó không phải là một ảo tưởng. Ngày nay hàng trăm hãng xưởng tham gia vào chương trình “kinh tế hiệp thông”: đó là áp dụng văn hoá cho đi vào toàn thể cuộc sống của hãng, và góp chung những lợi tức thu nhập vào mục đích xã hội, trong số đó có việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, bằng cách tạo nên những chỗ làm mới cùng trợ giúp những nhu cầu căn bản.

          Nhưng những người thiếu thốn thì rất nhiều và những lợi tức của các hãng xưởng này không thể đáp lại mọi nhu cầu được. Lúc đó rất nhiều người trong chúng tôi, từ năm 1944, mỗi tháng góp một món tiền nhỏ dành cho người nghèo.

          Hiện nay chúng tôi giúp 7000 người thuộc 55 quốc gia.

          Có vô vàn những chứng từ về những “chén nước” nhận được và cho đi trong một cuộc thi đua về lòng quảng đại.  Một chứng từ trong số đó từ Phi-líp-pin như sau:

          “Quán hàng nhỏ bán thịt của chúng tôi bị thất bại vì súc vật bị dịch. Chúng tôi phải nợ nần và không biết làm sao tiếp tục được. Qua những trợ giúp đều đặn của anh chị em chúng tôi có được của ăn hàng ngày. Không mấy chốc tôi hiểu ra rằng tôi cũng phải giúp đỡ người thiếu thốn hơn tôi. Một bà hàng xóm lâm bệnh, bà rất đau đớn và cần sự giúp đỡ vật chất. Tôi đã giúp bà ta đến khi bà về trời, và nhận giúp đỡ đứa con thứ năm của bà, vì người cha còn nghèo hơn chúng tôi không thể làm gì được.”

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, chuyển ngữ


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà