Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

          Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất hứa làm gia nghiệp.

          Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

          Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được no thỏa.

          Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được xót thương.

          Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

          Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

          Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

                                                                             (Mát-thêu 5:3-10)

 

 

Lời sống

Tháng Mười Một 2006

 

 

“Phúc thay ai khát khao nên công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”

(Mát-thêu 5:6)

 

          Theo ngôn ngữ chung, từ “công chính” nói lên sự tôn trọng các quyền con người, đòi hỏi sự bình đẳng, việc phân phát đồng đều những tài nguyên của nhân loại, những tổ chức được kêu gọi làm cho người ta tôn trọng luật pháp.

          Đó có phải là sự công chính Đức Giêsu nói đến trong “bài giảng trên núi”, trong đó có Tám mối phúc không? Cũng đúng, nhưng sự công chính đó là như kết qủa của một sự công chính rộng lớn hơn bao gồm sự hòa hợp trong các mối quan hệ, sự đồng tâm, niềm an bình.

          Sự đói khát nói lên những nhu cầu nền tảng của mỗi người, biểu tượng của lòng ao ước sâu xa nơi tâm hồn con người không bao giờ được thoả mãn hoàn toàn. Theo Tin mừng Luca, thì Đức Giêsu chỉ nói vỏn vẹn: “Phúc cho anh em đang đói khát” (Xem Lc 6:21). Mát-thêu giải thích rằng cơn đói của con người là đói khát Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể làm cho họ được no thoả hoàn toàn, như thánh A-gut-ti-nô đã hiều rõ khi người viết ở đầu cuốn Tự thú một câu nổi tiếng rằng: “Chúa đã tạo nên chúng con để hướng về Chúa, và tâm hồn chúng con không được an bình cho đến khi nghỉ an trong Chúa” (Sách I, 1,1).

          Chính Đức Giêsu đã nói: “Ai khát hãy đến cùng tôi để uống” (Ga 7:37). Đến lượt mình của ăn của Người là ý Thiên Chúa (Xem Ga 4:34).

          Như vậy theo Kinh thánh, công chính có nghĩa là sống theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại.: Người đã nghĩ đến cùng mong muốn sự công chính như một gia đình hợp nhất trong yêu thương.

 

“Phúc thay ai khát khao nên công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”

 

          Từ muôn thuở, việc ước muốn cùng kiếm tìm sự công chính đã được in vào lương tâm con người, chính Thiên Chúa đã đặt chúng nơi tâm hồn họ. Nhưng mặc cho những thành công cùng tiến bộ con người đạt được trong lịch sử, ta vẫn còn xa việc thực hiện hoàn toàn kế hoạch của Thiên Chúa. Những cuộc chiến mà ngày nay vẫn còn, cũng như sự khủng bố cùng những xung đột giữa các chủng tộc, là dấu chỉ sư bất bình đẳng trong xã hội và về kinh tế, những bất công, những hận thù.

          Những cản trở cho sự hòa hợp giữa con người với nhau không chỉ ở trên bình diện pháp luật, hoặc vì thiếu những luật lệ để xếp điều hoà sự chung sống; chúng còn tùy thuộc nơi những thái độ sâu xa, về luận lý, tinh thần, nơi giá trị chúng ta dành cho mỗi người, nơi việc ta đối xử với người khác.

          Trong trật tự kinh tế cũng thế: sự phát triển và khoảng cách tăng dần giữa người giầu với người nghèo, cùng với sự phân phát của cải bất quân bình, không chỉ là hậu qủa của một số hệ thống sản xuất, mà  cũng và hơn cả là hậu qủa của những chọn lựa văn hoá cùng chính trị: chúng đều là do con người  làm nên.

          Khi Đức Giêsu mời gọi ta cho cả áo khoác cho người xin ta áo trong, hay đi hai dặm với người đòi ta đi với họ (Xem Mt 5:40-41), điều đó cho thấy một cái gì “hơn nữa”, một “sự công chính lớn hơn”, là điều vượt trên sự công chính theo luật pháp, một sự công chính do tình thương thực hiện.

          Không có tình thương, sự tôn trọng đối với một người, sự chú ý vào những nhu cầu của họ, thì những mối liên hệ giữa người này với người kia có thể là đúng, nhưng chúng cũng có thể trở nên quan liêu, không có khả năng đưa ra những câu trả lời quyết định cho những yêu cầu của con người. Không có tình thương thì sẽ không bao giờ có sự công chính đích thực, sự chia sẻ của cải giữa người nghèo với người giầu, sự chú ý vào từng người một và vào tình trạng cụ thể họ đang sống. Của cải không tự nó di chuyển; chính con người phải chuyển rời và làm cho của cải di chuyển.

 

“Phúc thay ai khát khao nên công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”

 

          Làm thế nào ta sống được Lời này?

          Bằng cách nhìn vào người bên cạnh như con người thực sự của họ: không phải chỉ là con người với những quyền lợi của họ và sự bình đẳng cơ bản với tất cả mọi người, nhưng như hình ảnh sống động của Đức Giêsu.

          Hãy mến yêu họ, cả khi họ là kẻ thù, với cùng một tình thương như Chúa Cha yêu thương họ, và vì họ sẵn sàng hi sinh đến chỗ cao cả nhất: “Thí mạng cho anh em mình” (Sollecitudo rei socialis, n. 40).

          Bằng cách thực hiện với người đó sự cho đi cho lại lẫn nhau, sự chia sẻ của cải tinh thần cùng vật chất, để tất cả mọi người trở thành một gia đình duy nhất.

          Lúc đó lòng ao ước của chúng ta về một thế giới huynh đệ cùng công chính, như Thiên Chúa muốn, sẽ nên sự thật. Chính Người sẽ đến sống giữa chúng ta và làm cho ta no thoả vì sự hiện diện của Người.

 

“Phúc thay ai khát khao nên công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”

 

          Đây, một công nhân kể về việc xin nghỉ việc của mình như sau: “Hãng nơi tôi làm việc mới hợp lại với một hãng khác cùng ngành. Sau cuộc kết hợp này tôi được lệnh xem lại danh sách các nhân viên, bởi vì trong hệ thống mới này ba người sẽ bị sa thải.

          Nhưng theo tôi cách làm đó xem ra không có lý, mà trái lại còn vôi vã, không đếm xỉa gì đến những hậu qủa của trật tự con người mà cách sử sự đó phải để ý đến họ cùng gia đình họ. Phải làm gì đây? Lúc đó tôi nhớ đến Lời sống. Cách duy nhất là xử sự như Đức Giêsu: đó là yêu mến trước. Tôi nộp đơn xin nghỉ việc và cho biết rằng tôi sẽ không ký ba lệnh sa thải đó.

          Đơn xin nghỉ việc của tôi không được chấp nhận, trái lại họ hỏi tôi nghĩ cách nào để đưa các nhân viên vào tổ chức mới. Tôi đã sẵn sàng kế hoạch mới cho các nhân viên, kế hoạch  làm cho việc đưa tất cả mọi người vào các ngành khác nhau được dễ dàng và ích lợi hơn. Kế hoạch đó đã được chấp nhận và tất cả chúng tôi đều ở lại làm việc”.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, Úc Châu chuyển ngữ


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà