LỜI CHÚA:

 

                   Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.

                   Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi

mong tới được khôn viên đền vàng.

Cả tấm hân con cùng là tấc dạ

những hướng lên cùng Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.

Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là thiên chúa con thờ,

ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,

cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con

bên bàn thờ của Chúa!

 

Phúc thay người ở trong thánh điện

họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

Phúc thay kẽ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.

Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn,

họ biến nó thành nguồn suối nước,

mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.

Càng tiến lên, họ càng mạnh bước

đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.

                                                                   (Thánh vịnh 83:2-8)

 

Lời Sống

Tháng 12, 2006

 

“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương”

(Thánh vịnh 83:6)

 

Thi sĩ sáng tác ca vịnh, mà Lời sống trích dẫn, đã đi hành hương đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông đã muốn ở lại, như những con chim én làm tổ ở đó, nhưng đã phải trở về quê quán của mình. Ông nuối tiếc “những cung điện khả ái” của Chúa nơi ông đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Lúc đó ông quyết định trở lại và bắt đầu cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Đó sẽ là một cuộc “hành hương” lại đưa ông đến “trước mặt Chúa”. Cũng như nơi tất cả các nền văn hoá cùng tôn giáo, một cuộc hành trình, một cuộc hành hương đã trở nên một dụ ngôn của cuộc đời.

“Cuộc hành hương” là biểu tượng cho cuộc hành trình đến với Thiên Chúa.. Thực vậy, chúng ta hướng thẳng về một cùng đích mà ta không nên gọi là “cái chết”, mà là “cuộc gặp gỡ”, bởi vì đó là khởi đầu cho cuộc sống mới trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Tất cả mọi người chúng ta đều hướng về đó, đều được Người mời gọi.

Vậy tại sao ta không sắp đặt cuộc đời mình trong mối liên hệ với đích điểm đang chờ đợi ta? Tại sao ta không làm cho cuộc sống duy nhất ta có nên một cuộc hành trình, một cuộc hành hương, bởi vì Đấng chờ đợi ta là Đấng thánh?

Phải, tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh theo như Chúa muốn (xem 1 Tx 4:3); Thiên Chúa là Đấng vô cùng yêu thương mỗi người chúng ta và đã mơ tưởng cùng hoạch định cho chúng ta một cuộc hành trình phải theo, cùng một đích điểm rõ ràng phải đạt đến.

 

“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương”

 

          Chắc chắn chúng ta là con cái của thời đại hôm nay là thời thích họat động, đôi khi quá độ, thích có hiệu qủa, thời đại đánh giá cao một số nghề nghiệp và đánh giá thấp những nghề khác, thời đại im lặng che lấp một số giây phút của cuộc đời vì sợ hãi, trong ảo tưởng là sẽ xoá bỏ được chúng...

          Có lẽ cả chúng ta cũng bị ảnh hưởng hoặc bị làm choá mắt bởi những khuynh hướng như vậy, ta cũng có thể phí phạm sức lực của mình cách vô ích. Và có thể ta nhìn những ngày nghỉ là vô ích, những lúc cầu nguyện là thừa thãi, hoặc coi bệnh tật cùng những khó khăn mà Thiên Chúa cho phép xẩy đến vì mục đích yêu thương của Người, là những trở ngại cho cuộc sống.

          Làm sao ta vui vẻ bước đi hay lại bắt đầu bước đi trong cuộc hành hương được? Không khó khám phá ra điều đó: đó là không làm theo ý mình, mà theo ý Chúa; là theo theo ý Chúa trong giây phút hiện tại của cuộc đời, ý thức rằng – và đây là một hồng ân lớn lao - mỗi hành động ta làm theo cách đó sẽ có một ơn đặc biệt đi theo, “ơn hiện sủng”, ơn soi sáng trí tuệ cùng hướng sự nhạy cảm cùng ý chí của ta đến sự thiện.

          Cả người nào không có một niềm tin tôn giáo rõ rệt cũng có thể làm cho cuộc đời mình nên một tuyệt tác, bằng cách bước đi cách ngay thẳng với nỗ lực thành thực sống theo luân lý.

 

“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương”

 

          Nếu cuộc đời là “một cuộc hành hương” theo như ý Chúa vạch ra, thì cuộc hành trình đòi ta phải tiến tới mỗi ngày. Tình thương thúc đẩy ta mời gọi ta tiến tới, làm tốt hơn. Ta không thể bằng lòng với cách mình sống hôm qua. Thỉnh thoảng ta có thể lặp lại cho mình câu “Hôm nay tốt hơn hôm qua.”

          Khi chúng ta dừng lại thì sao? Khi ta đi giật lùi, lại sa vào những lỗi lầm hoặc chỉ sa vào sự lười biếng thì sao? Thất vọng vì những lầm lỗi, chúng ta có phải bỏ công cuộc đã khởi sự không? Không, trong những lúc đó mệnh lệnh cho ta là “bắt đầu lại”.

          Hãy khởi sự lại, bằng cách đặt vào lòng nhân từ của Chúa quá khứ của ta cùng với những lỗi lầm, những tội lỗi của mình.

          Hãy khởi sự lại, bằng cách đặt tất cả niềm tin tưởng vào ơn Chúa hơn là vào những khả năng của ta. Lời sống không bảo là ta sẽ tìm được nơi Người sức mạnh của ta đó sao? Mỗi ngày chúng ta hãy khởi đầu lại như thể ngày đầu tiên.

          Và nhất là ta cùng nhau bước đi, hợp nhất trong tình thương, bằng cách giúp đỡ lẫn nhau. Đấng Thánh sẽ ở giữa chúng ta và người sẽ là “Đường” cho ta. Người sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn Thiên Chúa và ban cho ta niềm mong ước cùng khả năng để thực hiện ý ấy. Khi hợp nhất thì mọi sự sẽ nên dễ dàng và chúng ta sẽ được chúc phúc như đã hứa cho ai thực hiện cuộc “hành hương”.

 

“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương”

 

          Đến đây tôi nhớ đến một người bạn.

          Năm 1951 ở Rôma, lúc hai mươi hai tuổi, anh Enzo Fondi quyết định dấn thân trọn vẹn cho Chúa trong Phong trào Focolare đang nẩy sinh. Sau khi đậu bằng bác sĩ anh làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Leipzig (Đông Đức), và cả ở bên kia “bức màn sắt”, anh cũng làm chứng cho tình thương của Tin mừng. Anh được thụ phong linh muc. Anh sang Hoa kỳ với cùng một sứ điệp ấy.

          Trong những năm cuối cùng anh dấn thân trong công cuộc đối thọai liên tôn mà Phong trào thực hiện; điều đã đưa anh đến những nơi chốn cùng những công việc khác nhau, nhưng luôn có một chương trình duy nhất: đó là làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Anh hoàn tất “cuộc hành hương” tối ngày cuối cùng của năm 2001; người ta tìm thấy anh đang làm việc trước máy vi tính, đầu gục xuống bàn, gương mặt bình thản không chút đau đớn. Hơn là một cái chết, xem ra anh nhẹ nhàng đi từ “căn phòng” này sang căn phòng khác.

          Mười lăm ngày trước khi chết anh đã viết: “Những ý muốn cuối cùng, bản chúc thư. Đối với tôi, ý muốn cuối cùng của Chúa là điều Người muốn tôi làm lúc này. Không có ý muốn nào khác. Hãy để cho ý muốn cuối cùng của Chúa được thể hiện hoàn toàn, bất kỳ ý muốn đó là gì, đó là ý muốn cuối cùng của tôi. Sau đó tôi không biết thực sự ý muốn cuối cùng Chúa muốn tôi làm trong cuộc sống là gì. Tuy nhiên tôi biết một điều là: cũng như đối với ý Chúa muốn cho giây phút này, tôi sẽ được ơn hiện sủng giúp tôi thực hiện được theo như tôi luyện tập dùng ơn ấy để sống tốt giây phút hiện tại.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà