Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,

ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

Vang vang ngoài miệng câu cười nói,

ròn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:

“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!”

Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!

ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,

như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;

lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

(Thánh vịnh 126)

 

Lời Sống

Tháng Ba 2007

 

 

“Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong reo mừng”

(Thánh vịnh 126: 5)

 

          Lời này trích từ một bài Thánh vịnh ca ngợi sự can thiệp quyết định cùng quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Người khỏi cuộc lưu đày ở Ba-bi-lon và tiếp tục can thiệp trong lịch sử, mỗi lần Người thấy họ ngã gục, thất vọng, bị sự dữ tác hại.

          Đó là lịch sử của mỗi người chúng ta được cô đọng trong một hình ảnh xác thực: một đàng là tình trạng bấp bênh, lo sợ của người gieo giống: người đó gieo vào lòng đất hạt giống (không biết mùa màng có tốt không? hạt giống có nẩy không?), đàng khác là niềm vui của mùa gặt hái thu hoạch.

 

“Ai gieo trong nước mắt, s gặt trong reo mừng”

 

          Chị Chiara Lubich đã viết rằng, khi nghĩ đến cuộc sống của mình, chúng ta thường tưởng tượng nó rất hoà hợp, như “một chuỗi những ngày ta muốn sống mỗi ngày một hoàn hảo hơn, với công ăn việc làm chu đáo, với việc học hành, nghỉ ngơi, những giờ sống trong gia đình, với những cuộc gặp gỡ, những hội nghị, thể thao, những thời gian giải trí... diễn ra trong trật tự, an hoà. Lúc nào trong tâm hồn con người cũng có niềm hi vọng là mọi sự đều trôi chảy như vậy, bao giờ cũng vậy.

          Thực tế, cuộc “Hành hương” của chúng ta sau đó cho thấy mọi sự khác xa, vì Thiên Chúa muốn cách khác. Và chính Người nghĩ đến việc đưa vào chương trình của ta những yếu tố mà Người muốn hoặc cho phép xấy ra, ngõ hầu cuộc sống chúng ta có được ý nghĩa đích thực, cùng đạt đến mục đích từ khi ta được dựng nên. Đó là những đau khổ thể xác cùng tinh thần, đó là những bệnh tật, là hàng ngàn những đau khổ, chúng nói lên cái chết hơn là sự sống.

          Tại sao vậy? Có lẽ bởi vì Thiên Chúa muốn sự chết chăng? Không, trái lại, Thiên Chúa yêu sự sống, nhưng một cuộc sống trọn vẹn, đem lại nhiều hoa quả, đến độ với tất cả mọi nỗ lực của ta hướng về sự thiện, về điều tích cực, về hoà bình, chúng ta không bao giờ tưởng tượng được điều đó” (Cercare le cose di lassù, Città Nuova 1992, p. 83-84).

          Và đây hình ảnh người gieo giống vãi hạt để nó chết đi, như dấu chỉ sự cực nhọc cùng chịu đựng của ta, và hình ảnh người thợ gặt thu lượm kết qủa của cây lúa mọc lên từ cái chết đó: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trơ một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24).

          “Thiên Chúa muốn là trong cuộc sống, chúng ta nghiệm được một thứ chết nào đó – đôi khi nhiều kiểu chết – nhưng ... để mang lại hoa quả, để thực hiện những công trình xứng với Thiên Chúa, chứ không xứng với con người chúng ta. Đối với Chúa, đó là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta: một cuộc sống phong phú, tràn đầy, dư dật, một cuộc sống phản ánh sự sống của Người” (op.cit, p.84).

 

“Ai gieo trong nước mắt, s gặt trong reo mừng”

 

          Làm thế nào ta thực hành được Lời sống này?

          Chị Chiara, người hướng dẫn chúng ta trong việc thực thi Lời Chúa, một lần nữa đề ra cho chúng ta như sau: “Cần phải đánh giá cao đau khổ, bất kỳ lớn nhỏ, phải đề cao đau khổ... Đặc biệt hãy đem lại giá trị cho sự mệt nhọc, hi sinh, là điều đi theo việc mến yêu người bên cạnh: đó là bổn phận cá biệt của chúng ta” (op.cit. p.102). Đó chính là đau khổ sinh ra sự sống!

          Và không bao giờ được đầu hàng, cả khi chúng ta không thấy kết quả, vì ta biết rõ rằng có khi “một người gieo và người khác gặt” (Ga 4:37). Tương lai của con cái mà chúng ta tìm cách giáo dục cách tốt nhất sẽ ra sao? Ai sẽ thấy những hậu quả của việc tôi dấn thân trong xã hội cùng chính trị? Đừng bao giờ bỏ làm điều thiện (Gl 6:9), thế nào thì hoa qủa cũng sẽ đến, có thể sẽ rất muộn, có thể ở nơi khác, nhưng chúng sẽ đến.

          Một niềm hi vọng, một niềm chắc chắn, một mục tiêu vững vàng ở trước mặt ta trong chuyến hành trình cuộc đời. Những khó khăn, những thử thách, những nghịch cảnh, đôi khi chúng làm ta cảm thấy bị đè bẹp, nhưng chúng là một lối ta phải đi qua, để đến hạnh phúc cùng niềm vui.

          “Vậy hãy tiến bước! Hãy nhìn lên trên mọi đau khổ. Đừng dừng lại chỉ vì tình trạng bấp bênh đó, chỉ vì thử thách đó... Hãy nhìn vào mùa gặt sẽ đến” (op.cit. p.85).

 

“Ai gieo trong nước mắt, s gặt trong reo mừng”

 

          Cô Patricia 22 tuổi là sinh viên luật khoa, từ ít lâu nay cô đảm trách chức vụ phụ tá giám đốc phân khoa. Cô tâm sự rằng: “Ngay từ lúc đầu tôi tự nhủ là sẽ luôn luôn làm tốt hơn mọi việc, và để ý đến mối liên hệ với những bạn đồng nghiệp, bằng cách làm thế nào để mỗi người đều cảm thấy mình được trọng đãi.”

          Nhưng thường cô phải đi ngược giòng để bảo vệ những nguyên tắc của mình, cho đến những hậu quả sau cùng phải gánh chịu, như chính cô kể lại như sau: “Một nhân vật quan trọng trong môi trường làm việc của tôi, là người hưởng nhiều đặc ân, có một thái độ rõ ràng vô liêm chính. Tôi phải nói cho người đó biết điều đó.”

          Vì biểu lộ những xác tín của mình, cô Patricia đã mất việc. “Tôi rất khổ tâm, nhưng cùng lúc tôi bình tâm, vì tôi biết mình đã sử sự đúng”. Cô không thất vọng, vì trong lòng cô ý thức mạnh mẽ là mình có một người Cha, Đấng làm được mọi sự, cùng yêu thương bô biên. Xem ra một điều không thể xẩy ra, trong tình trạng kinh tế cùng lao động mà nước Paraguay đang trải qua lúc đó, vậy mà tối hôm đó cô nhận được hai chỗ làm. Việc làm mới còn tốt hơn việc cũ, và có liên hệ trực tiếp với việc học của cô.

 

Fabio Ciardi và Gabriela Fallacara

 

Lm. JB Vượng, chuyển ngữ

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà