Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt-qua, đã đến gần... Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông đồ cũng vào với Người. Người nói với các ông: “ Thầy khát khao mong mỏi ăn lễ Vượnt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình”...

Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thến mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. (Luca 22:1.4.24-27)

 

Lời Sống

Tháng Tư 2007

 

“Thầy sống giữa anh em như người phục vụ”

(Luca 22:27)

 

Vào ngày lễ Bánh Không Men, lễ Vượt-qua, trong “căn phòng trên lầu” Đức Giêsu cùng dùng bữa cuối cùng với các môn đệ. Sau khi bẻ bánh và chuyền chén rượu cho các ông, Người kết thúc với lời dạy các ông là: trong cộng đoàn của Người, ai lớn nhất sẽ nên người nhỏ nhất và ai cầm quyền sẽ nên như người phục vụ.

          Trong tường thuật của Tin mừng Gioan, Đức Giêsu làm một cử chỉ gây ấn tượng để chỉ sự mới mẻ mà Người đã đến để lập nên giữa những ai theo mình: Người rửa chân cho các ông, nghịch lại với lối suy nghĩ thường tình về sự cao cả cùng chỉ huy trong cộng đàn (trong bữa ăn tối cuối cùng ấy các tông đồ hỏi nhau ai trong các ông là người “lớn nhất”).

 

“Thầy sống giữa anh em như người phục vụ”

 

          Trong một bài nói chuyện, chị Chiara Lubich nói rằng “Mến yêu có nghĩa là phục vụ. Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều đó”.

          Phục vụ, một từ xem ra hạ thấp phẩm giá con người. Những ai phục vụ thường không bị coi là ở cấp bậc thấp hơn đó sao? Vậy mà chúng ta tất cả đều muốn được phục vụ. Chúng ta đòi các thể chế công cộng phải phục vụ, từ những việc phục vụ xã hội. Chúng ta cám ơn người hầu bàn, khi người đó phục vụ tốt, cám ơn nhân viên văn phòng, khi người đó làm nhanh những giấy tờ cho ta, cám ơn vị y sĩ và y tá, khi họ chú ý săn sóc chúng ta cách tài giỏi...

          Nếu chúng ta chờ đợi nơi người khác điều đó, thì có lẽ người khác cũng chờ đợi nơi chúng ta như vậy.

          Lời Đức Giêsu dạy làm cho những người Kitô chúng ta ý thức rằng chúng ta mắc nợ thương yêu đối với mọi người. Với Đức Kitô và như Đức Kitô, khi đứng trước mỗi người ta cùng chung sống hay gặp gỡ trong việc làm, chúng ta đều phải lặp lại rằng:

 

“Thầy sống giữa anh em như người phục vụ”

 

          Chị Chiara còn nhắc lại cho chúng ta rằng Kitô giáo là “phục vụ, phục vụ mọi người, nhìn mọi người như những ông chủ. Nếu chúng ta là những tôi tớ, thì những người khác là chủ. Hãy phục vụ, hãy phục vụ, ở dưới, ở dưới, hãy tìm cách đạt đến sự cao cả của Tin mừng, nhưng bằng cách đặt mình phục vụ mọi người... Kitô giáo là điều nghiêm chỉnh; nó không phải là chút sơn phủ ngoài, một chút thương hại, một chút tình thương, một chút bố thí. Không! Người ta dễ bố thí để cảm thấy lương tâm yên ổn và sau đó truyền lệnh, đàn áp.”

          Nhưng làm thế nào để phục vụ? Trong bài nói chuyện nói trên, chị Chiara chỉ cho ta hai từ đơn giản: “sống người khác”, hay “tìm cách hiểu sâu người khác, đi vào những tình cảm của họ, tìm cách vác đỡ những gánh nặng của họ”. Chị đưa ra thí dụ, “Với trẻ em tôi phải làm sao? Trẻ em muốn tôi chơi với chúng: hãy chơi!” Tôi cũng phải giúp một người cùng nhà đang muốn coi TV hay đi chơi sao? Người ta phải nói đó là mất thì giờ: “Không, đó không phải là mất thì giờ, đó tất cả là tình thương, là thời gian chiếm đoạt được, bởi vì ta cần phải trở nên một với người khác vì lòng yêu thương”. “Tôi thực sự phải mang đến chiếc áo khoác cho người khác đang sắp sửa ra ngoài sao, hay tôi thực sự phải đặt chén bát lên bàn sao? Đúng như vậy, bởi vì “việc phục vụ mà Đức Giêsu đòi ta không phải là việc phục vụ trên ý hướng, không phải là một tình cảm phục vụ. Đức Giêsu nói về việc phục vụ cụ thể, với bắp thịt, bằng chân tay, bằng trí óc; cần phải phục vụ thực sự.”

          Vậy chúng ta biết phải thực hành Lời sống này thế nào: bằng cách để ý đến người khác và mau mắn đáp lại những đòi hỏi của họ, bằng cách mến yêu với hành động.

          Đôi khi đó sẽ là làm tốt hơn công việc của mình, là làm việc cách tài giỏi và hoàn hảo hơn, bởi vì đó là việc phục vụ cộng đoàn.

          Lúc khác, đó là đáp lại những đòi hỏi xin trợ giúp đặc biệt ở xa hay chung quanh ta, từ những người nhiều tuổi, người thất nghiệp, người khuyết tật, người cô đơn; hay từ những xứ xa xôi sau những tai ương, để xin con nuôi, xin trợ giúp những dự án nhân đạo.

          Người được trao phó trách nhiệm sẽ đặt sang một bên những thái độ truyền lệnh đáng ghét, bằng cách nhớ rằng chúng ta tất cả là anh chị em với nhau.

 

          Nếu làm mọi sự trong tình thương, chúng ta sẽ khám phá ra, như một lời nói lâu đời trong Đạo, rằng “phục vụ là cầm quyền”.

 

Lm. Fabio Ciardi và Gabriella Fallacara


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà