LỜI CHÚA:

 

          Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giêsu nói:

          “Giời đây Con Người được tôn vinh,

          và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

          Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người,

          thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình,

          và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

          Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy,

          Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.

          Anh em sẽ tìm kiếm Thầy;

          nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái:

          ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’,

          bây giời, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

          Thầy ban cho anh em một điều răn mới

          là anh em hãy yêu thương nhau;

          anh em hãy yêu thương nhau

          như Thầy đã yêu thương anh em.

          Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết

          anh em là môn đệ của Thầy:

          là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Gioan 13:31-35)

 

Lời Sống

Tháng Năm 2007

 

 

“Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn

đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”

(Gioan 13:35)

 

          Lúc đó Đức Giêsu đang ngồi ăn với các bạn hữu. Đó là bữa ăn trước khi từ gĩa cõi đời này, giây phút trang trọng nhất để trao lại cho bạn hữu ý muốn cuối cùng của Người, giống như một chúc thư: “Như Thầy đã yêu thương anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Ga 13:34). Suốt các thế kỷ chính đó sẽ là đặc điểm của các môn đệ Đức Giêsu, điều cho phép người ta nhận ra họ: ở điểm này mọi người sẽ nhận biết họ!

          Ngay từ ban đầu là như vậy. Cộng đồng đầu tiên các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem được toàn thể dân chúng tôn trọng và có cảm tình chính nhờ sự hiệp nhất của họ (Xem CVTĐ 2:47; 4:32; 5:13), đến độ mỗi ngày đều có những người mới gia nhập cộng đoàn (Xem CVTĐ 2:47).

          Một ít năm sau, ông Tec-tu-li-a-no, một trong những tác giả Kitô đầu tiên, cũng thuật lại điều người ta nói về các tín hữu Kitô rằng: “Hãy xem họ yêu thương nhau đến thế nào, và họ sẵn sàng thí mạng cho nhau đến thế nào” (Apoligeticum, 39,7). Đó là điều chứng thực những lời của Đức Giêsu:

 

“Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn

đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”

 

          Như vậy lòng yêu thương nhau là “bộ đồng phục của các Kitô hữu, già trẻ, đàn ông phụ nữ, người có gia đình hay không, lớn bé, bệnh tật hay khỏe mạnh, họ đều có thể mặc vào để ở mọi nơi và  mãi mãi, qua cuộc sống của mình, họ nói lớn tiếng về Đấng họ tin tưởng, Đấng họ mến yêu” (C. Lubich, L’abito del cristiano).

          Tình hiệp nhất nẩy sinh từ lòng yêu thương nhau giữa các môn đệ của Đức Giêsu hầu như phản ánh và làm cho hiển hiện Thiên Chúa, Đấng Người đã mạc khải là Tình yêu: đó là Giáo hội, hình bóng của Chúa Ba ngôi (Xem Lumen Gentium, 2-4).

          Ngày nay hơn bao giờ hết, đó là con đường để loan báo Tin mừng. Một xã hội thường bị mệt mỏi vì qúa nhiều tiếng nói, đi tìm những chứng nhân hơn là những thầy dạy, muốn những mẫu gương hơn là lời nói. Xã hội đó dễ dàng tham gia, nếu thấy một Tin mừng trở nên sự sống, có khả năng kiến tạo những mối liên hệ mới, mang dấu tình huynh đệ và lòng thương yêu.

 

“Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn

đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”

 

          Làm sao thực hành được Lời sống này? Bằng cách giữ cho sống động giữa chúng ta lòng thương yêu nhau, cùng tạo nên ở mọi nơi “những tế bào sống động”.

          Chị Chiara Lubich đã viết như sau: “Nếu tại một thành phố, ở những điểm rất khác nhau, người ta thắp lên ngọn lửa mà Đức Giêsu đã mang đến trần gian và nhờ thiện chí của dân cư ngọn lửa đó chống cự được sự giá lạnh của thế gian, thì chúng ta sẽ mau chóng thắp sáng thành phố đó bằng tình thương của Thiên Chúa. Ngọn lửa Đức Giêsu mang đến trần gian là chính Người, là lòng yêu thương: lòng yêu thương đó không chỉ nối kết tâm hồn với Thiên Chúa, mà còn nối kết các tâm hồn lại với nhau...

          “Hai hay nhiều tâm hồn hợp lại nhân danh Đức Kitô, thì họ không chỉ không sợ hãi hoặc xấu hổ nói lên với nhau cách rõ ràng ước muốn mến yêu Thiên Chúa, mà còn làm cho sự hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô nên Lý tưởng của họ, lúc đó họ nên một năng lực thần linh nơi thế gian.

          “Và tại mỗi thành phố, những tâm hồn ấy có thể nẩy sinh nơi các gia đình: giữa người cha với người mẹ, người con với người cha, con dâu với mẹ chồng; họ có thể ở trong các họ đạo, các hội đoàn, trong các hiệp hội, các trường học, các văn phòng, ở mọi nơi.

          “Họ không phải là những người thánh thiện, nếu không Đức Giêsu đã dặn như vậy; chỉ cần là họ hợp nhất nhân danh Đức Kitô và không bao giờ để thiếu sự hiệp nhất đó. Dĩ nhiên họ chỉ có hai hay ba người trong một thời gian ngắn, bởi vì lòng thương yêu tự nó lan toả và nẩy nở.

          “Mỗi tế bào nhỏ, được Chúa thắp lên ở bất cứ điểm nào trên thế giới, nhất định cũng sẽ lan ra, và Chúa Quan phòng sẽ phân phát những ngọn lửa này, những tâm hồn lửa này, nơi nào Người muốn, ngõ hầu tại nhiều nơi thế giới lại nhận được sự ấm áp của tình thương Thiên Chúa và lại hi vọng” (C. Lubich, Se in una città s’appiccasse il fuoco).

 

Lm Fabio Ciardi và Gabriella Fallacara

         

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà